Dù đã được tuyên truyền, vận động, giải thích, trả lời thấu đáo nhưng các hộ trên vẫn cố tình chây ỳ. Để đảm bảo tiến độ thi công của công trình và lập lại kỷ cương ở cơ sở, các cấp chính quyền cần sử dụng biện pháp cứng rắn.
“Kiếm cớ” đòi hỏi lợi ích cá nhân
Do tuyến đường xuống cấp, ngày 26/11/2010, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3451/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp tuyến tỉnh lộ 27 với tổng mức đầu tư hơn 139 tỷ đồng (trong đó có 14 tỷ đồng chi phí bồi thường, GPMB), do UBND huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế, tổng chiều dài của tuyến đường gần 10 km, đi qua các xã: Tượng Sơn, Thạch Thắng, Thạch Trị, Thạch Văn (Thạch Hà); điểm đầu Km0+00 nối với cầu Đò Hà – phía bờ xã Tượng Sơn và điểm cuối tại bãi biển xã Thạch Văn.
Quá trình lập dự án đã được Sở GTVT thẩm định, phê quyệt thiết kế kỹ thuật, theo đó, tuyến đường chủ yếu đi qua trên tuyến cũ và có điều chỉnh nắn tuyến tại một số vị trí theo hồ sơ thiết kế được duyệt, nhằm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật.
Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện dự án đã gặp không ít khó khăn trong công tác GPMB, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả đầu tư. Đến nay, phần nền đường đã thi công, chỉ còn khoảng 657m thuộc địa bàn xã Tượng Sơn, do một số hộ dân không bàn giao mặt bằng.
“Cái cớ” mà các hộ này đưa ra là “việc nắn chỉnh tuyến đoạn từ Trạm điện xã Tượng Sơn đến cầu Đò Hà sẽ “nuốt” đất sản xuất, gây thiệt hại cho nhân dân và lãng phí ngân sách nhà nước”(?!). Tuy nhiên, thực tế điều chỉnh nắn tuyến chỉ ảnh hưởng đến 900 m2 đất ở và 3.223 m2 đất sản xuất nông nghiệp. Do đó, bản chất của vấn đề không phải là các hộ dân lo cho lợi ích cộng đồng mà chỉ là “kiếm cớ” để đòi hỏi lợi ích cá nhân của một số gia đình có đất mặt tiền trên tuyến đường cũ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy các phương án bồi thường, hỗ trợ đã được huyện tính toán, vận dụng theo hướng có lợi nhất cho dân. Theo đó, nếu không đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo mức giá quy định (tổng số tiền hỗ trợ cho 10 hộ gần 829 triệu đồng) thì các hộ có quyền được nhận bồi thường bằng đất với diện tích, vị trí đất tương đương (kể cả đất ở và đất sản xuất).
Thái độ bất hợp tác, chống đối đến cùng của một số hộ dân trong buổi đối thoại lần cuối giữa UBND huyện Thạch Hà với 10 hộ liên quan
Riêng đối với tuyến đường cũ, UBND huyện Thạch Hà cũng đã có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp để phục vụ cho việc đi lại và phát triển kinh tế của nhân dân, góp phần xây dựng NTM của địa phương… Những điều này đã được Hội đồng bồi thường GPMB, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân có quyền lợi liên quan. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các hộ dân vẫn không chấp thuận mà tiếp tục khiếu nại, cản trở quá trình thi công!
“Giải pháp mạnh” là cần thiết!
Có thể khẳng định, việc nắn chỉnh tuyến tại đoạn từ Km0 đến Km0 + 657 của tỉnh lộ 27 là cần thiết, đảm bảo tính kỹ thuật và mỹ quan, quy hoạch, xóa bỏ được “điểm đen” mất ATGT… Bên cạnh đó, xét về hiệu quả kinh tế, nếu đi theo tuyến cũ thì ảnh hưởng đến đất ở và đất vườn của nhiều hộ, chi phí đền bù lớn nhưng làm theo tuyến mới thì chỉ ảnh hưởng 25 hộ (7 hộ ảnh hưởng đất nông nghiệp, 18 hộ đất ở nhưng chưa xây nhà) và chiều dài được rút ngắn nên sẽ giảm được kinh phí đầu tư…
Các văn bản có liên quan đến nội dung phản ánh trong đơn khiếu nại được các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp gửi trả lời, giải thích cho các hộ dân
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Dự án nâng cấp tỉnh lộ 27 được UBND tỉnh phê duyệt. Quá trình lập dự án, các cơ quan chuyên môn đã tìm hiểu, khảo sát thực tế và phương án thiết kế chỉnh thẳng tuyến cho phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật đã được Sở GTVT thẩm định. Những thắc mắc, kiến nghị của công dân đã được trả lời thỏa đáng, có cơ sở và đúng thẩm quyền. Đến nay, các cấp chính quyền đã tổ chức 22 cuộc trực tiếp về tận cơ sở làm việc với các hộ dân nhằm lắng nghe, giải thích, vận động, thuyết phục để người dân hiểu rõ các chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác bồi thường GPMB sớm bàn giao mặt bằng để thi công nhưng đều bất thành…
“Thậm chí, khi UBND tỉnh có văn bản trả lời theo yêu cầu của các hộ, UBND huyện Thạch Hà đã tổ chức họp đối thoại với dân lần cuối và công bố các văn bản có liên quan vào ngày 7/6/2013 nhưng tình hình vẫn không chuyển biến. Để giải quyết dứt điểm tình hình, đảm bảo tiến độ của dự án, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ có thông báo lần cuối và ra quyết định thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi đất theo luật định cũng như tinh thần chỉ đạo trong Văn bản 1064 của UBND tỉnh” – ông Nguyễn Quốc Hương tỏ thái độ kiên quyết.
Lời kết
Dự án nâng cấp tỉnh lộ 27 mang ý nghĩa rất quan trọng đối với nhân dân vùng biển ngang, huyện Thạch Hà; đáp ứng tâm tư nguyện vọng của đông đảo nhân dân trong vùng. Tuyến đường hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần đẩy nhanh công cuộc phát triển KT–XH cho các địa phương có tuyến đường đi qua và vùng phụ cận; đảm bảo QPAN, phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão… Ngoài ra, sẽ rút ngắn khoảng cách từ TP Hà Tĩnh đến khu du lịch Thiên Cầm gần 10 km, đưa lại lợi ích KT-XH rất lớn. Do vậy, việc sớm hoàn thành, đưa tuyến đường vào khai thác, sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Một “giải pháp mạnh” sẽ là một liều thuốc hữu hiệu nhất lúc này đối với tình hình khiếu kiện kéo dài của các hộ dân ở xóm 3, xã Tượng Sơn. Xin đừng vì những lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng đến lợi ích chung của cả cộng đồng và xã hội.
Tiến dũng – Thăng Long
Báo Hà Tĩnh