Nhà máy Gạch Cẩm Minh – thành viên của Công ty CP Xây dựng & Đầu tư Hà Tĩnh. |
Tuy nhiên, từ năm 2011-2012, nhà máy rơi vào tình trạng “cửa đóng then cài”, do không có vốn để sản xuất. Nhiều lao động đã ly hương để tìm bến mưu sinh.
Xác định đóng cửa nhà máy gạch, cũng đồng nghĩa là DN phá sản, đẩy người lao động vào “ngõ cụt”. Thế nên, lãnh đạo Công ty CP Xây dựng & Đầu tư Hà Tĩnh đã tìm mọi cách để “sưởi ấm” lò nung. Nhưng vấn đề mấu chốt tiền đâu lại là câu hỏi cực khó. Bởi vậy, trong cơn “bĩ cực”, nhiều sổ đỏ của các thành viên đã được mang đi cầm cố ngân hàng để vay vốn. Chưa hết, những khoản vay “nóng” với lãi suất cao cũng được huy động nhằm mục đích “cứu” DN và người lao động. Đó cũng là nguyên nhân khiến DN nợ “đầm đìa”.
Sau những nỗ lực “cứu cánh”, từ đầu năm 2013 đến cuối năm, sản lượng gạch đạt 11-12 triệu viên. Trong thời gian này, Phó Giám đốc công ty được cử vào đảm nhận chức vụ Giám đốc Nhà máy để ông Phúc có thời gian đi… hầu tòa và đòi nợ. Những tưởng bước vào năm 2014, Nhà máy gạch sẽ xua đi nỗi ám ảnh thất nghiệp cho người lao động. Nhưng không, niềm vui vừa le lói chợt tắt vụt khi người cầm “chịch” vướng vào vòng lao lý. Sự “ra đi” dù được báo trước (trong các văn bản ông Phúc có tường trình là đã bị cơ quan điều tra triệu tập và có thể bị bắt giam) nhưng đã để lại một khoảng trống không thể lấp đầy, với tổng số nợ lên đến 45 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngân hàng 24 tỷ đồng, nợ BHXH 2,4 tỷ đồng, nợ thuế 2,9 tỷ đồng… Đặc biệt là “giữa năm 2011 đến nay, còn nợ lương của 20 cán bộ, nhân viên văn phòng công ty và cán bộ Nhà máy Gạch Cẩm Minh” – ông Phương ngậm ngùi cho biết thêm.
Đống gạch vụn là trụ sở chính cũng là nơi sụp đổ cho các mối quan hệ làm ăn của các DN. |
Vực dậy một cơ thể đã bị rất nhiều loại “vi-rút” tấn công dồn dập không phải là điều dễ dàng và mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu sáng lên ở đơn vị: sau 3 năm nghỉ điều trị bệnh, Giám đốc nhà máy gạch (cũ) – ông Nguyễn Văn Thạch đã trở về vị trí để “chia lửa”.
“Từ tháng 10/2013 đến nay, tôi đã “rót” về nhà máy số tiền 600 triệu đồng. Nếu tự mình vực dậy là rất khó, nhưng có một “bờ vai” dựa vào thì với công suất, chất lượng của gạch Cẩm Minh, việc “nuôi sống” 150 lao động, trong đó có 140 lao động của Nhà máy và 10 cán bộ văn phòng công ty chẳng phải là điều không làm được” – ông Thạch trải lòng.
Mong muốn lớn nhất hiện nay của Giám đốc Thạch chính là được các cơ quan chức năng khoanh nợ cũ; công ty cam kết sẽ đóng nộp đầy đủ BHXH và nộp thuế cho Nhà nước bắt đầu từ năm 2014”. “Cứu” DN, nhất là tạo việc làm cho người lao động là một trong những chủ trương lớn của tỉnh và các cuộc “giải cứu” trong những năm qua đã góp phần “hồi sinh” nhiều DN. Lỗi ở phía nào “hồi sau sẽ rõ”, chỉ biết rằng, ở thời điểm hiện tại, Công ty CP Xây dựng & Đầu tư Hà Tĩnh đang cần lắm một chỗ dựa.
Hoài Nam/ Baohatinh.vn