Ông Xin rao bán căn nhà mà cả gia đình đang sống để có tiền cho con ăn học. Ảnh: Tiền Phong |
Theo tờ Tiền Phong, mấy ngày gần đây, ở thôn Tân Hương, xã Thạch Vĩnh, Hà Tĩnh truyền tai nhau câu chuyện về ông Nguyễn Văn Xin (SN 1975, bố em Nguyễn Văn Tiến) đang rao bán căn nhà cho con trai theo học đại học.
Được biết trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, em Tiến đạt 25 điểm khối C (Sử 9, Địa 9, Văn 7) và đỗ vào trường đại học Luật Hà Nội.
Ngồi buồn rầu trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, ông Xin vừa vui vừa tủi cho biết, đã rao bán nhà nhưng chưa thấy người mua.
Trong mấy ngày nhận được tin con đậu đại học, không đêm nào ông ngủ yên giấc bởi bao nhiêu nỗi lo đang đè nặng. “Chuẩn bị con nhập học không biết tiền lấy đâu ra. Toan tính mấy ngày trời không có hướng nào thuận nên quyết định bán căn nhà và khu đất này cho con học. Tiến nói nghỉ học đi làm kiếm tiền cho hai em học, nhưng tôi không cho, vì học là cả ước mơ, tương lai của con ở đó”, ông Xin chia sẻ.
Ông Xin cho biết, ông bị dị tật do di chứng chất độc da cam do bố ông để lại. Trước đây bố mẹ ông tham gia dân công hỏa tuyến, sinh được 8 người con nhưng nay chỉ còn 2 người còn sống. Trong đó chị gái Nguyễn Thị Ả (SN 1957) cũng bị bại não và đang được chăm sóc tại trung tâm dành cho người khuyết tật ở Nghệ An.
Khi hỏi đến việc bán nhà, gia đình 5 người sẽ sống ở đâu, ông Xin cho biết sẽ chuyển về căn nhà tình nghĩa của mẹ ông để lại. Trước đây, hai vợ chồng không có gì ngoài túp lều cha mẹ dựng ở cuối thôn. Sau nhiều năm tích góp, vay mượn xây tạm được căn nhà cấp 4 giờ bán đi cũng đau lòng lắm. “Nhiều người chê tôi dại khi đầu tư cho con học, nhưng tôi nghĩ đã sinh con ra, phải cho con được học hành đàng hoàng, cho con được thực hiện được ước mơ”, ông Xin nói.
Ông Nguyễn Đình Nghệ, Chủ tịch UBND xã Thạch Vĩnh cho biết, gia đình em Tiến có hoàn cảnh khó khăn, Tiến là cậu bé ngoan, luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Bố bị dị tật bẩm sinh, làm nghề thu mua và nhặt ve chai về bán, còn mẹ ốm yếu, bệnh tật triền miên quanh quẩn với ruộng vườn.
“Sau Tiến còn hai em nhỏ cũng đang ở tuổi ăn học, nếu cùng lúc cho 3 cháu học sẽ rất khó khăn cho gia đình vì mọi gánh nặng đều nặng lên người vợ”, ông Nghệ cho biết.
Trước đó, theo báo Lao Động, nhiều người vô cùng khâm phục trước hoàn cảnh của người mẹ tật nguyền Nguyễn Thị Phúc (Hà Nội) nuôi hai con ăn học. Dù cơ thể khiếm khuyết, khó khăn trong việc đi lại nhưng bà Phúc vẫn lặn lội nắng mưa đi bán từng cốc nước mưu sinh.
Dù tật nguyền nhưng ngày ngày bà Phúc vẫn mưu sinh nuôi hai con ăn học. Ảnh: Lao Động. |
Biết gia đình khó khăn, cậu con trai Nguyễn Văn Thành (SN 1998) đã cố gắng học tập và trở thành sinh viên của trường đại học Thủy Lợi.
Tuy nhiên, từ ngày con trai lớn bước chân vào cổng trường đại học, hoàn cảnh gia đình bà Phúc càng khó khăn hơn. Người mẹ ngày càng già yếu, ốm đau, lại thêm một khoản tiền lớn hàng tháng phải đóng cho con đi học nên hoàn cảnh rất eo hẹp.
Thời gian nghỉ ngơi của bà Phúc ít dần đi. Mỗi buổi sáng, bà đều tất bật dậy sớm chuẩn bị hàng quán, việc gì có thể kiếm ra tiền trong sức của mình bà đều nỗ lực làm hết. Bà Phúc luôn tâm niệm rằng mình mình phải nỗ lực để cho con cái có thể học hành đến nơi đến chốn.
Noi gương và học tập theo người anh của mình, cậu con trai thứ hai Nguyễn Văn Công (SN 2002) cũng không làm gia đình thất vọng. 11 năm học với thành tích tốt, năm nào em Công cũng đạt học sinh khá giỏi. Đó chính “quả ngọt” xứng đáng mà bao nhiêu năm người mẹ tật nguyền này đã không quản khó nhọc vun trồng.
Tác giả: Thanh Tùng
Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật