Nước khe nơi nguồn thải của các trang trại bị ô nhiễm... |
Trên địa bàn thôn Hương Giang hiện có 5 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô hàng ngàn con/1 trang trại. Theo người dân ở đây, cả 5 trang trại đều do người nơi khác đến xây dựng, trong đó có cả lãnh đạo các cấp, các ngành(?)
Có mặt tại địa bàn vào những ngày trung tuần tháng 9 này, mặc dù giữa một vùng đồi núi bạt ngàn màu xanh của cây trái, nhưng vẫn không ngăn được mùi hôi thối bốc lên từ các trang trại chăn nuôi lợn hôi tanh, nhất là vào sáng sớm và chiều tối những ngày nắng gắt.
Trưởng thôn Hương Giang, Nguyễn Đình Ngân dẫn chúng tôi đến với những điểm thể hiện sự ô nhiễm rõ nhất, đó là các khe suối, ao đầm. Trước mắt chúng tôi, tất cả nguồn nước trên địa bàn đều có chung một màu đen kịt, bốc mùi phân nồng nặc, hiện hữu sự ô nhiễm nặng nề.
“Vấn đề ô nhiễm môi trường từ các trang trại chăn nuôi lợn không riêng thôn Hương Giang chịu ảnh hưởng mà cả xã Đức Hương và các xã nằm phía dưới như: Đức Ân, Đức Bồng, Đức Giang... Tôi đã nhiều lần kiến nghị thực trạng này đến chính quyền xã và tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng 2 năm qua không những không cải thiện được mà còn có dấu hiệu ngày càng ô nhiễm nặng nề hơn”, Trưởng thôn Hương Giang chia sẻ.
Chất thải từ các trang trại chăn nuôi lợn được xả thẳng ra khe suối, ao đầm... |
Không chỉ ô nhiễm trong không khí mà theo người dân ở đây đến cả mạch nước ngầm cũng bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm, bằng chứng là giếng nước gia đình của một số hộ trong thôn đã bốc mùi hôi tanh không sử dụng được.
Mặc dù bao quang trang trại là rừng cây xanh tốt nhưng không ngăn được mùi hôi thối... |
“Ngày chúng tôi lên đây lập nghiệp, khí hậu trong lành lắm. Chúng tôi đi rừng, hễ gặp khe nước ở đâu cũng đều tắm rửa, thậm chí là múc uống trực tiếp vì nước trong tận đáy, nhìn thấy từng hạt cát. Còn bây giờ tất cả nguồn nước ở đây đều đặc quánh một màu đen, đến trâu bò nó cũng tránh không xuống đằm và uống nước các khe suối nữa”, bà Trần thị Hạnh (vợ ông Nguyễn Văn Trí), chủ vườn cam lớn nhất trong thôn Hương Giang (2 ha) cho biết.
300 gốc cam tưới bằng nước khe ô nhiễm, cả cây và quả đều bị bệnh bệnh |
Việc ô nhiễm môi trường ở đây không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cả cây trồng, vật nuôi. Đứng giữa bạt ngàn vườn cam trĩu quả, ông Nguyễn Văn Trí buồn rầu: “Gia đình tôi có khoảng 1.000 gốc cam trên diện tích hơn 2ha đang cho quả, năm 2019 cho thu nhập trên 700 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay không biết thế nào bởi số cam ở đồi cao (khoảng 300 gốc), gặp hạn hán phải tưới nhiều từ nguồn nước ô nhiễm nên đã xuất hiện bệnh đốm mắt cua, ghẻ lồi… không chỉ trên cây mà cả trên quả. Lúc cao điểm của bệnh, trong 3 ngày gia đình phải phun 3.000 lít nước pha thuốc diệt nấm mới cứu được vườn cam…”.
Theo Trưởng thôn Nguyễn Đình Ngân, cam là cây trồng mang lại hiệu quả cao, giúp người dân trong thôn cải thiện cuộc sống. Trên địa bàn hiện có 37/41 hộ trồng cam với diện tích gần 35 ha, tương đương 17.500 gốc cam. Hầu hết số cam trong thôn đều đăng ký theo tiêu chuẩn Vietgap.
300 gốc cam tưới bằng nước khe ô nhiễm, cả cây và quả đều bị bệnh, quả rụng nhiều khi chưa đến mùa thu hoạch |
Điều làm cho người dân ở đây lo ngại, ngoài vấn đề môi trường sống, sức khỏe của con người, vật nuôi thì việc ô nhiễm môi trường từ các trang trại chăn nuôi lợn còn có nguy cơ gây bệnh cho những vườn cam – loại cây trồng đang nuôi sống, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn.
Việc phát triển các mô hình chăn nuôi, nhất là ở các địa phương miền núi như huyện Vũ Quang là chủ trương đúng đắn cần được động viên, khuyến khích. Tuy nhiên, không vì thế mà đánh đổi môi trường!
Đề nghị các ngành chức năng huyện Vũ Quang vào cuộc kiểm tra, xác định mức độ ô nhiễm tại các trang trại chăn nuôi lợn ở thôn Hương Giang một cách chính xác, khách quan, đồng thời xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm (nếu có), trả lại môi trường sống trong lành cho người dân nơi đây./.
Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: thoivietbao.vn