Kinh tế

CLB Sông Lam Nghệ An làm ăn ra sao trước thềm chuyển giao nhà tài trợ?

Nguồn lực tài chính dồi dào từ ứng viên Tân Long Group được kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió tươi mới và giúp Sông Lam Nghệ An sớm vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Sông Lam Nghệ An là câu lạc bộ giàu truyền thống bậc nhất V-League. Ảnh: NLĐ


Có lịch sử từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, Sông Lam Nghệ An là một trong những đội bóng giàu truyền thống nhất của bóng đá Việt Nam. Khi V-League chính thức ra đời từ mùa 2000-2001, Sông Lam Nghệ An đã vô địch mùa đầu tiên và trụ hạng từ đó đến giờ. Họ có thêm 1 lần vô địch vào năm 2011. Ngoài ra, đội chủ sân Vinh còn có 3 lần đoạt Cúp Quốc gia (2002, 2010, 2017) và 4 lần đoạt Siêu Cúp Quốc gia (2000, 2001, 2002, 2011).

Ở các giải đấu trẻ, Sông Lam Nghệ An cũng đạt được không ít những danh hiệu cao quý. Các cầu thủ trẻ xứ Nghệ đã 5 lần vô dịch U.21 quốc gia, 5 lần vô địch U.19, 8 lần vô địch U.17 và hàng loạt thành tích khác ở các giải trẻ. Sông Lam xứng đáng là lò đào tạo cầu thủ hàng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bóng đá Nghệ An xuống dốc nhanh chóng. Đỉnh điểm là tại V-League mùa giải 2021, sau 11 vòng đấu, đội bóng xứ Nghệ đang đứng cuối bảng xếp hạng với 10 điểm, và đối mặt với nguy cơ rớt hạng lần đầu tiên trong lịch sử.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được đưa ra là tình hình tài chính CLB gặp nhiều khó khăn, dẫn tới "chảy máu" cầu thủ giỏi sang chính các đối thủ khiến CLB ngày càng tụt dần.

Suốt hơn một thập kỷ qua, Tập đoàn TH và Bắc Á Bank là nhà tài trợ chính, mỗi năm chi ra hàng chục tỉ đồng để nuôi đội bóng, giúp Sông Lam Nghệ An đạt được nhiều thành tích ấn tượng.

Tuy nhiên Bắc Á Bank vừa qua đã xin rút lui, trả lại đội bóng cho UBND tỉnh Nghệ An. Theo tìm hiểu, Bắc Á sẽ không tính toán các khoản nợ của đội bóng, theo thông tin không chính thức thì lên đến gần 400 tỷ đồng. Họ sẽ tạo điều kiện hết sức để đơn vị tài trợ mới có thể bước vào tiếp quản ngay đội bóng, không phải lo lắng việc phải gánh nợ từ giai đoạn trước.

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, ứng viên hàng đầu đang đàm phán để trở thành nhà tài trợ mới cho CLB Sông Lam Nghệ An là CTCP Tập đoàn Tân Long - một doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, có liên hệ mật thiết tới Tập đoàn T&T của "bầu" Hiển.

Trong lúc này, không ít người hâm mộ xứ Nghệ băn khoăn, chính xác là CLB đang khó khăn về tài chính như thế nào.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, đơn vị vận hành CLB Sông Lam Nghệ An là CTCP Sông Lam Nghệ An (viết tắt SLNA JSC).

SLNA JSC được thành lập vào tháng 7/2009 với số vốn điều lệ ban đầu là 15 tỷ đồng, ba thành viên thuộc Tập đoàn TH là CTCP Quản lý dự án TH, CTCP Thực phẩm sữa TH và CTCP Xi măng Đồng Lâm nắm giữ tổng cộng 80%, hai cá nhân còn lại gồm ông Nguyễn Hữu Thắng và ông Nguyễn Hồng Thanh mỗi người nắm giữ 10%.

Giai đoạn 2016-2018, các thành viên thuộc tập đoàn TH và doanh nhân Nguyễn Hồng Thanh đã lần lượt thoái vốn khỏi SLNA JSC. Cập nhật tại ngày 27/7/2018, vốn điều lệ của SLNA JSC là 20 tỷ đồng, trong đó CTCP Đầu tư Xây dựng và quản lý dự án Quốc tế - thành viên thuộc Tập đoàn TH sở hữu 35% còn huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng nắm giữ 10%. Tổng giám đốc hiện nay là ông Nguyễn Hồng Thanh (SN 1950).


Trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu của SLNA JSC tăng trưởng khá tích cực, với biên độ lên tới 58%, từ 49,8 tỷ đồng lên 78,6 tỷ đồng, thuộc top đầu trong 14 đội tham gia VLeague. Tuy nhiên, doanh nghiệp này liên tục chìm trong thua lỗ, năm 2019 lỗ sau thuế 21,9 tỷ đồng, đẩy vốn chủ sở hữu tới cuối năm âm tới 450 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 484,8 tỷ đồng.

Khoản nợ khổng lồ nhiều khả năng có liên quan tới Bắc Á Bank. Như đã đề cập phần trên, nhà tài trợ nhiều năm gắn bó sẽ xoá nợ lên đến 400 tỷ với Sông Lam Nghệ An. Cùng với sự xuất hiện của nhà tài trợ mới, đây là căn cứ để người hâm mộ kỳ vọng về một sự hồi sinh của câu lạc bộ giàu truyền thống bậc nhất V-League trong thời gian tới.

Tác giả: NHẬT HUỲNH - VĂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP