Địa Chí Hà Tĩnh

Xuân Viên: Ngôi làng "dâu thảo, rể hiền"…

Đất Nghi Xuân-Hà Tĩnh từ bao đời nay được biết đến là cái nôi học hành khoa bảng. Riêng làng Xuân Viên ngày xưa từng có 2 đại khoa, 1 thám hoa, 12 cử nhân và hơn trăm tú tài… Niên hiệu Tự Đức năm thứ 9 (1856) làng có danh nho Ngụy Văn Đản sinh năm Đinh Sửu nổi tiếng tài cao học rộng. Ông thi đậu cử nhân năm Tân Sửu, làm đến thượng thư Bộ Công, được phong hàm Tham biện Đại học sĩ. Làng có ngôi đình là di tích lịch sử phụng thờ những người học giỏi, giúp làng. Ngày nay làng có hơn 600 con em có trình độ cử nhân, kỹ sư, gần 40 thạc sĩ, tiến sĩ… trong đó bộ đội và giáo viên chiếm phần lớn.

Đất khoa bảng nên làng có truyền thống tôn sư trọng đạo, lấy việc học, việc giữ nước làm đầu. Cụ Phan Lý Đại 72 tuổi đã một thời đội mũ rơm đi học, rồi ra chiến trường. Chiến tranh kết thúc lại quay về bám bục giảng dạy chữ, rèn người. Trò chuyện với cụ Đại, chúng tôi được biết hiện cụ có 6 người con thì tất cả đều là bộ đội và giáo viên, cụ tự hào: “Chúng nó đều học giỏi và tự chọn nghề cả đấy!”. Tất cả các con của cụ đã trở thành những cán bộ trong Quân đội và trong các nhà trường. Nhiều gia đình khác như: Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, bà Phan Thị Tâm, ông Phan Văn Minh… đều con trai là sĩ quan quân đội, con gái theo nghề giáo… Đặc biệt nhà cụ Đại đã có tới 4 đời dạy học. Xưa kia cha cụ tham gia dạy bình dân học vụ, đến đời vợ chồng cụ dạy học, rồi các con và nay các cháu cụ Đại cũng là những giáo viên dạy tại trường PTTH Nguyễn Du và các trường trong huyện… Trong làng có nhiều dòng họ nổi tiếng hiếu học khắp vùng, như các họ: Phan, Nguyễn, Trần, Đậu, Khắc… Riêng dòng họ Phan là một điển hình tiêu biểu đã được công nhận là dòng họ hiếu học cấp tỉnh 2 lần.


Một ngôi làng mà đại đa số con trai gắn bó với binh nghiệp, con gái chọn nghề sư phạm, nên chồng bộ đội, vợ giáo viên là “cơ cấu” chủ yếu của các gia đình. Và “mô hình” này cũng theo con em trong làng đi lập nghiệp ở nhiều vùng đất khắp cả nước, nhiều nhất là vào Nam Bộ và lên Tây Nguyên. Có lẽ vì bộ đội và giáo viên đều là những nghề cao quý được xã hội yêu mến, tôn trọng nên hầu hết các bậc phụ huynh trong làng đều tự hào phấn khởi vì gia đình họ có “rể hiền, dâu thảo”. Lương bộ đội, giáo viên khiêm tốn nhưng các gia đình “rể hiền, dâu thảo” ấy sống rất hạnh phúc, đầm ấm. Chúng tôi đã có dịp vào thăm ngôi nhà của vợ chồng anh Phan Văn Lâm và cô giáo Trần Thị Huyền ở thôn 4. Một ngôi nhà thật đơn sơ mộc mạc. Anh Lâm hiện đang công tác ở một đơn vị miền núi thuộc Quân khu 4, chị Huyền dạy học ở xã bên cạnh, cách nhà hơn chục cây số. Hằng ngày chị phải vừa đi dạy, vừa lo đưa đón con cái học hành. Chị Huyền cho biết: “Cả làng này đều thế! Chúng em còn may mắn hơn những đôi bạn trẻ vợ dạy ở nhà, chồng lại công tác ở Tây Nguyên, miền Nam… Ấy vậy mà có ai kêu khổ đâu, họ vẫn tự thu xếp công việc đâu vào đấy cả!”. Đặc biệt ở làng vào mỗi dịp hè, lễ Tết… nhiều cô giáo may mắn được đón chồng trở về cùng sum họp tại quê hương, nhưng cũng có nhiều cô giáo tay bồng tay bế cách rách tàu xe hàng ngàn cây số để được ở bên chồng tận hưởng những ngày Tết sum vầy hạnh phúc. Cô giáo Trần Thị Huyền hiện dạy ở Cương Gián-Nghi Xuân tự xác định: “Năm ngoái chồng em được nghỉ phép Tết rồi, năm nay phải nhường lại cho anh em trong đơn vị anh ạ!”. Cô mang ra mấy bộ quần áo mới khoe: “Đồ mới của cu Tý vào với bố ở Tây Nguyên em đã sửa soạn hết rồi, nhà trường nghỉ học là 2 mẹ con hành quân vào với bố ngay”. May mắn hơn là những cô giáo lấy chồng bộ đội địa phương có lợi thế gần hơn, nhưng Tết đến cũng phải ngược biên cương, xuống bờ biển để được sum họp vợ chồng con cái.


Các thế hệ con em làng Xuân Viên được sinh ra và lớn lên trong những gia đình bố bộ đội, mẹ giáo viên nên rất chăm ngoan, ham học. Làng hiện có 10 Ban khuyến học dòng họ, 11 chi hội khuyến học thôn xóm… Trong năm qua các ban và chi hội đã vận động quyên góp được gần 80 triệu đồng, trao hơn 600 suất quà cho các cháu học sinh nghèo vượt khó… Hằng năm làng có từ 50 đến 60 em đậu các trường đại học lớn trong cả nước, trong đó đông nhất là vào các nhà trường quân đội và trường sư phạm. Có nhiều em thi đậu 2-3 trường, nhưng cuối cùng vẫn chọn nghề giáo và nghề… bộ đội! 6 năm liên tục gần đây làng được Trung ương Hội khuyến học Việt Nam và Hội khuyến học tỉnh tặng bằng khen…


NGUYỄN VĂN HẠNH

QDND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP