Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) vừa đăng ký thoái gần hết lượng cổ phiếu SIP đang nắm giữ.
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Tùng đăng ký bán 14,35 triệu cổ phiếu trong khoảng 9/8-6/9. Với mức giá hiện tại, số cổ phiếu này có trị giá khoảng 1,8 ngàn tỷ đồng. Nếu bán thành công, ông Tùng sẽ có một lượng lớn tiền mặt nhưng sẽ không còn nằm trong top 35 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam như hiện tại.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo khác của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG cũng đã hoặc có kế hoạch chốt lời cổ phiếu SIP.
Trước đó, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của SIP là ông Trần Mạnh Hùng cũng đã đăng ký bán 450.000 cổ phiếu SIP từ ngày 24/7 đến ngày 22/8. Kế toán trưởng Lư Thanh Nhã cũng đã đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu SIP…
Một số thành viên trong HĐQT và ban giám đốc cũng đã bán hàng trăm ngàn cổ phiếu SIP trong thời gian gần đây.
Hoạt động bán chốt lời và thu những khoản tiền mặt rất lớn của những cổ đông lớn tại SIP diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này tăng giá với tốc độ chóng mặt trong thời gian vừa qua. Chỉ sau khoảng 2 tháng lên sàn, cổ phiếu SIP đã tăng hơn 7 lần, từ mức 17.200 đồng/cp trong phiên đầu tiên hôm 6/6/2019 lên mức 131.400 đồng/cp hôm 5/8.
Cổ phiếu này hiện đang ở mức 118.000 đồng/cp.
Với mức tăng giá chóng mặt như vậy, hoạt động chốt lời của các lãnh đạo doanh nghiệp này cũng là dễ hiểu.
Gần đây, nhiều cổ phiếu bất động sản công nghiệp, trong đó có SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG tăng giá mạnh và được cho là có thể đã tăng quá nhanh và vượt xa kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.
Áp lực chốt lời do vậy tăng lên rất nhanh.
Một trong các khu công nghiệp của SIP. |
Sở dĩ các cổ phiếu bất động sản công nghiệp tăng nhanh là bởi các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm rất ấn tượng nhờ tỷ lệ cho thuế đất tăng nhanh, giá cho thuê cũng tăng cao trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài từ Hàn, Nhật… dồn dập đổ vào Việt Nam sau khi ông Donald Trump đẩy mạnh cuộc chiến với Trung Quốc.
Trong quý 2/2019, SIP ghi nhận lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên mức 146 tỷ đồng. Tính trong 6 tháng, SIP lãi 214 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ và đã vượt 7% so với kế hoạch đặt ra cho cả năm.
Doanh nghiệp ghi nhận hơn 5 ngàn tỷ doanh thu chưa thực hiện và hơn 3,1 ngàn tỷ đồng người mua trả tiền trước.
Media player poster frame
SIP lên sàn UPCOM từ 6/6/2019. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 690 tỷ đồng với 7 cổ đông lớn sở hữu 81,3% vốn. Trong đó, Nguyễn Thanh Tùng nắm 22,3% vốn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sở hữu 13%, Công ty Đô thị An Lộc nắm 11%.
SIP được biết là là chủ đầu tư trực tiếp của nhiều khu công nghiệp (KCN): Đông Nam (Củ Chi, TPHCM 282ha), Phước Đông (Tây Ninh, 2.190ha), KCN Lê Minh Xuân III (Bình Chánh, TPHCM, 220ha) với tỷ lệ lấp đầy khá cao.
Gần đây, nhiều cổ phiếu bất động sản công nghiệp khác cũng tăng mạnh. Cổ phiếu KBC của ông Đặng Thành Tâm trong tuần qua tăng lên mức giá cao nhất trong vòng 2 năm qua. Chỉ tính riêng trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu KBC đã tăng 45%.
Theo đánh giá của một số CTCK, xu hướng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc và chuyển sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn ra. Những hành động gần đây của Trump khiến xu hướng này mạnh hơn.
Một số dự báo cho thấy, giá thuê sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi nhu cầu về diện tích công nghiệp tăng cao. Giá thuê ở miền Bắc đã lên khoảng 2 triệu đồng/m2, trong khi đó ở Hà Nội lên tới 3 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, những nỗ lực hội nhập sâu rộng của Việt Nam với những hiệp định thương mại tự do như Việt Nam-EU (EVFTA), TPP… ngày cang mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp.
Theo VDSC, diện tích các khu công nghiệp ở phía Bắc lên tới 19 ngàn hecta với tỷ lệ lắp đầy lên tới 80%, trong khi ở phía Nam là 38 ngàn hecta (tỷ lệ lấp đầy 90%).
Theo CBRE, hiện Việt Nam có 325 khu công nghiệp với tổng diện tích 95.000 ha. Diện tích đất này được lấp đầy nhờ hàng loạt các doanh nghiệp Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc… với những gương mặt điển hình như Samsung, LG…
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán gia tăng khiến VN-Index quay đầu giảm điểm. Nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp chùng lại, thay vào đó nhóm cảng biến bất ngờ hấp dẫn các nhà đầu tư.
Nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa khá mạnh. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 120 tỷ đồng.
Theo BVSC, thị trường dự báo sẽ có biến động giằng co, đi ngang trong biên độ 965-983 điểm. Vn-Index có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ 965-970 điểm trước khi quay lại quá trình hồi phục. Khối ngoại đang có xu hướng giảm bán ròng trong những phiên gần đây. Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sẽ tiếp tục giảm dần hoặc chuyển sang mua ròng nhẹ trong thời gian tới. Về diễn biến các nhóm ngành, dòng tiền sẽ tiếp tục có sự luân phiên dịch chuyển giữa các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô như bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, logistic, công nghệ thông tin và một số cổ phiếu bất động sản…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/8, VN-Index giảm 0,9 điểm xuống 974,34 điểm; HNX-Index giảm 0,12 điểm xuống 102,79 điểm và Upcom-Index tăng 0,064 điểm lên 58,43 điểm. Thanh khoản đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 5,2 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: V. Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet