Lần phẫu thuật mổ ghép não
Trong căn nhà nằm sát quốc lộ 48B, bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1959) trú xóm 1, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) luôn tất bật khi cùng lúc vừa phải bán hàng tạp hóa, vừa trông chừng người con trai Nguyễn Đình Huy (SN 1983), sống cảnh thực vật sau vụ tai nạn thương tâm.
Trải qua 3 lần phẫu thuật mổ não nhưng hiện nay sức khỏi anh Huy vẫn chưa có tiển triển gì. |
Nhìn con trai với cái đầu bị khuyết một phần hộp sọ, bà Hồng nghẹn ngào: “Từ một người cao, to khỏe mạnh, là sĩ quan cảnh sát biển, con tôi giờ chỉ biết ngồi một chỗ, không nói, không thể cử động”. Anh Huy là con đầu trong gia đình có 3 người con của vợ chồng ông Nguyễn Đình Hậu (SN 1957). Sau khi học hết cấp 3, anh thi đỗ vào trường Đại học Hàng hải.
Tốt nghiệp ra trường, thanh niên này được biên chế vào lực lượng Cảnh sát biển vùng 1, thuộc Hải đội 101. Năm 2013, khi công việc dần ổn định anh về quê tổ chức đám cưới với cô gái xã bên tên là Đinh Thị L. Cuộc sống của gia đình nhỏ này càng thêm hạnh phúc khi người vợ mang bầu con gái đầu lòng. Đầu năm 2014, khi vợ sinh con được vài tháng, anh Huy xin phép đơn vị được về nhà thăm vợ con, gia đình.
Đó cũng là dịp sắp đến tết Nguyên Đán nên anh Huy bắc thang quét dọn mạng nhện trần nhà. Do sơ suất, anh bị rơi từ trên cao xuống, đầu đập vào nền nhà, bất tỉnh. “Hoảng hốt, chúng tôi vội đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Tại đây, các bác sỹ kết luận con tôi bị chấn thương sọ não, tiên lượng rất xấu. Dù vậy, với tinh thần “còn nước, còn tát” chúng tôi vẫn cố gắng chạy chữa cho con”, ông Hậu nhớ lại.
Trải qua 3 lần phẫu thuật mổ ghép não tại Bệnh viện 108 nhưng bệnh tình của anh Huy vẫn không có chút tiến triển. Bao nhiêu tiền bạc tích góp được, vợ chồng ông Hậu đành vét sạch để cứu mạng sống con. Ông kể, 3 tháng con trai bất tỉnh là chừng ấy thời gian vợ chồng ông đứng ngồi không yên. Thương con, gia đình ông chỉ biết cầu xin phép màu.
Sau một thời gian được các y bác sỹ nhiệt tình cứu chữa, anh Huy đã mở mắt ra được, nhưng vô thức, không nói, hay làm được điều gì. 3 năm ròng anh Huy sống “bám” bệnh viện là chừng ấy thời gian người cha khốn khổ luôn túc trực bên con trai, chăm chút từng cái nhỏ nhất. Quyết đánh đổi tất cả để níu giữ mạng sống cho con, nhưng không ít lần, vợ chồng ông Hậu phải đối mặt với tình huống xấu nhất. Ông kể, ít nhất có 3 lần người con trai chết đi sống lại.
Lần đầu, sau khi thấy tình hình biến chuyển xấu, gia đình ông quyết định thuê xe chở con trai từ Bệnh viện Quân y 4 (Nghệ An) ra Hà Nội. Tuy nhiên, khi chiếc xe đi đến Thanh Hóa thì Huy nguy kịch. Dù bác sỹ được thuê đi cùng thông báo “đã hết cách” nhưng ông Hậu vẫn quyết đưa con ra đến bệnh viện. “Ơn trời, lần đó sau khi được cấp cứu, con tôi đã hồi tỉnh trước sự ngỡ ngàng của bác sỹ. Sau lần ấy, con tôi 2 lần rơi vào trạng thái hôn mê, nhưng đã gặp may khi sống lại”, ông Hậu hồi nhớ.
Kẻ đầu bạc chăm người đầu xanh
Con gặp nạn, tính mạng nguy kịch đó là điều khiến ông Hậu bàng hoàng, đau đớn, nhưng việc con dâu (tức vợ anh Huy) cũng cạn tình dứt áo ra đi khiến vợ chồng ông đau lòng gấp bội. Theo lời kể của ông Hậu, lúc anh Huy mới gặp nạn, con dâu cũ có chăm sóc chồng chừng 3, 4 tháng. Tuy nhiên, khi anh Huy được đưa về nhà không lâu thì người vợ đã lặng lẽ ôm theo đứa con nhỏ về nhà ngoại sinh sống. Ông Hậu kể:“Mới đầu, gia đình tôi cũng bức xúc, không đồng ý với cách cư xử của con dâu.
Tuy nhiên, sau thời gian suy nghĩ, nhận thấy con dâu không còn tình yêu với chồng nữa nên gia đình cũng không ép. Tôi chỉ thấy buồn vì nó bỏ đi khi con tôi đang trong cơn thập tử nhất sinh, đang cần người chăm sóc”. Năm 2017, ông Hậu quyết định đặt bút ký vào đơn ly hôn để con dâu cũ đi bước nữa. Từ ngày con gặp nạn, cuộc sống của gia đình ông Hậu bị đảo lộn. Con trai nằm bất động nên để duy trì sự sống buộc vợ chồng ông phải truyền cháo loãng trực tiếp qua ống thở. Có thời gian ông tưởng chừng như buôn xuôi khi thấy con không chút tiến triển.
“Nhưng nếu nó đã bị vợ bỏ, nay mình lại hững hờ thì quá tàn nhẫn với con. Vậy nên, dù khó khăn, vợ chồng tôi đều động viên nhau cố gắng”, những suy nghĩ đó như tiếp thêm động lực cho vợ chồng ông trong hoàn cảnh khó khăn, tăm tối. Sau 5 năm nhờ sự chăm sóc của bố mẹ, Trung úy (phong quân hàm sau đó) Nguyễn Đình Huy giờ đã ăn được mỗi lần lưng bát cơm.
Dù mọi việc vệ sinh, cá nhân đều phải có người lo nhưng chừng ấy cũng khiến vợ chồng ông Hậu vui mừng, có thêm hy vọng sau nhiều năm cùng con trai giành giật sự sống. Hai tay xoa đầu, bóp tay chân cho con, ông Hậu chia sẻ, 3 lần phẫu thuật khiến một phần trán của con tôi bị lõm do vẫn chưa tiến hành ghép xương được. Do con không tự cử động, không nói được nên hàng ngày vợ chồng tôi phải thay phiên nhau nắn bóp người. Gia đình vốn neo người nên từ khi con trai gặp nạn, căn nhà của vợ chồng ông Hậu càng lạnh lẽo hơn.
Tuy nhiên, điều khiến họ cảm thấy an ủi là luôn nhận được sự quan tâm của đơn vị nơi anh Huy công tác. Ông Hậu chia sẻ, hàng năm lãnh đạo đơn vị đều cử người về thăm hỏi sức khỏe con trai và động viên gia đình. Những món quà nhỏ là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho người đau ốm cũng như khỏe mạnh của gia đình này.
“Dịp tết vừa qua, khi thấy anh em đơn vị đến thăm, con trai tôi đã rơi nước mắt. Dù không nói được nhưng dường như con trai tôi vẫn hiểu được câu chuyện mà anh em đồng nghiệp tâm sự. Vợ chồng tôi luôn hy vọng một ngày nào đó kỳ tích sẽ đến với thằng Huy”.
Sau thời gian dài cùng con giành giật sự sống, đến nay điều khiến vợ chồng ông Hậu lo lắng nhất là tương lai sau này. Ông sợ, lỡ mai này khi hai vợ chồng nằm xuống thì ai là người chăm sóc, lo cơm nước, vệ sinh, tắm giặt cho con trai.
“Nhiều đêm tôi nghĩ dại là mong muốn có người phụ nữ nào chấp nhận đến với con trai tôi. Nhưng rồi, tôi không dám suy nghĩ nữa vì biết khó xảy ra...”, ông bỏ dở câu nói ấy.
Bạn đọc gần xa nếu muốn chia sẻ mất mát, động viên Trung úy Nguyễn Đình Huy xin liên lạc với ông: Nguyễn Đình Hậu, xóm 1, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), số điện thoại: 0987308359.
Tác giả: Kim Long
Nguồn tin: Pháp luật Plus