Làm đường độc đạo, công nhân đối mặt với đầy rẫy hiểm nguy
“Vắng xe rồi, đánh máy ra Công ơi”. Tiếng nói trong bộ đàm vang lên, lái máy Nguyễn Tiến Công liền đưa máy cẩu ra, cẩu lồng thép đưa vào vách khoan cọc nhồi.
Được 5 phút. Bộ đàm lại vang lên: “Có đoàn xe thùng tới, chuẩn bị nhường đường”. Anh Công lại đưa máy nép sát lề. Tiếp đó, đoàn xe đầu kéo nặng nề, lắc lư đổ dốc với tiếng phanh ken két hướng thẳng vị trí tổ công nhân làm việc, rồi ôm sát vực lách qua đoạn đường hẹp.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A đoạn Km 0 - Km 85+250 (tổng chiều dài 85,3km) bắt đầu từ ngã ba TX Hồng Lĩnh đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư vào năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 1.662 tỷ đồng do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 4 được giao nhiệm vụ quản lý dự án. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên dự án phải kéo dài thời gian thực hiện. Đoạn tuyến từ Km 0 - Km 37 đã được đầu tư nâng cấp mở rộng và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2016. Hiện nay, dự án đang triển khai 5 gói thầu còn lại. Thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh đến năm 2023. |
Do đặc thù địa hình bên núi bên vực, công địa chật hẹp nên việc khoan đóng các cọc nhồi thi công nâng cấp QL8 gặp nhiều khó khăn. |
Cứ thế phải mất nửa ngày, tổ công nhân của Công ty CP XD Trường Sơn mới định hình xong 2 lồng thép cọc khoan nhồi để chuẩn bị đổ bê tông vào buổi tối.
Thấy chúng tôi có vẻ lạ lẫm, kỹ sư Nguyễn Trọng Cường - cán bộ điều hành Ban QLDA 4 giải thích: Đặc thù đường độc đạo, lại là tuyến vận chuyển huyết mạch trợ tải hàng Lào cho QL12 (Cửa Khẩu Cha Lo - Quảng Bình, sau khi tuyến này gặp sự cố vào tháng 10/2020) nên không cho phép cấm đường lúc thi công. Trong khi QL8, đoạn từ Km 76 - Km 85 đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường chật hẹp, chỉ cần điều tiết chậm là có thể xảy ra tắc đường, sự cố bất cứ lúc nào.
Thời tiết mưa nhiều, dịch Covid-19 và lưu lượng xe tải lớn cũng khiến việc thi công ở đây gặp khó. |
Men theo con đường ngoằn ngoèo, chênh vênh lên Cửa khẩu Cầu Treo, hàng trăm kỹ sư, công nhân của các nhà thầu hối hả làm việc. Dù không trực tiếp phụ trách gói này, nhưng kỹ sư Cường vẫn nắm rất rõ từng cung chặng: “Đoạn Km 80 nền đường rất yếu, năm 2013 điểm sạt này cuốn bay cả 100m đường, giờ phải khoan nhồi làm sàn đạo phía vực để mở rộng mặt đường; Km 82 khúc cua “eo cô gái” mới sạt lở, anh em nhà thầu vừa phải đào, gạt cho xe chạy”. Rồi khi dừng chỗ Km 83, kỹ sư Cường nói tiếp: “Vị trí này tới đây sẽ làm cầu vượt suối, xóa đi 3 khúc cua tay áo nguy hiểm”.
Phải trực tiếp có mặt tại đây mới thấu hiểu những khó khăn, gian khổ và cũng đầy hiểm nguy của những người làm đường. Ngoài việc liên tục phải hít bụi đất do xe tải nối đuôi nhau chạy, thì hơn 90% vị trí thi công nằm bên bờ vực. Có nơi, máy khoan nhồi để sát bên con vực mà người đứng trên nhìn xuống chỉ thấy mây thăm thẳm không có đáy. Cũng nó nơi sát vách núi dựng đứng, nhìn lên trên vẫn còn bao đất, tảng đá có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Nhà thầu vừa thi công, vừa đảm bảo phương tiện lưu thông và ATGT trên tuyến. |
3 bên "bắt tay" nỗ lực vượt khó
Gặp chúng tôi tại nhà điều hành dự án, Kỹ sư Lâm Quốc Tuấn - Phó Giám đốc điều hành dự án, cười nói: “Đó chỉ là những gì các em hôm nay gặp, còn anh em ở đây đã nếm trải 6 tháng rồi.
Gói thầu XL5 và XL6 đoạn Km 75+850 - Km 85+250 (từ xã Sơn Kim lên Cửa khẩu Cầu Treo) là 2 gói thầu đặc thù nhất và khó khăn nhất trong Dự án thi công, mở rộng QL8. Tại sao lại nói như vậy? Vì từ khi tôi lên đây (9/2021) đến nay được về nhà đúng 3 lần. Cả 3 tháng trước Tết làm việc, nắng độc có 4 ngày. Ra đi 1 loạt thiết bị điện tử: máy tính, điện thoại, bộ đàm,... Ra năm tưởng sẽ ngon, ai ngờ bị dịch Covid-19 càn quét, toàn công trường có 6 lán công nhân, tới 5 lán dính dịch. Không còn cách nào khác, anh em phải động viên nhau đi làm: người khỏe làm thay cho người mắc, người mắc không triệu chứng đi làm giúp người ốm mệt”.
Tranh thủ những ngày nắng, nhà thầu tăng thêm mũi, thêm ca để thi công kịp tiến độ. |
Tư vấn trưởng dự án, kỹ sư Nguyễn Phong Thành nói thêm: Hàng chục năm làm tư vấn, lần đầu tiên tôi tham gia một dự án có tính chất đặc thù như thế này. Ngoài vấn đề địa hình, khan hiếm vật liệu thì thời tiết vẫn là cản trở lớn nhất.
Nếu cũng với dự án như thế này (318 tỉ đồng, 6 nhà thầu) mà làm ở dưới đồng bằng, thời tiết nắng ráo, chỉ cần 6 mũi thi công, làm tốc lực 2 - 3 tháng là xong. Còn ở đây, hiện giờ nhà thầu đã huy động 12 mũi. Nhưng mới chỉ đạt 30% giá trị sản lượng. Tuy nhiên, 30% ấy là sự nỗ lực của tất cả mọi người, từ nhà thầu, tư vấn giám sát, cán bộ của Ban cho tới chính quyền địa phương và lực lượng Bộ đội Biên Phòng”.
Công tác điều tiết giao thông để đảm bảo ATGT luôn được ưu tiên hàng đầu |
“Ngày 26/9/2021, khi chúng tôi lên tiếp nhận thì vào mùa mưa. Tưởng là sau Tết sẽ nắng nhưng vẫn mưa kéo dài, tính đến hôm nay (7/4) mới chính thức có thêm 3 ngày nắng, mà dự báo cuối tuần này gió mùa về chắc chắn mưa tiếp. Vì vậy, để vượt qua khó khăn này, tư vấn đã phải cùng với Ban và các nhà thầu xây dựng lại đường găng tiến độ, điều chỉnh phương pháp thi công, ưu tiên làm trước các hạng mục như: khoan nhồi, đúc cấu kiện, làm tường chắn, tập kết vật liệu. Còn từ tháng 3 Âm lịch trở đi, trời nắng ráo sẽ cho triển khai đồng loạt các mũi đào, đắp và tiến hành làm nền. Phấn đấu tới tháng 4 sẽ tiến hành thảm những mét bê tông nhựa đầu tiên và cố gắng đến tháng 9 sẽ kết thúc quá trình làm nền, thảm lớp 1, nếu không kịp sang mùa mưa mọi thứ lại trở về như ban đầu”, kỹ sư Thành nêu quyết tâm.
Làm ngày làm đêm để kịp tiến độ
Nói thì dễ nhưng làm được thì không hề đơn giản, với thời tiết cực đoan như ở đây, tính ra 1 năm chỉ được khoảng 4 tháng có nắng để làm công tác đào đắp. Một ngày mất đến nửa thời gian nhường đường cho xe thông quan.
Thi công trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, địa hình dốc, sát vực sâu là thử thách lớn cho các đơn vị thi công |
“Không có cách nào khác là tận dụng thời gian. Bắt lấy từng ngày nắng và kéo dài thời gian làm đêm, đến mức từ ra Tết đến nay không đêm nào trên công trường tối đèn và ngơi tiếng máy. Ngoài ra, Ban tổ chức họp liên tục. Tuần nào cũng họp để thúc ép tiến độ giải ngân. Khi không họp được trực tiếp thì họp trực tuyến, rồi lập ra các nhóm chung để đôn đốc công việc mỗi ngày. Càng khó anh em càng cố gắng, càng gắn bó. Nhiều lúc còn chẳng phân biệt Ban, tư vấn hay nhà thầu. Cứ thấy việc là xắn tay làm, chỉ có cùng nhau chia sẻ khó khăn mới đưa dự án về đích đúng tiến độ được” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Hồ Trung Thản - Chỉ huy trưởng gói thầu của Công ty CP 484, đang thi công tuyến Km 75+850 đến Km 80+250 cho biết: Đến thời điểm hiện nay, đơn vị đã làm được 30% khối lượng công trình.
“Chúng tôi bố trí 60 công nhân chia làm 5 mũi để có thể khoan đóng khoảng 87 cọc nhồi. Nếu ngày làm không kịp thì bố trí thêm anh em làm ca đêm đảm bảo đúng tiến độ đã cam kết”, ông Thản nói.
Hiện dự án đang vướng 11 hecta rừng cần GPMB để lấy đất đắp. Nếu không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án. |
Tại gói thầu do nhà thầu Trường Sơn thi công, đơn vị này cũng đã huy động tới 10 máy múc, máy lu, máy đào và gần 50 công nhân, chia thành 5 ca thay nhau làm cả ban đêm. Đặc biệt, đơn vị đã tổ chức thi công thành nhiều mũi thi công. Mũi thì chuyên múc, san ủi; mũi bạt núi mở đường từ dưới lên, mũi thì làm từ trên xuống. Đội ngũ công nhân khi rảnh thì tranh thủ đúc sẵn tấm đan, đan sắt đổ bê tông mặt cầu... Dù khó khăn vất vả nhưng đội ngũ công nhân vẫn hăng say lao động, tất cả vì mục tiêu sớm đưa dự án vào sử dụng.
Tác giả: Hà Vũ - Văn Thanh
Nguồn tin: Báo Giao Thông