PV Dân trí đã làm việc với nhiều cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh để tìm câu trả lời.
“Thanh tra giơ gậy là chết liền”
Nơi đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh. Theo Nghị định 34 ngày 02/4/2010/2010/NĐ-CP, Thanh tra giao thông được Thủ tướng Chính phủ trao thẩm quyền “xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí, cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ, khi phương tiện (có hành vi vi phạm) dừng, đỗ trên đường bộ”. Tuy nhiên trong quá trình làm việc, chúng tôi “giật mình” về cách thực thi trách nhiệm của đơn vị này.
“Đã nói đến trật tự an toàn, an ninh xã hội chủ yếu là phía công an, 100% lỗi là phía công an xử lý, còn thanh tra giao thông chỉ xử lý 1/3 lỗi mà thôi, nên trách nhiệm chủ trì xử lý giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A là của lực lượng CSGT” – ông Phạm Ngọc Quyết, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh nói như thế về nạn xe “đầu gấu” mà Dân trí phản ánh.
Ông Quyết cũng “đá” trách nhiệm cho Thanh tra Bộ Giao thông vì cho rằng tại Hà Tĩnh, Bộ GTVT đã cắt cử nguyên đội 203 đóng tại TX Hồng Lĩnh làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, còn thanh tra giao thông tỉnh Hà Tĩnh gần như chỉ thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến tỉnh lộ theo thẩm quyền Giám đốc Sở GTVT tỉnh giao.
Theo ông Quyết, trong số 1/3 lỗi ấy, thanh tra giao thông chỉ xử lý “phần tĩnh” (xe dừng), còn “phần động” (xe đang lưu thông) thì thanh tra… chịu. “Ngay cả khi biết các nhà xe sai rồi, nhưng nếu xe họ vẫn đang rè rè chạy chúng tôi cũng không thể xử lý được. Nếu thanh tra giao thông giơ gậy là chết liền”- ông Quyết nói.
Khi được hỏi, trong thẩm quyền xử lý “phần tĩnh”, Thanh tra giao thông Hà Tĩnh đã xử lý như thế nào và xử phạt được bao nhiêu vụ? Ông Quyết cho biết cả năm 2011 Thanh tra giao thông Hà Tĩnh tiến hành tổng cộng… 4 đợt thanh tra. Những đợt thanh tra này không được triển khai trên diện rộng toàn tuyến mà chỉ khoảng… 6km trong TP Hà Tĩnh (!).
Ông Quyết viện dẫn lý do: “Quá trình phối hợp, lực lượng CSCĐ Công an Hà Tĩnh chỉ cho triển khai ở cung đường nói trên, còn lại nếu không có sự phối hợp của lực lượng công an thì thanh tra giao thông không dám làm vì lực lượng quá mỏng, thiếu công cụ hỗ trợ, và đặc biệt sợ bị sai thẩm quyền được giao”.
Cũng vì lý do này mà ông Quyết còn cho biết năm trước ông đã chống lại chỉ đạo “xuống đường làm nhiệm vụ” của cấp trên. “Luật quy định, thanh tra giao thông chỉ được xử lý xe ở trạng thái tĩnh, lãnh đạo Sở chỉ đạo chúng tôi xuống đường làm nhiệm vụ chặn bắt xe vi phạm an toàn giao thông là không được. Nếu quá trình làm việc anh em bị đâm chết, ai chịu trách nhiệm?” – ông Quyết nói thẳng.
Ông Hùng cho hay, những hình ảnh, thước phim về chiếc xe 38H-5067 mà phóng viên đã ghi lại được sẽ được lực lượng công an dùng làm bằng chứng nguội, căn cứ để xử lý. Trong đó phía CSGT sẽ nhanh chóng xem xét tạm giữ phương tiện, xử lý chủ phương tiện điều khiển chiếc xe nói trên.
Truy rõ trách nhiệm!
Trao đổi với Dân trí, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Tĩnh – ông Hoàng Văn Việt – nói: “Chúng tôi rất đồng tình với những phản ánh rất đúng, rất kịp thời về tình trạng xe “đầu gấu” hoành hành trên tuyến xe buýt Kỳ Anh – TP Hà Tĩnh. Thật khó chấp nhận khi báo chí người ta viết, người dân bất bình, doanh nghiệp thì kêu ca, kỷ cương, pháp luật nhà nước về an toàn giao thông bị xâm hại, mà lực lượng chức năng được giao nhiệm vụ trên tuyến lại không hay biết”.
Hà Phương
Dân Trí