Xã hội

Xót xa cảnh những khu rừng tan tác vì bão số 10 ở Hà Tĩnh

Ở Hà Tĩnh, rừng sản xuất chủ yếu do người dân tự bỏ vốn đầu tư, chăm sóc nhiều năm, chi phí hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ trong vài giờ, bão số 10 đã “cuốn” đi tất cả tài sản của người trồng rừng.

Người dân trồng rừng vùng thượng Kỳ Anh điêu đứng sau bão số 10.

Nhiều dự định tan thành mây khói sau cơn bão

“Sau bão là trắng tay”, hàng chục hecta rừng trồng ở độ tuổi “xuất giá” tan theo lốc xoáy, gãy đôi, ngả rập giữa đất trời. Tôi đã chứng kiến một anh nông dân ôm lấy khúc gỗ gãy đôi mà khóc như một đứa trẻ. “Thế là hết. Rừng sản xuất nay thành củi khô!”.

Bão số 10 đi qua để lại sự tan hoang, hỗn độn, mớ "bòng bong" gỗ lạt. Theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích rừng toàn tỉnh Hà Tĩnh thiệt hại 90%, nhất là huyện Kỳ Anh có đến 4.286ha, tập trung nhiều ở rừng sản xuất.

Ngược vùng thượng huyện Kỳ Anh - nơi có diện tích trồng rừng nguyên liệu rất lớn, đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh hoang tàn của những rừng keo tràm từ 1 năm đến 4 năm tuổi. Cây cối bị gãy đôi, đổ như ngả rạ, nằm la liệt giữa một khung cảnh hỗn độn.

Hàng chục nghìn hecta rừng sản xuất "cuốn" theo bão số 10.

Ông Phan Văn Tiến (xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh) ngậm ngùi bên diện tích rừng đã 4 năm tuổi bị đổ gãy chia sẻ: “Bao dự định tan tành theo mây khói rồi. Gia đình chúng tôi được giao hơn 3ha đất rừng trồng keo tràm, đợi 5 năm mới cho thu nhập, đó là một nguồn chính để trả các khoản nợ, xây dựng nhà cửa và tái sản xuất trở lại, sang năm là cho thu hoạch rồi nhưng trong một ngày bão đã cướp đi tất cả”.

Cùng chung cảnh ngộ của ông Tiến là hàng trăm hộ dân ở các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh, bao dự định cũng tan biến thành mây khói khi thu nhập chính của họ là từ rừng. Dường như sau bão, người dân lên thăm vườn rừng chỉ biết khóc kêu trời, “Thế là sạch, sạch bong. Tiền của đi theo mây trời hết rồi. Cha con ta chết đói bền vững thôi” – ôngTiến đau xót than khóc.

Ngoài vùng thượng Kỳ Anh, ở địa bàn các xã miền núi huyện Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh, người trồng rừng sản xuất cũng chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề.

Anh Bùi Đức Lực, một hộ dân tại xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên), cho biết: “Hơn 10ha rừng của gia đình tôi trồng, chăm sóc đã được 5 năm tuổi, chi phí khoảng 700 triệu, tôi dự định khoảng đầu tháng 11 năm nay sẽ khai thác để trả khoản vay ngân hàng 400 triệu đồng mà tôi vay để đầu tư kinh doanh rừng nguyên liệu, số còn lại sẽ đầu tư trồng mới. Đúng là người tính không bằng trời tính. Bão đi qua, càn quét làm tất cả tràm đổ gãy, khô héo”.

Nhiều người trồng rừng tại Hà Tĩnh rơi vào hoàn cảnh trắng tay sau bão.

“Bão vừa qua, chúng tôi chưa tập trung được nhân lực để thu dọn cây, hơn nữa bây giờ có bán thì các nhà máy cũng chưa thu mua. Nắng thế này, với cây keo tràm chỉ 4-5 ngày là khô hết nếu không thu gom kịp thời. Theo ước tính của tôi, với diện tích này, gia đình tôi mất trắng khoảng 2/3 số lượng cây” – anh Lực chia sẻ.

Ông Lê Văn Trọng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh cho biết: “Năm 2013, bão số 8 đã cướp đi hàng ngàn hecta rừng trồng nguyên liệu trên toàn huyện, nông dân phải trồng lại và lứa rừng đó chuẩn bị cho thu hoạch, chưa kịp mừng thì bão số 10 đã "cướp không" hàng trăm tỷ. Nhiều hộ dân mất hàng trăm triệu; bây giờ thu gom không đủ để chi phí, nhưng thu gom bán cho ai, điện không có, nhà máy hỏng gần hết; chưa nói đến hậu quả lâu dài, phải 5 năm sau mới có thu hoạch, người dân lấy gì để sống 4 năm nữa đây? Rồi còn hàng ngàn lao động thủ công chuyên khai thác rừng và hàng trăm chủ xe ô tô không có việc làm…”.

Con số thiệt hại "khủng"

Theo báo cáo của huyện Kỳ Anh, về sau bão số 10, ước tính thiệt hại trong ngành nông nghiệp khoảng 926,849 tỷ đồng, trong đó toàn bộ diện tích rừng trồng bị thiệt hại 16.921ha, ước tính thiệt hại 738,705 tỷ đồng.

Tại huyện Cẩm Xuyên, trong tổng số 800ha rừng sản xuất chủ yếu là cây keo, bị đổ gãy từ 50-60%.

Sáng 19/9, trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, ông Bùi Quang Hoàn – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Theo đánh giá bước đầu, toàn huyện có gần 13 ngàn hecta rừng trồng bị thiệt hại nặng nề, trong đó tập trung ở các xã Kỳ Lạc, Kỳ Thượng, Kỳ Hợp, Kỳ Tây, Kỳ Trung, Kỳ Sơn.

Huyện Kỳ Anh chịu thiệt hại nặng nề nhất về rừng sản xuất.

“Huyện đang tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể và chỉ đạo: Đối với những diện tích có thể phục hồi thì động viên bà con tập trung chăm sóc; những diện tích thiệt hại nặng nề thì sớm có phương án thu gom, trồng mới. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị đối với các cấp, ngành liên quan về việc tìm đầu ra và khẩn thiết đề xuất các ngành Công thương, Nông nghiệp kịp thời phối hợp với huyện để có phương án giúp dân tiêu thụ sản phẩm càng sớm càng” – ông Hoàn nói thêm.

Ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cũng cho biết: Diện tích rừng sản xuất chịu ảnh hưởng lớn nhất là ở huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên. Thiệt hại về rừng tại Kỳ Anh lên tới hơn 70%. Chỉ tính giá trung bình mỗi hecta cây lâm nghiệp là 30 triệu đồng, toàn huyện đã mất gần 400 tỷ đồng! Còn toàn tỉnh ước tính cũng tới hơn 20.000ha bị thiệt hại trên 50%.

Cũng theo ông Huấn, hiện lực lượng kiểm lâm đã huy động tối đa nhân vật lực về cơ sở để kiểm tra, thống kê lại toàn bộ diện tích rừng sản xuất thiệt hại sau bão số 10, khắc phục những diện tích rừng có thể cứu vãn được, còn lại thu gom gỗ để bán cho các thương lái hoặc công ty thu mua.

“Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo quyết liệt, tìm kiếm và yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp thu mua gỗ cho dân, tránh các đầu nậu thâu tóm số gỗ bị gãy đổ, gây sức ép về giá cho người trồng rừng” - ông Huấn cho biết.

Tác giả: Đặng Sơn - Trương Hoa

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP