Chiến công này đã vạch trần và triệt phá một đường dây có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay ở khu vực Đông Nam Á. Ông đánh giá như thế nào về quy mô, tính chất và mức độ nguy hiểm của đường dây ma túy này, nếu không bị triệt phá?
Có thể nói, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh trong những năm qua đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng ở nước bạn Lào. Đặc biệt là Công an tỉnh Booly khăm xây đã cùng chúng tôi, triển khai rất nhiều đường dây, nhiều băng nhóm tội phạm trên tuyến biên giới 2 tỉnh. Chúng tôi cũng phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An, Công an Hà Tĩnh phá nhiều vụ án tương tự ở nội địa.
Chuyên án LV 466, với số lượng ma túy 5,5 tấn là một chuyên án khủng về ma túy. Anh em ban chuyên án chúng tôi là người trực tiếp chiến đấu với đường dây này, mà khi bắt xong rồi, cũng phải giật mình, vì số lượng ma túy quá lớn.
Dựa vào đầu mối của người dân bản địa và thông tin từ các vụ án ma túy trước đó, đầu năm 2015, chúng tôi đã tổ chức hoạt động trinh sát. Cùng với đó là phối hợp với Công an tỉnh Bô ly khăm xây (Lào) đã nắm chắc mọi diễn biến hoạt động của các đối tượng nằm trong đường dây, rồi bí mật theo dõi. Mãi đến tháng 5/2015, trước đòi hỏi yêu cầu nghiệp vụ, chúng tôi đã xâm nhập để lấy mẫu về xác định, báo cáo với Bộ Công an biết: Đó là tiền chất ma túy, được tập kết, chế xuất để đưa vào Việt Nam. Sau khi có kết quả sơ bộ ban đầu, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và Công an tỉnh Bô ly khăm xây đã họp bàn tại Lào, lên kế hoạch đánh án; đặc biệt là triển khai luyện tập lực lượng chủ chốt.
|
Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh trong buổi trao đổi, phỏng vấn với PV. |
Đến ngày 18/6, chúng tôi lập án chung. Chúng tôi bắt đầu xin ý kiến của Bộ Quốc phòng và Thường trực Tỉnh ủy; phía bên bạn cũng báo cáo Bộ công an và lãnh đạo tỉnh Bô ly khăm xây để có chủ trương 2 lực lượng thành lập án chung và triển khai triệt phá đường dây này. Mãi đến 14h ngày 23/7, chúng tôi đã triệt phá thành công, tóm gọn các đối tượng; không để chúng trở tay nên không có thương vong nào xảy ra.
Cùng với sự giúp sức chủ yếu của chúng tôi, Công an tỉnh Bô ly khăm xây đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh án. Ban chuyên án đã được các cấp của 2 nước, cụ thể là lãnh đạo 2 tỉnh giáp ranh, chỉ đạo quyết liệt, giúp anh em thực hiện tốt chuyên án này.
Ông có thể chia sẻ những khó khăn, vất vả, nguy hiểm của ông và đồng đội trong quá trình đánh án?
Để nắm bắt, theo dõi địa hình, chúng tôi phải cử các trinh sát giỏi. Quân y phải khám, sàng lọc, đảm bảo các trinh sát làm nhiệm vụ có sức chịu đựng cao, không có các bệnh lý (như viêm xoang, ho suyễn, yếu thận…) để có thể phục kích nằm sâu được trong sào huyệt. Họ có thể nằm cả ngày ngay tại hang ổ, tại các tuyến độc đạo để theo dõi mà không bị bại lộ. Đây là chuyên án mà nhiều tháng anh em lăn lộn trong rừng theo dõi, đánh án, tập luyện rất gay góc; phải nói là hết sức phức tạp.
Đối với lực lượng phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, tất cả các lực lượng đánh án, chúng tôi đều biết chia sẻ với những khó khăn, những mệt nhọc. Trong 5 năm qua, chúng tôi phá gần 1.000 chuyên án, vụ án về ma túy nhưng chưa có 1 cán bộ, 1 đồng chí nào hy sinh. Đó có thể nói là 1 sự may mắn. Tính mạng đối với cán bộ chiến sỹ tham gia đánh án luôn phải đặt lên hàng đầu. Trước đây buôn bán ma túy nhỏ lẻ nhưng bây giờ chủ yếu các đối tượng nguy hiểm. Tất cả các băng nhóm, đường dây buôn bán vận chuyển ma túy đều có sử dụng vũ khí nóng.
Đây là chuyên án có tầm vĩ mô, các đối tượng có thể manh động, nếu tính toán sai, tính mạng các chiến sỹ sẽ bị đe dọa, trong đánh án khi đảm bảo an toàn tuyệt đối thì mới đánh còn chưa an toàn thì chưa đánh. Chúng tôi luôn xác định tuân theo chỉ đạo là: Chắc thì đánh, chưa chắc chưa được đánh. Đánh án phải an toàn!
Mặc dù liên tục bị triệt phá, chiến công nối tiếp chiến công, nhưng dường như “dòng chảy ngầm” ma túy vẫn âm thầm hoành hành gieo rắc tai họa. Theo ông, cần làm gì để triệt tận gốc vấn đề. Cá nhân ông có tham mưu tư vấn gì cho các cấp lãnh đạo bằng kinh nghiệm thực tế của mình trong cuộc chiến chống ma túy?
Phải nhìn nhận thế này, nếu như chúng ta không triệt phá được băng nhóm, đường dây có thể gây ra hậu quả khôn lường cho xã hội; số ma túy này vào bất kỳ quốc gia nào cũng đều gây hại. Khi ma túy này vào Việt Nam, nó là mối đe dọa lớn cho đất nước, hủy hoại tất cả thế hệ trẻ, nên chúng tôi xem đây vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.
Thực tế, đối với các tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy gần đây, nguồn gốc chủ yếu từ Myanma, đưa qua địa bàn của Lào tập kết rồi xâm nhập vào Việt Nam; có thể sẽ tiếp tục đến các nước khác. Chúng tôi tham mưu đúng chủ trương cho Bộ Tư lệnh Biên phòng và xin ý kiến của Bộ Quốc phòng. Trước khi đánh án, Bộ Tư lệnh Biên phòng Việt Nam đã ký kết với Bộ An ninh Lào (bên họ không có lực lượng biên phòng) về công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là về ma túy khu vực giáp biên.
Đối với các vụ ma túy lớn, chúng tôi chủ động đánh ngăn chặn từ xa. Đó là chủ trương rất sáng suốt của chúng ta. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã có quy chế chỉ đạo, giao Bộ Tư lệnh Biên phòng ký kết với Bộ An ninh nước bạn. Ma túy vào Việt Nam, vẫn chủ yếu là đi qua biên giới bằng các đường tiểu ngạch, trộn lẫn với hàng hóa nhập khẩu.
Điều gì đã tạo nên tính bất ngờ của vụ án 5,5 tấn ma túy trên nước bạn Lào?
Bọn chúng chuẩn bị chu đáo, bài bản và nghĩ trong rừng sâu không có ai biết được vấn đề này. Chúng không ngờ lực lượng trinh sát chúng tôi đã cài các chiến sỹ tại đấy để theo dõi các tổ chức. Khi đến độ chín muồi, khi đối tượng xuất hiện, lực lượng trinh sát ập vào. Trước hết, cho thấy chúng ta phải nắm chắc địa bàn và dự đoán tình hình, tổ chức này có bao nhiêu đối tượng… Đó là cả quá trình gắn trinh sát ăn, nằm cả tháng trời, suốt ngày đêm trong rừng. Hầu như, thành công của các vụ án là nhờ ban chuyên án tạo ra yếu tố bất ngờ.
Xin cảm ơn ông!