Tin Liên Quan

Vụ nhảy xuống biển để được sống: Các thuyền viên sẵn sàng đối chất

Trước thông tin nghi vấn các thuyền viên đã nhảy trốn khỏi tàu cá để vào Pháp, các thuyền viên (quê Nghệ An và Hà Tĩnh) cho biết họ sẵn sàng đối chất với bất kỳ ai về việc họ bị đánh đập, hành hạ như nô lệ trên tàu và buộc phải nhảy xuống biển để tự cứu mình.


Dù đã về đến nhà nhưng các thuyền viên Việt Nam trốn khỏi tàu cá Hsieh Ta (Đài Loan) vẫn chưa hết khiếp sợ.


“Hoàn cảnh khó khăn, tôi phải vay mượn tiền để rời mảnh đất miền núi đi xuất khẩu lao động đánh cá cho tàu Đài Loan, mong có tiền dựng căn nhà cho vợ con, ai ngờ phải trốn thoát như thế này” – thuyền viên Hoàng Văn Hậu (ở xã Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An) kể.


Bị đánh hộc máu mồm nhiều lần


Tiêu điểm


Khi hay tin các thuyền viên đang trên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất trở về nhà, cả đêm 14-8, vợ chồng ông Trần Văn Chắt (trú xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) không ngủ mà ngồi trước thềm nhà cấp bốn ngóng chờ con là thuyền viên Trần Văn Dũng. Cùng lúc đó ở bản Hạnh Tiến (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, Nghệ An), chị Bùi Thị Phương ôm con gái hai tuổi chờ chồng – thuyền viên Hoàng Văn Hậu thoát chết trở về. Rạng sáng 15-8, anh Dũng mới về đến quê nhà trong tình trạng chỉ có bộ quần áo mặc trên người cùng mấy chục ngàn đồng. C.n anh Hậu đến gần trưa cùng ngày mới về đến quê nhà.

Tháng 12-2012, bốn thuyền viên Hoàng Văn Hậu, Trần Văn Dũng, Lê Đình Anh (cùng quê Nghệ An), Nguyễn Văn Hùng (quê Hà Tĩnh) và sáu thuyền viên Việt Nam lên tàu cá Hsieh Ta của chủ tàu Đài Loan bắt đầu rời cảng ở Hong Kong hành trình câu cá ngừ đại dương. Trên tàu cá này có tất cả 23 người. Ngoài hai người Đài Loan làm thuyền trưởng và máy trưởng, hai người Trung Quốc là cai, còn lại là thuyền viên người Việt Nam, Philippines và Indonesia.


“Sau khi lên tàu, họ cho mỗi người chúng tôi gọi một cuộc điện thoại báo về nhà. Từ đó họ không cho dùng điện thoại, bộ đàm hay thư từ liên lạc với gia đình. Tàu này hai năm mới cập cảng một lần. Khoảng 2-3 tháng đánh đầy cá thì có tàu nhỏ trung chuyển chở thức ăn ra và chở cá vào. Tất cả thuyền viên trên tàu đều phải làm việc từ 18 đến 19 tiếng mỗi ngày (chỉ được nghỉ trưa đúng 30 phút để ăn), bị đánh đập dã man, thường xuyên. Tay tôi còn dấu tích vết sẹo do bị đánh đây” – thuyền viên Hùng bức xúc.


Còn anh Hậu thì ứa nước mắt nhớ lại: “Tôi bị ông máy trưởng khoảng 60 tuổi, người Đài Loan đánh đập, hành hạ liên tục bằng cờ lê, búa, gậy… Có lần ông máy trưởng hắt cả tô cơm và canh vào sàn rồi buộc tôi phải cúi xuống nhặt, hốt cơm cho sạch, sót một hạt là bị đánh. Tôi chịu đựng làm phụ máy đến tháng thứ năm thì xin làm việc khác phía trước con tàu. Ông máy trưởng không đồng ý mà ném bánh bao vào mặt rồi nắm tóc đấm tôi hộc máu, còn dọa ném xuống biển”.


Trong lúc đó, anh Dũng làm lái tàu và quăng lưỡi câu cũng nhiều lần bị đánh đập, hành hạ.


Anh Dũng kể: “Xuống tàu làm việc mới ngày thứ hai thì tôi bị thuyền trưởng người Đài Loan và hai cai người Trung Quốc đánh đập. Các thuyền viên có người còn bị đái vào mặt vì ngủ dậy muộn…”.


Thoát chết trở về


Anh Hậu và anh Dũng cho biết tất cả 10 thuyền viên vì làm việc quá cực nhọc nên đã nhiều lần xin chuyển tàu khác hoặc xin trở về quê nhưng không được chấp nhận. “Không có cách nào để liên lạc với gia đình và công ty ở Việt Nam đưa chúng tôi đi để phản ánh thực trạng, khi biết tàu chúng tôi sắp kéo tàu bạn (cùng công ty của Đài Loan) bị hỏng hộp số vào cảng để sửa thì 10 thuyền viên Việt Nam bàn nhau sẽ trốn khỏi tàu.


Tuy nhiên, con tàu chúng tôi lại không cập cảng mà chỉ kéo tàu kia vào cách cảng 800 đến 1.000 m thì quay ra đánh cá tiếp.


11 giờ trưa 9-8, khi tàu bắt đầu tháo dây neo và quay đầu ra biển thì tôi cùng các anh Hùng, Dũng và Anh lao xuống biển. Tôi và anh Hùng níu vào chiếc bao bóng căng hơi làm phao nhưng nghiệt nỗi bao bóng bể, anh Hùng kiệt sức suýt chết. Sau khi bơi lênh đênh trên biển chừng 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi được cảnh sát cùng người môi giới đánh xuồng ra vớt lên đưa vào bờ. Không giam giữ chúng tôi, cảnh sát cùng người phiên dịch là ông Jean-Pierre Lebrun (58 tuổi, quốc tịch Pháp gốc Việt) đưa chúng tôi lên phòng khách sạn ở hai ngày. Sau đó, họ nói sẽ lấy khoản tiền tiêu vặt 50 USD/tháng mà phía chủ tàu đang còn giữ chưa phát cho chúng tôi để mua vé máy bay cho chúng tôi đi từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất” – anh Hậu kể tiếp. Ngay sau khi bốn thuyền viên xuống sân bay Tân Sơn Nhất đêm 12-8 thì người của Công ty TTLC (nơi đưa anh Hậu và anh Anh đi xuất khẩu lao động) ra đón cả bốn thuyền viên về một khách sạn ở TP.HCM. Đến sáng 13-8, đại diện Công ty TTLC đưa cả bốn thuyền viên ra Bến xe Miền Đông mua vé cho họ trở về quê nhà.


Các thuyền viên đều cho rằng nếu nhảy xuống biển để trốn vào Pháp hay các nước khác thì họ sẽ phải thực hiện vào ban đêm. Đằng này họ nhảy xuống biển trước mặt thuyền trưởng và máy trưởng, cai tàu với mục đích là muốn thoát khỏi cảnh bị bóc lột, đánh đập để trở về nhà. Họ sẵn sàng đối chất với các thuyền viên trên tàu, thuyền trưởng, máy trưởng và phía công ty, chủ tàu… để chứng minh việc bị ngược đãi, đánh đập buộc phải tự giải thoát.

Ngày 15-8, ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng phòng Quản lý Lao động (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH), phụ trách thị trường Đài Loan và châu Mỹ, cho biết ngay sau khi có thông tin vụ việc, Cục đã yêu cầu ba công ty đưa lao động ra ngoài nước làm việc liên hệ chủ tàu, xác minh điều kiện làm việc, danh tính người lao động… để có phương án hỗ trợ. Đến nay đã có hai trong số ba công ty báo cáo sơ bộ về vụ việc. Hai công ty báo cáo các lao động này xuất cảnh đi tàu cá Hsieh Ta làm việc từ tháng 12-2012, tiền lương trả theo quý (ba tháng một lần) chuyển thẳng cho gia đình người lao động. Mức lương bình quân 400-450 USD/tháng/người, trong đó 50 USD được trích lại để trả trực tiếp cho người lao động tiêu vặt. Tổng cộng trong thời gian hơn sáu tháng làm việc trên tàu, số tiền chủ tàu đã chuyển cho mỗi gia đình là hơn 40 triệu đồng.


Theo ông Tạo, ngoài bốn thuyền viên bỏ trốn trên hiện vẫn còn bảy thuyền viên Việt Nam khác do các công ty đưa đi làm việc nên Cục yêu cầu các công ty tiếp tục cung cấp thông tin về điều kiện làm việc trên tàu. Theo thông tin ban đầu từ bảy thuyền viên gửi về các công ty (có chữ ký bảy người) xác nhận không bị ngược đãi nên họ cam kết tiếp tục làm việc. Còn chủ tàu cam kết nếu cảm thấy bị ngược đãi thì họ sẵn sàng cho các lao động này về nước.


Ông Tạo cho biết thêm đối với các thuyền viên về nước, sau khi hai bên thanh lý hợp đồng, nếu người lao động cảm thấy chưa hài lòng về cách xử lý của công ty, họ có thể làm đơn đề nghị Cục can thiệp, bảo vệ quyền lợi.


PHONG ĐIỀN


ĐẮC LAM

PLVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP