Bị cáo Nguyễn Đăng Thêm kháng cáo kêu oan và đây là một cơ sở để TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử xem xét xem có hay không việc kết án oan tại bản án số 22/2010/HSST của TAND Thành phố Hà Tĩnh. Bài 2: Các bị cáo có “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước”? Theo quy định của pháp luật, khi đưa ra nội dung cáo buộc đối với ông Nguyễn Đăng Thêm về việc cố ý làm trái trong thi công và nghiệm thu thanh toán thì cơ quan tiến hành tố tụng cần phải chỉ ra các vấn đề sau: – Có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thi công và nghiệm thu. – Hành vi vi phạm pháp luật phải có lỗi và hành vi này được thực hiện do ý chí chủ quan và do lỗi cố ý. – Có thiệt hại xảy ra. – Thiệt hại xảy ra làm thất thoát tài sản của nhà nước. – Thiệt hại xảy ra do lỗi của ông Thêm tức là phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại. Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng: Thực tế thì cơ quan tiến hành tố tụng đã không làm rõ, chỉ ra được hành vi như trên mà chỉ đi vào phân tích, đánh giá phiến diện và đưa ra những phân tích hoặc chỉ dẫn không có giá trị pháp lý. Cụ thể: Việc VKSND và TAND thành phố Hà Tĩnh nêu công ty Hà Thành và DNTN Hồng Lam ký hợp đồng với nhau để từ đó lấy giá trị tiền theo hợp đồng này và đánh giá trị giá công trình là không đúng bởi vì: Pháp luật không có quy định nào buộc ông Thêm phải biết DNTN Hồng Lam ký hợp đồng với ai. Việc DNTN Hồng Lam ký hợp đồng với Công ty Hà Thành đó là quyền chủ động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được pháp luật bảo hộ. Không chủ thể nào có quyền ngăn cản. Xét về góc độ pháp lý, Công ty Hà Thành không có tư cách chủ thể pháp lý gì trong dự án này. Do đó, việc cơ quan điều tra, VKSND và TAND thành phố Hà Tĩnh đưa hợp đồng ký kết giữa DNTN Hồng Lam và Công ty Hà Thành vào vụ án này để xem xét trách nhiệm pháp lý của ông Thêm là không đúng và thiếu tính thuyết phục. Thực tế thì Công ty Hà Thành không phải là một đơn vị thi công, không phải là nhà thầu phụ của DNTN Hồng Lam nên không có ý nghĩa đối với chủ đầu tư và không hề có quyền can thiệp vào dự án. Hay nói cách khác là Công ty Hà Thành không phải là một chủ thể tham gia vào dự án. Do đó, doanh nghiệp này không thể là chủ thể để cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát xem xét và càng không thể viện vào hành động, việc làm của doanh nghiệp này làm căn cứ buộc tội đối với các bị cáo trong vụ án. Việc viện kiểm sát căn cứ vào số tiền thoả thuận giữa DNTN Hồng Lam và Công ty Hà Thành để cho rằng giá trị công trình chỉ có 600 triệu đồng là phiến diện, thiếu tính pháp lý và không khách quan. Mấu chốt của vấn đề trong vụ án này đó là việc thi công công trình và chất lượng công trình. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công là DNTN Hồng Lam đã thi công và đạt chất lượng thi công cũng như tiến độ thi công. Trong quá trình thi công thì bản thân ông Thêm không phải là người trực tiếp giám sát thi công mà theo phân công công việc thì ông Phan Văn Lý là người giám sát thi công trong đó có phần việc là giám sát về khối lượng, chất lượng, nghiệm thu khối lượng và chỉ đạo bên B thi công theo hồ sơ thiết kế. Ông Nguyễn Đăng Thêm chỉ ký khi có xác nhận khối lượng và chất lượng của kỹ thuật A-B. Như vậy, nếu công trình có lỗi và có thiệt hại thì cần phải xem xét trách nhiệm của ông Thêm là gì? Trong trường hợp nếu có thì chỉ có thể nói ông Thêm thiếu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện chứ không thể nói là cố ý làm trái. Như vậy, nếu phân tích các yếu tố về lỗi, về hành vi thì chỉ có thể xem xét ông Thêm ở góc độ thiếu trách nhiệm trong quá trình thực thi công việc. Công trình quá tốt nhưng các bị cáo lại bị cho là cố ý làm trái? Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách: “Công trình Hào Thành đã được thực hiện và đưa vào sử dụng gần 10 năm nay. Chất lượng đã được khẳng định, công trình đã được đưa vào sử dụng và các công trình khác đã được thực hiện dựa trên sự hoàn thiện của công trình nạo hút bùn, cần phải xem xét và nhìn nhận rằng hạng mục nạo vét bùn là một hạng mục đặc thù, nó được thực hiện trước các hạng mục khác. Các hạng mục tiếp theo đã được thực hiện và không hề có một sự cố công trình nào xảy ra. Trên thực tế thì không có những hư hỏng, đổ vỡ bộ phận kết cấu công trình, hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình mà sự hư hỏng, đổ vỡ đó làm giảm hoặc mất khả năng chịu lực của công trình, gây mất an toàn các công trình xung quanh. Do đó không thể nói rằng công trình không đạt chất lượng. Cần phải nhìn nhận rằng hạng mục công trình nạo hút bùn là để phục vụ cho các hạng mục công trình khác và nếu hạng mục công trình khác được thực hiện theo đúng tiến độ, đáp ứng được các điều kiện về mặt kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng thì đã đáp ứng được các mục tiêu điều kiện của hạng mục nạo hút bùn. Do đó cần khẳng định là hạng mục này đã được thực hiện đúng chất lượng đề ra của chủ đầu tư. Tuy nhiên, tòa án lại không nhìn nhận ở kết quả đạt được mà chỉ đi vào bắt lỗi quá trình thực hiện. Thực chất thì quá trình thực hiện đơn vị thi công có thể thay đổi biện pháp thi công, thay đổi kỹ thuật miễn sao vẫn đảm bảo được tiến độ, chất lượng công trình. Do đó, các cáo buộc về quá trình thi công của Hội đồng xét xử đối với đơn vị thi công từ đó bắt lỗi với ông Thêm là sự phiến diện và thiếu khách quan. Đến nay, chưa có một đơn vị nào hoặc một kết luận nào của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật kết luận về sự cố công trình, thiệt hại công trình và chất lượng công trình nạo hút bùn của dự án Hào Thành. Do đó, không thể nói là “gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong vụ án này, ông Nguyễn Đăng Thêm không có hành vi cố ý làm trái như đã phân tích ở trên, không có cơ sở pháp lý nào khẳng định thiệt hại xảy ra. Toàn bộ công trình chưa được quyết toán A-B, các bên chưa tiến hành thanh lý hợp đồng. Về mặt nguyên tắc, nếu giá trị thi công các hạng mục công trình mà bên thi công đã nhận tiền vượt qúa khối lượng thi công thì khi quyết toán, thanh lý hợp đồng bên thi công sẽ phải xuất toán trở lại cho chủ đầu tư. Quy trình này chưa được thực hiện, thực tế không hề có sự cố công trình, mặt khác công trình vẫn đang sử dụng tốt, đã sử dụng gần 10 năm mà không xuống cấp, không hư hỏng. Vậy thì phải khẳng định rằng chất lượng công trình là đảm bảo. “Do đó, việc buộc tội ông Thêm là điều tòa phúc thẩm cần phải xem xét lại để tránh oan sai cho người có công”- Luật sư Nguyễn Hồng Bách nhấn mạnh. (Còn nữa) Nhóm PVĐT
CongLuan