Mô hình VNEN đang khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Thế nhưng đến nay, nhiều địa phương vẫn triển khai mô hình này một cách đồng loạt mà chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vừa qua, phiên chất vấn trong cuộc họp Hội đồng nhân dân một số tỉnh cũng đã "nóng" lên vì những ý kiến phản đối mô hình VNEN tại một số cơ sở giáo dục.
Nhiều ý kiến đánh giá, VNEN đã “vỡ trận” tại một số tỉnh khi phụ huynh phản ứng quá gay gắt: Chấp nhận cho con ở lại lớp để trốn VNEN, cho con chuyển lớp để không phải học VNEN...
Vậy, một mô hình giáo dục được triển khai đồng loạt tại 63 tỉnh thành, khởi điểm là 1.147 trường (năm học 2012- 2013) và năm học 2015 - 2016, có 54 tỉnh tự nguyện mở rộng áp dụng với 2.245 trường/tổng số 450.445 học sinh đến con đường “vỡ trận” thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Nhà giáo Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc trung tâm GDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). |
Liên quan đến vấn đề này, nhà giáo Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc trung tâm GDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã có những ý kiến của mình.
“Nói về việc để xảy ra “vỡ trận” tại dự án GPE-VNEN (mô hình trường học mới VNEN) là cả câu chuyện dài. Trách nhiệm ư? Sao lại không có trách nhiệm, khi vụ Tiểu học (bộ GD&ĐT) là chủ Dự án. Năm học 2012 – 2013, bộ GD&ĐT đã triển khai tại 63 tỉnh với 1.447 trường để thực nghiệm. Dự án đã soạn chương trình, sách giáo khoa, truyền thông về Dự án…", ông Vỵ nói.
"Có lẽ do thời gian, tính chất và mục đích của Dự án, nên cảm nhận của chúng tôi là chưa thực nghiệm thấu đáo và rút ra kết luận quan trọng đã triển khai đại trà, đồng loạt, dẫn đến hậu quả khôn lường. Chính bộ GD&ĐT đã buông lỏng quản lý nên mỗi nơi thực hiện một kiểu", nhà giáo Lê Văn Vỵ bày tỏ quan điểm.
Dẫn chứng cho quan điểm của mình, ông nêu cụ thể, Hà Tĩnh không phải địa phương được bộ GD&ĐT lựa chọn nhưng lại triển khai ồ ạt mô hình VNEN (cả bậc tiểu học và trung học, bao gồm THCS, THPT). Trong khi đó, tỉnh này chỉ có trường tiểu học Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) là 1 trong 1.447 trường được lựa chọn thực nghiệm.
Tuy nhiên, tại trường tiểu học Cẩm Quan, đánh giá của sở GD&ĐT cho thấy, đây là nơi thực hiện chương trình VNEN kém nhất. Do triển khai ồ ạt, không có kinh phí thực hiện nên áp lực trút xuống phụ huynh học sinh (ví dụ như: Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, mua sách giáo khoa).
Tại Nghệ An, phụ huynh học sinh trường tiểu học Nguyễn Trãi, Lê Lợi, THCS Hưng Dũng làm đơn kiến nghị bỏ chương trình VNEN. Tại Hà Tĩnh, trường THCS Chu Văn An (Hương Khê), THCS Cẩm Trung (Cẩm Xuyên), THCS Nam Hồng (Hồng Lĩnh), THCS Nam Hà, THCS Thạch Linh (TP.Hà Tĩnh ) lần lượt bỏ VNEN.
"Điều đáng nói, khi mô hình VNEN “vỡ trận” thực sự, truyền thông đưa tin rất mạnh mẽ nhưng bộ GD&ĐT không xem xét, nắm bắt tình hình để điều chỉnh. Hệ quả là, nhiều phụ huynh viết đơn vượt cấp. Trong khi đó, cơ sở lúng túng khi giải quyết. Cho đến nay, dự án VNEN đã hết thời gian thí điểm nhưng hệ lụy của nó dai dẳng, "bỏ thì thương, vương thì tội".
Tháng 8/2016 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có công văn số 4068/BGDÐT-GDTrH giao cho địa phương tự quyết định tiếp tục hay dừng triển khai VNEN và tự chịu trách nhiệm chất lượng giáo dục của địa phương mình. Thiết nghĩ với mô hình VNEN, bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm. Sao bộ GD&ĐT lại chuyển trách nhiệm về địa phương, khiến các địa phương lúng túng vô cùng", ông Vỵ nhấn mạnh.
Tìm hiểu của PV được biết, tại Hà Tĩnh, năm học 2013-2014 có 11 trường/11 huyện, năm 2004-2005 thêm 36 trường; năm 2015-2016 có 129/267 trường tiểu học và 34 trường THCS tham gia VNEN. Năm học 2016-2017, sở GD&ĐT Hà Tĩnh có công văn triển khai 100% các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Ngày 27//7/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Thông báo số 230/TB-UBND kết luận buổi làm việc với sở GD&ĐT, dừng triển khai chương trình VNEN đại trà, vì chưa có "đánh giá đầy đủ mô hình thí điểm trường học mới VNEN đã triển khai đồng loạt"; giao sở GD&ĐT kiểm điểm những tổ chức cá nhân vi phạm khuyết điểm.
Tác giả: Công Luân
Nguồn tin: Báo Người đưa tin