Tin

Dịch tai xanh bùng phát dữ dội ở Cẩm Bình

Dịch lợn tai xanh bùng phát mới hơn một tuần nhưng đã khiến hơn 400 con lợn của hàng chục hộ dân ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bị ốm, chết, phải tiêu hủy hơn 270 con. Nguy cơ “đại dịch” tai xanh như năm 2008 tại Cẩm Bình lại tái hiện.

7 ngày tiêu hủy trên chục tấn lợn


Chúng tôi về xã Cẩm Bình đúng vào thời điểm người chăn nuôi nơi đây ai nấy buồn bã vì “của đau con xót”. “Đại dịch” lợn tai xanh đang bao trùm lên mảnh đất thuần nông này.



Đến thôn Đông Trung, nơi phát hiện ổ dịch đầu tiên. Dù chỉ mới bùng phát hơn tuần lễ nhưng dịch bệnh đã cướp đi hàng trăm con lợn với trọng lượng trên 12 tấn. Đi đâu, đến đâu cũng thấy đường sá sặc sụa vôi vữa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.


Anh Đặng Thế Minh, một hộ chăn nuôi trong thôn bị thiệt hại khá nặng, than thở: “Thế là hết sạch rồi các bác ơi, vợ chồng tui chắt chiu dành dụm, vay mượn tiền ngân hàng đầu tư nuôi lợn mong sao kiếm thêm thu nhập nuôi con cái ăn học. Bây giờ tay trắng tay, lợn ra đi để nợ lại cho người”. Đàn lợn 23 con của gia đình anh Minh đều mắc bệnh phải tiêu hủy, thiệt hại lên đến hơn 30 triệu đồng.


Tại Hà Tĩnh, ngoài dịch lợn tai xanh ở Cẩm Bình, dịch LMLM cũng đã phát sinh, gây bệnh cho trên 130 con trâu, bò của hàng chục hộ dân ở phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) và xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc).

Chung cảnh ngộ như anh Minh, ông Trần Viết Duyên, cùng thôn, thất thần đứng bên đàn lợn sắp đến ngày xuất chuồng phải đem đi chôn, nói: “Cứ tưởng sau khi xuất bán đàn lợn ni sẽ có món tiền kha khá mua cho đứa con chiếc xe máy đi làm. Ai ngờ mất cả chì lẫn chài thế này”.


Ông Duyên cho biết, khoảng đầu tuần trước khi cho lợn ăn, vợ ông phát hiện vài con có triệu chứng bỏ ăn, tấy đỏ cả người và chỉ sau một thời gian rất ngắn cả đàn lợn 15 con đều mắc bệnh. “Sau khi phát hiện lợn bị bệnh vợ chồng tôi đi nhờ thú y ngoài đến chữa trị nhưng sau 3-4 ngày lợn không khỏi tôi đành chạy đi báo với chính quyền địa phương”.


Ở thôn Đông Trung còn có hàng chục hộ dân như bà Sinh, anh Sơn, anh Huy, chị Bông…cũng bị thiệt hại nặng nề do đợt dịch tai xanh này.


Người trong cuộc nói gì?


Thôn trưởng Đông Trung Nguyễn Văn Duẩn, nét mặt đăm chiêu, lo lắng cho biết: Dịch lợn tai xanh bắt đầu xuất hiện từ ngày 18/3, đến ngày 21-22/3 cả thôn chẳng khác có “đại tang lợn”: cả 55 hộ chăn nuôi toàn thôn đều có lợn bị nhiễm bệnh.


Sào chắn báo dịch nhưng bị bỏ ngơ không người trực.


Ông Nguyễn Thiên Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh bùng phát với tốc độ chóng mặt, trước hết là do mầm bệnh tai xanh từ những năm trước vẫn còn tồn dư; sau đó là việc giết mổ, buôn bán gia súc trên địa bàn với các tỉnh khác trong khu vực như Quảng Bình, Nghệ An… kiểm soát chưa được chặt chẽ nên mầm bệnh từ ngoài vào là khó tránh khỏi.


Bên cạnh đó, hầu hết người chăn nuôi chủ quan không tiêm phòng cho đàn lợn và khi phát hiện dịch không kịp thời trình báo cơ quan chức năng mà tự mời thú y yếu kém chuyên môn về chữa trị dẫn đến lợn ốm chồng lên lợn chết, gây thiệt hại nặng nề.


Được biết, huyện Cẩm Xuyên đang tập trung cắt cử lực lượng chỉ đạo các địa phương dập dịch; cấp 384 lít hóa chất; 4,5 tấn vôi bột tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi và 4.300 liều vacxin tai xanh tiêm phòng bao vây ổ dịch. Đối với số lợn bị nhiễm bệnh sẽ tiến hành tiêu hủy.


Rời làng Đông Trung tôi ám ảnh mãi những lời nghẹn ngào của người dân. Nếu như có sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, tổ chức tập huấn phòng trừ bệnh, chủ động tiêm phòng, chủ động chữa trị khi phát hiện bệnh thì chắc chắn họ không đến nỗi chịu nhiều thiệt hại như thế.

Nông Nghiệp

  Từ khóa: Bùng phát , Cẩm Bình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP