Nằm ở vùng thuộc địa hình bán sơn địa của xã, nhưng con đường vào các ngõ xóm tại thôn Thạch Thành khiến cho nhiều người phải ngỡ ngàng vì sự kiên cố và thông thoáng. Trục đường chính của thôn có bề mặt hơn 6m trong đó có 3,5m bê tông kiên cố. Không dừng lại ở các trục đường chính mà những nhánh đường nhỏ cũng được bê tông.
“Có tới 170/207 hộ nhường đất, dời nhà và các công trình khác trên đất, với tổng trị giá lên đến 2 tỷ đồng. Đặc biệt có tới 600 nhân khẩu đóng góp, ủng hộ những gia đình có công trình trên đất bị phá bỏ phải xây dựng lại, với số tiền xấp xỉ 100 triệu đồng”, ông Dương Văn Lộc – trưởng thôn cho biết.
Cùng nằm trên đoạn đường này, gia đình chị Dương Thị Vỹ là một tấm gương điển hình trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, phục vụ xây dựng nông thôn mới. Gia đình chị Mỹ rất khó khăn khi các con đang theo học đại học, kinh tế gia đình chủ yếu nhờ vào số tiền bấp bênh từ việc phụ hồ của 2 vợ chồng. Được biết, để có tiền nuôi con đi học, gia đình chị đang phải gánh số nợ gần 200 triệu đồng vẫn chưa trả hết. Năm 2012, gia đình chị tự nguyện hiến hơn 250m vuông đất vườn để xây dựng con đường rộng 8 mét cho nhân dân đi lại. Trên mảnh đất đó có nhiều cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị trong thời kỳ thu hoạch.
Hàng năm từ những cây trồng này đem về cho gia đình chị Mỹ thêm chục triệu đồng. Ngoài ra, theo ước tính tổng giá trị tiền đất lên đến trên 100 triệu đồng. Đó là số tiền lớn đối với đời sống của gia đình thuần nông như chị Mỹ. Nếu tính theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại, gia đình chị có thể thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng vừa có thông báo vận động của thôn về hiến đất, gia đình chị đã không ngần ngại bỏ ra hàng trăm mét đất để làm đường. “Vất vả thì cũng vất vả thật nhưng tôi cũng không nghĩ gì đến lợi nhuận cả. Đường thì đường chung, đường đi đẹp thì mình cũng hưởng, việc rứa có chi to tát mô. Cả làng tui đều làm chứ riêng chi nhà tôi”, chị Mỹ cười vui vẻ.
Không chỉ gia đình chị Mỹ, mà tại thôn Thạch Thành có đến gần 200 hộ dân như thế. Có nhà lên đến hàng trăm mét vuông đất như nhà chị Mỹ, nhà ông Võ Bá Tâm, ông Dương Văn Tâm, Phan Quốc Tuấn…
Đi dọc con đường trung tâm của thôn, hầu như ngôi nhà nào cũng có những vệt chỉ trên nền xi măng cách hàng rào từ 1m đến 3m. Chỉ vào vệt chỉ, ông Lê Văn Phúc cho biết đó là mốc hàng rào của nhà ông ngày trước. Gia đình ông Phúc neo người chỉ có ông ở nhà, gian nhà chính đã xập xệ xuống cấp, ông Phúc từng dự định có điều kiện sẽ bán ít đất để sửa sang lại nhà. Thế nhưng biết tin về việc mở rộng đất làm đường, ông Phúc đã tự nguyện hiến 23m2 đất. Ông còn quả quyết thêm: “Tôi còn chuẩn bị thêm mấy chục mét vuống đất để hiến làm đường cho rộng rãi nhưng không ngờ chỉ lấy như thế”…
Mảnh đất của gia đình ông Võ Bá Tâm được định giá là 1,1 triệu đồng/m2, nhưng không sẵn sàng “cho không” gần 100m2 đất và tài sản trên đất để làm đường nông thôn mới…
Không chịu thua kém thôn Thạch Thành, hiện nay người dân ở các thôn như Thông Tự, Sơn Lễ, Châu Lĩnh, Vọng Sơn, Châu Tùng, Châu Trinh… đã hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường bê tông hoặc rải đá cấp phối, góp phần làm thay đổi bộ mặt quê hương. Chỉ tính riêng trong năm 2013, nhân dân Tùng Ảnh đã hiến gần 23.400 m2 đất, 753m tường rào, gần 1000 cây có giá trị thu nhập có giá trị trên 12 tỷ đồng.
Sáu tháng đầu năm 2014, Tùng Ảnh tiếp tục làm mới được hơn 590.5 m đường bê tống giao thông nông thôn tại các thôn xóm và 1.300m mương tiêu úng khu dân cư.
Cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, Tùng Ảnh hiện là 1 trong những địa phương cán đích đầu tiên trong phong trào Xây dựng nông thôn mới.
Phượng Vũ