Pháp luật

Xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: thêm bệnh nhân thứ 9 tử vong

Ngày thứ tư phiên toà vụ án tai biến y khoa ở BVĐK Hoà Bình, luật sư Nguyễn Hoàng Trung cho biết đã có thêm một nạn nhân tử vong, nâng tổng số người chạy thân chết lên 9 người.

Các bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc có mặt tại phiên xét xử sáng 18-5 - Ảnh: DANH TRỌNG

Sáng 18-5, khi phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại BVĐK Hòa Bình tiếp tục phần xét hỏi.

Tổng số 9 người tử vong

Trước khi tham gia thẩm vấn các bị cáo, luật sư Nguyễn Hoàng Trung - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình 8 nạn nhân tử vong vào thời điểm xảy ra sự cố (29-5-2017), xin có ý kiến.

"Tôi xin đính chính là trong vụ án này, số nạn nhân tử vong vì tai biến chạy thận là 9 người. Người vừa mới không qua khỏi là ông Phạm Ngọc Trung. Tôi đã đăng ký bổ sung là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia định nạn nhân thứ 9 và đã được HĐXX chấp thuận", luật sư Trung nói.

Được biết nạn nhân thứ 9 này đã tử vong từ tháng 1-2018. Ông Phạm Ngọc Trung cùng 17 người khác được đưa vào lọc máu tại đơn nguyên thận nhân tạo BVĐK Hòa Bình ngày 29-5-2017. Sau đó cả 18 người cùng có những biểu hiện nôn nao, cả người mẩn ngứa và hôn mê.

Ngay tại thời điểm đó đã có 8 người tử vong, nạn nhân trẻ nhất mới 36 tuổi. Các bệnh nhân còn lại sức khỏe cũng yếu đi rất nhiều sau tai biến.

Theo thông tin mà bệnh viện đưa ra trước phiên tòa, họ chỉ chuẩn bị để đền bù cho 8 người tử vong đầu tiên, những người cùng gặp tai biến khác chưa thuộc diện được bồi thường.

Sửa thiết bị lọc "theo kinh nghiệm"

Trả lời thẩm vấn sáng nay, bị cáo Bùi Mạnh Quốc khẳng định công ty Trâm Anh mà mình làm giám đốc có chức năng xử lý nước, trong đó có nước RO. Nhưng ở thời điểm xảy ra sự cố, bị cáo thực hiện việc sửa chữa thiết bị với tư cách nhân viên công ty Thiên Sơn.

Ông Quốc khai sử dụng hóa chất để tẩy rửa hệ thống lọc nước RO số 2 là "dựa theo kinh nghiệm cá nhân" chứ không theo quy chuẩn khoa học nào.

"Máy được đưa vào sử dụng khi bị cáo chưa hoàn thành công việc vì còn kiểm tra, xét nghiệm nguồn nước. Trách nhiệm này thuộc bên ký hợp đồng là công ty Thiên Sơn. Bị cáo có trách nhiệm lấy mẫu về đi xét nghiệm và bàn giao cho Thiên Sơn", bị cáo Quốc trình bày.

Các luật sư tham gia xét hỏi - Ảnh: DANH TRỌNG

Không ai trả lời được câu hỏi về quy trình

Đại diện lãnh đạo BVĐK Hòa Bình sáng nay cũng nhận được nhiều câu hỏi về quy trình vận hành các thiết bị lọc máu trước và sau khi sửa chữa, nhưng chưa đưa ra được câu trả lời rõ ràng.

Ông Đỗ Đình Vận - phó giám đốc BV cho biết việc chạy thận thực hiện từ năm 2010 theo chủ trương xã hội hóa, nhưng khi đó ông chưa làm lãnh đạo nên không biết ai quản lý, cũng không biết quy trình chạy thận.

"Tức là có 1 câu hỏi về quy trình mà đến giờ này vẫn không ai trả lời được", luật sư hỏi. Ông Vận cho biết BV có hợp đồng 6 máy chạy thận với công ty Thiên Sơn, lựa chọn này do ông Trương Quý Dương - giám đốc BV - quyết định.

Luật sư tiếp tục hỏi: "Bệnh viện không có quy trình vận hành thiết bị cụ thể vì không phải cuộc sống của mình?".

Ông Vận trả lời: "Phía bệnh viện ông Trương Quý Dương đã giao cho phòng vật tư trách nhiệm bảo dưỡng, vận hành thiết bị. Người có quyền lựa chọn nhà thầu là người chịu trách nhiệm với thiết bị và hợp đồng".

Bản thân ông Trương Quý Dương đã không có mặt ở phiên toà từ ngày đầu mà uỷ quyền cho một người đại diện. Tuy nhiên, hôm nay thì chính người đại diện đó cũng vắng mặt.

Các luật sư tiếp tục đề nghị HĐXX đảm bảo những người được triệu tập có mặt để quá trình xét xử được thông suốt, làm rõ các vấn đề nêu ra để tòa có đủ căn cứ xác đáng khi ra bản án.

Tác giả: Thân Hoàng

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP