Cảnh hoang tàn của mỏ đá Trường Thọ. |
Ngay sau khi ký kết hợp đồng, Công ty CP Xây dựng & Đầu tư Hà Tĩnh đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng và chuyển tiền mua máy nghiền sàng với tổng số tiền lên đến 7,6 tỷ đồng. Với diện tích mỏ lớn (gần 10 ha), được đối tác B “chung lưng đấu cật” ngay từ giai đoạn “trứng nước”, lại nằm ở vị trí “đắc địa” trong khi nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng rất lớn nên Trường Thọ trở thành địa chỉ hấp dẫn nhiều DN khác. Sản lượng khai thác trong hơn 1 năm kể từ tháng 8/2009 đến tháng 10/2010 là rất lớn. Nhưng cụ thể bao nhiêu lại là một ẩn số với “đối tác chiến lược” – bên B (!?). Đơn giản là “Công ty Trường Thọ luôn lẩn tránh không thực hiện các điều khoản trong hợp tác đầu tư. Hàng tháng không đối chiếu quyết toán, không thanh toán khấu hao tài sản theo tỷ lệ góp vốn”.
Nhận rõ “chân tướng” của đối tác, Công ty CP Xây dựng & Đầu tư Hà Tĩnh đã đưa ra 2 phương án giải quyết. Theo đó, nếu Công ty Trường Thọ nhận máy nghiền sàng để tiếp tục sản xuất thì phải thanh toán 70% giá trị còn lại sau khi đã trừ khấu hao và tiền lợi nhuận chưa trả cho bên B; hoặc bên B sẽ tháo dỡ máy chuyển đi và thanh toán cho Công ty Trường Thọ 30% giá trị còn lại và các khoản nợ khác (nếu có).
Công ty Trường Thọ đã lựa chọn phương án 1, đồng thời cam kết thanh toán toàn bộ số tiền 7.769.430.011 đồng trong thời gian 110 ngày kể từ ngày đối chiếu (26/11/2010 đến 18/3/2011). Tuy nhiên, Trường Thọ thêm một lần “nuốt lời”. “Cực chẳng đã”, ngày 16/6/2011, bên B đã gửi đơn khởi kiện tới TAND tỉnh.
Gần 4 năm bắt tay, thành quả Công ty CP Xây dựng & Đầu tư Hà Tĩnh thu được là tập đơn kêu cứu và kiến nghị dày cộp. |
Ngày 14/10/2011, TAND tỉnh ra Quyết định số 02/QĐ-ST-KT/2011 công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, tổng số nợ Công ty CP Đầu tư xây dựng & Khai thác mỏ đá Trường Thọ phải trả cho nguyên đơn (Công ty CP Xây dựng & Đầu tư Hà Tĩnh) là: 8.280.876.295 đồng.
Cục Thi hành án cũng đã vào cuộc đòi lại quyền lợi cho bị hại. Ngặt nỗi, “toàn bộ tài sản đã được Công ty Trường Thọ đem thế chấp tại một ngân hàng ở Nghệ An nên thi hành án cũng đành… “bó tay” – Cục trưởng Cục Thi hành án Hà Tĩnh Nguyễn Cường cho biết.
Quá trình điều tra chúng tôi được biết, sau khi hợp đồng thỏa thuận 2 bên được ký kết, ngày 15/6/2009, Công ty Trường Thọ đã thế chấp máy nghiền sàng tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP XNK (Eximbank) Việt Nam tại thành phố Vinh với trị giá 9.800.000.000 đồng.
Trước sức ép của cổ đông và các chủ nợ, sau nhiều lần tổ chức họp bàn, Công ty CP Xây dựng & Đầu tư Hà Tĩnh đã thuê người tháo dỡ máy móc thiết bị, trong đó có máy nghiền sàng chuyển đến mỏ đá Cây Khế của Công ty Miền Tây (Kỳ Anh) để giải quyết việc làm cho người lao động và có nguồn thu trả nợ ngân hàng.
“Túng quá hóa liều”, Giám đốc Công ty CP Xây dựng & Đầu tư Hà Tĩnh Nguyễn Văn Phúc đã phải trả giá cho sự “nông nổi” của mình. Ngày 14/1/2014, Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Công ty CP Xây dựng & Đầu tư Hà Tĩnh về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Như vậy là vị trí đã được hoán đổi. Từ chỗ nạn nhân của vụ việc, giám đốc DN tự biến mình thành thủ phạm đối với đối tác làm ăn của mình! Đó cũng là bài học đắt giá trong việc hợp tác đầu tư và hành vi nông nổi của Giám đốc Công ty CP Xây dựng & Đầu tư Hà Tĩnh, để rồi không chỉ “phó thác” thân mình sau song sắt, mà còn đẩy công ty lâm vào cảnh bế tắc không lối thoát với những khoản nợ khổng lồ.
(Còn nữa…)
Hoài Nam / Baohatinh.vn