Bạn cần biết

Chuyên gia hướng dẫn cách tự “sản xuất” phân hữu cơ từ chính rác sinh hoạt

Việc đưa màu xanh thiên nhiên vào không gian nhà ở đang trở thành một xu hướng của dân thành phố. Và một trong những vấn đề mà các “nông dân thành thị” quan tâm nhất có lẽ chính là tìm ra loại phân bón cho những cây rau, cây hoa nhà mình, có thể vừa đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng, vừa dễ sử dụng lại an toàn 100% với sức khỏe của cả gia đình.

Trước thực tế này, PV Dân Trí đã có buổi trao đổi với thạc sỹ nông nghiệp Lê Thị Thu Hằng, để giới thiệu đến quý độc giả cách tự “sản xuất” phân bón hữu cơ, từ chính những nguyên liệu ở ngay trong nhà mình.Đây được coi là một giải pháp dinh dưỡng hoàn hảo cho các vườn rau, cây cảnh trong nhà phố, bởi phân bón hữu cơ có thể đáp ứng tốt tất cả những điều kiện đã được đề cập ở đầu bài.

Thạc sỹ nông nghiệp Lê Thị Thu Hằng.

Theo thạc sỹ Lê Thị Thu Hằng, mọi người có thể tận dụng chính những rác thải thực phẩm, sau quá trình chế biến thức ăn để làm phân bón hữu cơ. Ngoài ra, còn có thêm một vài loại nguyên liệu khác cũng rất rẻ tiền và dễ kiếm.

Dưới đây là những nguồn phân bón hữu cơ mà quý độc giả có thể tự sản xuất tại gia, được đúc rút ra từ những chia sẻ của chuyên gia Hằng:

Xỉ than


Xỉ than có tác dụng làm cho đất trồng thoáng khí, thoát nước tốt nên cây sẽ không lo bị úng nếu tưới nước quá tay. Bên cạnh đó, thứ vật liệu này còn giúp hút một vài độc tố trong đất.

“Vì trong xỉ than không có nhiều chất dinh dưỡng, do vậy cần trộn xỉ than với đất, chất hữu cơ, chất mùn, phân bón giúp cây phát triển tốt nhất. Nếu không có xỉ than bạn có thể sử dụng nham thạch, gạch non đập nhỏ...” - chị Thu Hằng cho biết.

Nước vo gạo


Ít ai ngờ rằng, thứ nước chúng ta thường đổ đi lại chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng. “Nước vo gạo có chứa protid , lipid, glucid, các khoáng chất như : K , Na ,Ca ,P ,Mg ... đặc biệt khi vo gạo lớp cám bên ngoài cùng hạt gạo bị tách ra và cuốn trôi theo nước, chúng chứa rất nhiều vitamin B.” – Chị Thu Hằng nói.

Về cách sử dụng, chúng ta có thể dùng để tưới luôn cho cây như một dạng phân nước. Ngoài ra, nếu muốn bạn có thể ủ chua qua đêm để tăng hiệu quả. Tuy nhiên, khi đã ủ chua, bạn cần pha loãng trước khi tưới và chỉ nên sử dụng mỗi tuần một lần

Vỏ chuối


Vỏ chuối có chứa nhiều phốt pho và kali - những chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của thực vật. Tuy nhiên, chị Hằng cũng lưu ý với bạn đọc “Đối với cây sống trong không gian nhỏ như chậu, thùng xốp… nếu bón vỏ chuối trực tiếp sẽ làm rễ bị thối.”

Do vậy, vỏ chuối cần phải sơ chế bằng cách xay nhuyễn với một nhúm muối hạt (hoặc nước vo gạo) và vài mảnh vỏ trứng để bổ sung canxi cho cây. Hỗn hợp này cho ra sản phẩm phân bón nhuyễn mịn, đặc sệt. Chúng ta sẽ dùng loại phân này trộn với đất và để đất nghỉ một tuần trước khi sử dụng.

Bã đậu nành và bã dừa


Các gia đình thường xuyên làm sữa đậu nành và dầu dừa có thể tận dụng bã nguyên liệu để bón cho cây trồng trong nhà. Cụ thể, bạn trộn bã đậu nành và bã dừa theo tỉ lệ 1:1 vào đất ủ mục khoảng một tháng, sau đó, đem đi bón cho cây. Theo thạc sỹ Hằng, phân bón này giúp đất tơi xốp và tăng thành phần hữu cơ cho đất.

Một số loại phân bón khác

Ngoài những nguồn phân hữu cơ chủ chốt ở trên, các bạn còn có thể tận dụng các loại nguyên liệu sau để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng:

- Nước luộc trứng chứa nhiều khoáng chất, sau khi để nguội đem tưới hoa có tác dụng làm hoa nở càng thắm và lâu tàn.

- Canh thịt, nước mì gạo còn thừa cho thêm nước vào hòa loãng để dùng tưới hoa. Cách này sẽ làm cho đất thêm màu mỡ, hoa nở nhiều.

- Nước rửa cá thịt, chai sữa, nước thay bể cá có rất nhiều thành phần dinh dưỡng. Nếu dùng để tưới hoa sẽ rất tốt vì làm màu mỡ cho đất đai, thúc cây phát triển tốt.

- Với những quả trứng ung, trứng hỏng bạn có thể chôn cả quả cách gốc cây 15-20 cm, đó chính là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời giúp cành mập, nhiều lộc, hoa đẹp và bền.

Lưu ý: Tất cả các sản phẩm trên đều sử dụng từ nguồn hữu cơ tự nhiên nên dễ bốc mùi. Vì vậy mà nên hòa cùng chế phẩm nấm đối kháng trichoderma trong quá trình ủ. Bên cạnh đó, vỏ chuối, bã đậu, trứng... ủ hoặc trộn cùng trichoderma mới phát huy hiệu quả tối đa. Nếu không sử dụng trichoderma thì vỏ chuối, bã đậu... lâu ngày sẽ là nơi gây bệnh cho cây, là nơi ẩn nấp, cư trú của nấm bệnh và côn trùng có hại cho cây.

Tác giả: Thảo Vy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP