Nằm bên bến Tam Soa thơ mộng, nơi gặp nhau giữa 2 con sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu để tạo nên sự khởi nguồn sông La, hơn 600 năm qua, Tùng Ảnh (Đức Thọ – Hà Tĩnh) nổi tiếng cả nước về truyền thống khoa bảng, mảnh đất của những danh nhân…
Những ngôi làng vắng thanh niên…
Toàn cảnh khu mộ đồng chí Trần Phú trên núi Quần Hội.
Chỉ tính riêng 4 đời Trần, Hậu Lê, Mạc, Nguyễn, mảnh đất này đã có 21 nhà khoa bảng, từ cử nhân đến tiến sĩ, chiếm gần một nửa của cả huyện Đức Thọ. Trong đó, làng Đông Thái là một trong những “làng tiến sĩ” của cả nước.
Qua các triều đại và thời kỳ xây dựng đất nước, làng khoa bảng Đông Thái và đất học Tùng Ảnh có hơn 1.000 người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, cử nhân. Mỗi năm trung bình có 100 học sinh vào đại học.
Nằm ở thế đất “sơn thủy hữu tình”, Tùng Ảnh là điểm đối xứng giữa cao và sâu, giữa đất và nước. Hiện nay, sự giao thoa giữa thiên nhiên và con người vẫn hiện hữu qua rặng thông bạt ngàn, qua tên làng: Tùng Ảnh – bóng thông.
Rộng gần 9km², Tùng Ảnh là nơi hội tụ của rất nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng. Với 9 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh cùng nhiều danh thắng, Tùng Ảnh là một trong những xã có nhiều di tích và danh thắng nhất cả nước. Đó là: Bến Tam Soa – địa danh đã đi vào thơ ca nghệ thuật; Đình làng Đông Thái; Đền thờ và mộ Lê Bôi – danh tướng chống quân Minh; Đền thờ Linh Cảm Đại vương Đinh Lễ – đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Minh tại nơi này; Nhà thờ Lưỡng Nguyên Từ Bùi Dương Lịch; Đền thờ cụ Phan Đình Phùng; Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú…
Về Tùng Ảnh, bây giờ người ta vẫn chưa thôi nói về bí ẩn của mộ cụ Phan Đình Phùng, coi đó như một truyền thuyết. Cho đến giờ, ông Phan Thường vẫn chưa thôi một niềm tin: “Vẫn biết sử sách bao đời nay nói rằng thi hài cụ Phan đã bị thực dân Pháp trộn với thuốc súng bắn xuống dòng sông La, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng trong thời khắc đó đã có người đánh tráo thi hài, để rồi cụ Phan vẫn được yên nghỉ trên rú Son (Phong Châu), quê hương cụ”.
Đền thờ cụ Phan Đình Phùng.
Khi hỏi về nhân chứng thì ông Thường chỉ biết lắc đầu: “Thời các nhân chứng còn sống, không ai đề cập đến vấn đề này cả. Bây giờ họ đã qua đời quá lâu rồi”. Có lẽ thực hư về mộ thật cụ Phan Đình Phùng vẫn chỉ là truyền thuyết.
Từ đỉnh Quần Hội, nơi yên nghỉ của đồng chí Trần Phú nhìn ra bến Tam Soa, tôi cảm nhận được khí thiêng của mảnh đất phong cảnh hữu tình, mảnh đất của nhiều danh nhân nổi tiếng và 287 người con đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc trường chinh đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bến Tam Soa vẫn còn đó, Tùng Ảnh với 2 dải đất duyên sơn và duyên giang vẫn mãi mãi tồn tại và được biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt.
Xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), trước kia là làng Yên Việt, sau đổi thành Châu Phong, rồi Đức Phong và cuối cùng là Tùng Ảnh.
Trong các làng thuộc xã Tùng Ảnh, Đông Thái là làng được xem là có nhiều người thành đạt nhất từ xưa cho đến nay: Họ Phan (có Phan Đình Phùng, Phan Trọng Tuệ, Phan Anh, Phan Mỹ); Họ Hoàng; Họ Bùi; Họ Trần (Trần Phú); Họ Kiều; Họ Đinh (Đinh Liệt, Đinh Lễ); Họ Lê; Họ Nguyễn (Nguyễn Biểu)…
An Quỳnh
Gia Đình