Nhiều hộ dân ở xã nghèo Hồng Tiến khá bức xúc và không đồng tình với việc làm này của xã, do kinh tế của người dân còn khó khăn, xã thu tiền như vậy là không hợp lý.
Theo ông Lê Văn Hoà, lễ hội đâm trâu đã có từ lâu đời ở xã và là văn hoá đặc trưng của bà con dân tộc Pa - Hy ở đây. Trước đây dự kiến lễ hội sẽ tổ chức 5 năm một lần, nhưng do còn nhiều khó khăn nên xã đã làm 10 năm một lần. Năm 2008, xã đã tiến hành lễ hội đâm trâu vào tháng 11.
Lễ hội đâm trâu tại huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2011 |
Được biết, sau khi các già làng, trưởng bản ở xã Hồng Tiến đồng ý phương án sẽ tổ chức lễ hội đâm trâu vào tháng 11/2018 - trùng ngày hội Đại đoàn kết dân tộc 18/11 - chính quyền xã đã đứng ra vận động bà con đóng góp mỗi hộ 300.000 đồng nhằm có kinh phí tổ chức lễ hội.
Hiện tại xã đã thu được tiền của 50 hộ dân trên tổng số 347 hộ dân trên toàn xã. Ông Lê Văn Hòa thừa nhận việc làm của xã chưa được báo cáo lên lãnh đạo UBND thị xã Hương Trà và Sở Văn hoá & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.
"Khi nào chúng tôi thu xong và có kế hoạch tổ chức rõ ràng thì chính quyền địa phương sẽ báo cáo lên cấp trên", ông Lê Văn Hoà nói.
UBND xã Hồng Tiến vận động mỗi hộ dân đóng 300 ngàn đồng, khiến nhiều người dân không đồng tình. |
Trước thông tin này, ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND xã thị xã Hương Trà cho biết, đây là việc làm tùy tiện của chính quyền xã Hồng Tiến. UBND thị xã Hương Trà không có chủ trương về việc thu tiền này. Hiện ông Ty đã chỉ đạo chính quyền xã Hồng Tiến ngừng ngay việc thu tiền và có báo cáo cụ thể để thị xã xử lý trách nhiệm.
Được biết, thời gian trước ở tỉnh Thừa Thiên Huế có lễ hội đâm trâu ở 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông. Do dư luận cho rằng tổ chức lễ hội đâm trâu trái chủ trương của ngành văn hóa vì có nhiều hình ảnh man rợ, bạo lực nên tỉnh Thừa Thiên Huế đã vận động 2 huyện trên không tổ chức nữa.
Tác giả: Đại Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí