Hương Khê

Hà Tĩnh: Cho em mượn đất, bỗng nhiên… “mất trắng”

Do thương người em vất vả, vợ chồng ông Phạm Phi Long (SN 1957, trú tại xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã cho người em mượn đất dựng nhà. Nhưng khi ông Long có nhu cầu sử dụng và đòi lại đất thì người em cho biết, đất đã được cấp sổ đỏ mang tên mình. Cực chẳng đã, vợ chồng ông Long đã phải khởi kiện người em ra tòa để đòi lại thửa đất của mình…

Mất đất, tình nghĩa anh em rạn nứt

Bà Nguyễn Thị Hà (SN 1959) và chồng là ông Phạm Phi Long đã có đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng về việc TAND tỉnh Hà Tĩnh bác đơn khởi kiện của vợ chồng bà trong vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Theo phản ánh của vợ chồng bà Hà thì vào năm 1990, vợ chồng bà được UBND xã Sơn Tây cấp 600m2 đất thuộc thửa số 314, tờ bản đồ số 10, xóm Hoàng Nam, xã Sơn Tây. Tại tờ bản đồ và sổ mục kê đều ghi tên chủ sử dụng trên đất là anh Long (anh Long Dực). Cùng thời điểm đó, có 6 hộ cũng được cấp đất và đang sinh sống ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hà, ông Nguyễn Phi Long cho biết sẽ tiếp tục kêu cứu sau bản án phúc thẩm.

Do điều kiện công tác, nên vợ chồng bà Hà giao thửa đất cho bố mẹ mình là ông Phạm Dực và bà Đoàn Thị Thảo quản lý, sử dụng thửa đất được cấp và vẫn làm đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước.

Vào năm 1997, vợ chồng bà Hà cho vợ chồng người em trai là Phạm Văn Khương (SN 1970, trú tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) mượn tạm thửa đất nói trên để sinh sống.

Năm 2011, vợ chồng bà Hà yêu cầu vợ chồng ông Khương trả đất để làm nhà ở vì biết được vợ chồng ông Khương đã được cấp đất mới diện tích 360m2.

Tuy nhiên, vợ chồng ông Khương trả lời là thửa đất đã được ông Dực và bà Thảo làm hợp đồng tặng cho từ năm 2009, ông đã được UBND huyện Hương Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), số mới thửa đất là 22.

Bà Hà đã khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Khương trả lại thửa đất, hủy GCNQSDĐ số 22 vì cho rằng thửa đất là do xã cấp cho vợ chồng mình. Việc chính quyền lại làm thủ tục cấp sổ đỏ cho ông Phạm Dực (người không được cấp đất, không có quyền sử dụng đất) là sai quy định.

Rồi sau đó vợ chồng ông Khương đã lập hợp đồng để ông Dực, bà Thảo tặng, cho thửa đất. Hợp đồng này có dấu hiệu giả mạo chữ ký (vì thời điểm đó ông Dực đã 90 tuổi bị tai biến mạch máu não không đủ năng lực hành vi dân sự, bà Thảo đã 85 tuổi và không biết chữ).

TAND huyện Hương Sơn đã phán quyết buộc bà Hiền, ông Khương trả lại thửa đất số 22 cho nguyên đơn; hủy Quyết định số 3808/QĐ-UBND ngày 26/8/2009 về việc cấp GCNQSDĐ với thửa đất số 22 mang tên ông Khương. Gia đình bà Hiền, ông Khương không đồng ý với bản án sơ thẩm nên đã kháng cáo.

Trong khi đó, VKSND tỉnh Hà Tĩnh cũng có Kháng nghị số 44/QĐKNPT-VKSDS đề nghị TAND tỉnh Hà Tĩnh áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Hương Sơn.

Nhưng khi xét xử phúc thẩm, HĐXX TAND tỉnh Hà Tĩnh đã không chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Hà Tĩnh; chấp nhận nội dung kháng cáo của vợ chồng bà Hiền, sửa Bản án sơ thẩm ngày 28/9/2016 và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Hà, ông Long.

Tòa phúc thẩm “bỏ quên” nhiều chứng cứ quan trọng

Bà Hà bức xúc cho biết: “Tòa cấp phúc thẩm cho rằng vợ chồng tôi không có hộ khẩu ở Hương Sơn nên không được cấp đất là không đúng.

Việc có hộ khẩu hay không thì UBND xã Sơn Tây thời điểm đó biết rõ, và ở khu vực này còn có 6 hộ gia đình được UBND xã cấp cùng nhau vì là những người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Hơn nữa, tại tờ bản đồ số 10 đã thửa đất 314 có ghi tên “A Long Dực”.

Trong sổ mục kê cũng ghi tên “anh Long”. Nếu gia đình tôi không làm đơn xin UBND xã Sơn Tây cấp đất, không nộp 50.000đ thì làm sao lại có tên chồng tôi trong bản đồ giải thửa của xã lập năm 1993, có tên trong sổ mục kê của UBND xã năm 1994.

Sau khi được cấp đất, vợ chồng tôi chưa làm nhà ở, nhờ bố mẹ chồng trông coi- đây là một thực tế hiển nhiên, được VKSND tỉnh Hà Tĩnh, TAND huyện và những người tham gia tố tụng thừa nhận…”.

Theo bà Hà, việc Tòa không công nhận thửa đất thuộc quyền sử dụng của mình là không đúng vì nếu là đất của ông Dực thì tại sao trong tờ kê khai ruộng đất của ông vào ngày 25/4/1994 lại ghi rất rõ ô đất 314 là “vườn Long”?

“Trước năm 1995, chính quyền không có tài liệu nào thể hiện ô đất 314 là do xã đã cấp cho hộ ông Dực, không hiểu UBND huyện Hương Sơn đã căn cứ vào đâu để cấp GCNQSDĐ cho ông Dực, bà Thảo? Vậy ai đã tự ý đưa đất của gia đình tôi vào GCNQSDĐ mang tên ông Dực để gây ra cảnh anh em chúng tôi phải đưa nhau ra tòa?”, bà Hà bức xúc nói.

Trước phán quyết có nhiều điểm chưa rõ trên, đề nghị TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại Hà Nội cần xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm để đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn trong vụ việc này.

Liên quan đến việc hòa giải tranh chấp đất giữa hai anh em, bà Hà cho biết: “Do thấy thửa đất của gia đình tôi đã được cấp GCNQSDĐ mang tên ông Khương nên sau khi bạc bạc và được sự góp ý của mọi người, hai gia đình thỏa thuận phương án hòa giải là sẽ đổi đất cho nhau, tức là gia đình tôi sẽ sử dụng thửa đất rộng 360m2 do ông Khương được cấp năm 2007.

Theo đó, ngày 7/4/2011, vợ chồng ông Khương đã làm giấy tặng, cho gia đình tôi thửa đất số 2 (tờ bản đồ số 10). Văn bản này đã được UBND xã Sơn Tây xác nhận, đóng dấu.

Nhưng đến đầu năm 2015, vợ chồng tôi về làm thủ tục sang tên thửa đất 360m2 nói trên thì vợ chồng ông Khương lại tuyên bố cả thửa đất nói trên lẫn thửa đất cũ của vợ chồng tôi đều thuộc quyền sử dụng của mình và đều đã được cấp GCNQSDĐ mang tên Phạm Văn Khương và Nguyễn Thị Hiền”

Tác giả: Sông La

Nguồn tin: Báo Pháp luật plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP