Trường tiểu học Kỳ Hà vắng tanh vì phụ huynh không cho con em đến trường (Ảnh: T.Hoa) |
Thầy cô bật khóc khi lớp học vắng hoe
Chúng tôi có mặt tại xã Kỳ Hà, nơi tâm điểm của sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra, đã 3 ngày sau lễ khai giảng, mới chỉ có thêm 83 học sinh được phụ huynh cho đến trường học tập. Niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt học sinh và cả các thầy cô giáo. Nhưng vẫn còn hơn 900 em chưa đến trường.
Nhiều thầy cô giáo đã bật khóc khi mỗi sáng đến lớp lại không thấy bóng dáng học trò đâu. Lớp học với hàng chục em nay chỉ vỏn vẹn vài người. Dù vậy các giáo viên vẫn bền bỉ dạy học.
“Chúng tôi không ngại khó khăn, chỉ mong rằng phụ huynh sẽ thấy được việc buộc con mình không đến trường là sai, là cướp đi quyền lợi chính đáng nhất của các cháu” – cô Hoàng Tuyết Mai, giáo viên môn Toán, Trường THCS Hà Hải, xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thủy Nhàn, giáo viên dạy môn văn lớp 9, trường THCS Hà Hải cũng tâm sự: “Tôi ngày nào cũng đến từng nhà các em, động viên, nói hết lời với phụ huynh nhưng họ nhất định không cho con đi học và nói khi nào “ở trên” đồng ý thì mới được. Rồi đuổi các cô về đi, đừng mệt lời nữa. Nhưng với một người làm giáo dục lâu năm, tôi tin các phụ huynh sẽ dần hiểu ra, khi thấy con mình không được đi học sẽ thiệt thòi ra sao?”
Ngày 25/8/2016 là ngày tựu trường của học sinh nhưng 3 cấp học ở xã Kỳ Hà thiếu vắng tới 1.253 em (mầm non Kỳ Hà có mặt 42/300, tiểu học Kỳ Hà có mặt 137/694, THCS Hà Hải có mặt 82/521 học sinh).
Để chuẩn bị tốt cho “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” – ngày 5/9, UBND thị xã Kỳ Anh đã ban hành văn bản về việc tổ chức tuyên truyền vận động học sinh đến trường theo kế hoạch năm học mới 2016-2017.
Phòng GD-ĐT thị xã Kỳ Anh cũng ban hành kế hoạch tuyên truyền, vận động.
Theo đó, chính quyền xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh và hiệu trưởng các trường đã bố trí, phân công cán bộ, giáo viên đến từng gia đình phụ huynh để làm công tác tư tưởng.
Mặc dù trong hơn 10 ngày qua, hệ thống chính trị toàn tỉnh vào cuộc động viên, kêu gọi học sinh đến trường nhưng số lượng em đi học còn rất ít.
Dù vậy, tất cả 3 cấp học vẫn tổ chức dạy và học theo chương trình, kể cả khi lớp học chỉ có 3 em học sinh.
Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân chính không chỉ là việc người dân yêu cầu miễn giảm học phí, mà họ còn gây sức ép cho chính quyền vì sự cố môi trường.
Chị Mai Thị Tin (thôn Bắc Hà) cho biết, gia đình có 4 đứa con, 1 đứa chưa đến tuổi đi học còn 3 đứa học các lớp 3,8,9 vẫn đang ở nhà.
Một mặt là do chưa được miễn giảm toàn bộ học phí, một mặt theo chị Tin là: Cả làng đều không cho con đi học, tôi mà đưa con đến trường thì chỉ có chết. Chừng nào họ đi thì các con của tôi mới đi theo học, nếu không sẽ bị đánh.
Ông Phan Duy Vĩnh – Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh chia sẻ: “Mặc dù số lượng học sinh được đến trường vẫn còn ít nhưng đó là tín hiệu vui vì với nỗ lực tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và ngành giáo dục, các bậc phụ huynh đã hiểu được phần nào quyền và trách nhiệm của mình trước tương lai của con cái.
Việc lôi kéo trẻ em vào việc người lớn là không nên. Sự cố môi trường và việc cấm trẻ em không được đi học là hai việc khác nhau. Mong rằng các phụ huynh sẽ hiểu điều đó”.
Theo ông Nguyễn Hữu Sum – Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Kỳ Anh, hiện tại, không riêng gì học sinh ở xã Kỳ Hà mà tất cả học sinh trên địa bàn thị xã khi đi học đều chưa thu một đồng tiền nào.
Phòng đang phối hợp với chính quyền thực hiện nhiều biện pháp để đồng hành cùng học sinh trong năm học mới. Đối với các em học sinh đã đi học, dù lớp chỉ có vài ba em cũng được thầy cô giáo tích cực truyền dạy kiến thức.
Đối với các em chưa đến trường, nếu đi học chậm ít ngày sẽ được nhà trường tổ chức ôn lại bài và đảm bảo cho các em không bị hổng kiến thức.
Lấy con mình làm “con tin” để gây sức ép chính quyền?
Lớp học chỉ có 3 em học sinh đến trường |
Theo ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh: “Ngày 1/9, UBND thị xã đã có buổi đối thoại với người dân xã Kỳ Hà, người dân đề nghị phải giải thích rõ về vấn đề giải quyết hậu quả môi trường ở Formosa và các vùng biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.
Người dân cũng mong muốn địa phương miễn, giảm các khoản đóng nộp cho con em ở vùng biển và chấn chỉnh vấn nạn dạy thêm học thêm… Với 10 kiến nghị của người dân đã có 8 kiến nghị nằm trong chính sách”.
Về phần miễn miễn giảm học phí cho học sinh; tiền xây dựng, xã vẫn tổ chức thu nhưng giảm 1/3 so với năm học trước (trung bình mỗi em khoảng 300 ngàn đồng) và sẽ tổ chức thu giãn trong cả năm học để tạo điều kiện cho phụ huynh dễ dàng đóng góp. Còn về phần miễn 100% học phí, thị xã đã trình xin ý kiến của UBND tỉnh, cơ bản nhận được đồng thuận và đang chờ HĐND tỉnh xem xét.
Ông Phan Duy Vĩnh cho biết thêm: Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động với phương châm là “mưa dầm thấm lâu”, giải thích cho dân hiểu. Bằng mọi giá phải đưa được toàn bộ con em đến trường. Chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại để tiếp thu và giải đáp mọi thắc mắc của bà con. Bà con không nên bắt con em nghỉ học, đó là tước đi quyền lợi tối thiểu nhất của con em mình, hành động này là vô tình vi phạm pháp luật.
“Về góc độ văn hóa, đạo đức, thì dù khó khăn đến đâu, bổn phận của những người làm cha, làm mẹ đó là phải đảm bảo cho con được đi học đầy đủ, thậm chí là phải nhịn ăn, nhịn mặc. Không cớ gì mà ngăn cản con đến trường trong khi các bạn ngày ngày được tiếp thu những kiến thức có ích cho tương lai sau này”, ông Vĩnh nói.
“Để ổn định tình hình, một mặt địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tạo điều kiện cho con em đến trường. Mặt khác là giao cho cơ quan công an điều tra làm rõ những đối tượng đứng đằng sau xúi dục, kích động, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn”, ông Vĩnh khẳng định.