Đọc bài “Buồn vì nhiều người xứ Nghệ pha giọng Hà Nội, Sài Gòn”của độc giả Nguyễn Lâm, tôi thấy mình không trùng quan điểm như thế. Bởi trong cuộc sống mình phải biết điều tiết bản thân nhưng không đánh mất mình để thích ứng với điều kiện hoàn cảnh và môi trường sống mới đem lại hiệu quả, thành công cho công việc.
Tôi làm việc trong môi trường giáo dục, đồng nghiệp của tôi nhiều người là dân tứ xứ nhưng phần lớn là dân Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Nếu ai đó tiếp xúc lần đầu sẽ khó mà nhận ra họ không phải dân vùng này. Bởi giọng nói đã chính hiệu là dân bản gốc. Họ chỉ thật sự “trở lại chính mình” khi tiếp xúc với những người đồng hương.
Pha giọng để tạo thuận lợi cho công việc không có gì đáng buồn. Ảnh minh họa |
Vì sao phải pha giọng? Đem thắc mắc này hỏi một đồng nghiệp có biệt tài pha giọng “chuẩn không cần chỉnh”.
Cô bộc bạch: “Chẳng ai muốn bỏ giọng nói gốc của mình mà đi pha giọng nơi khác. Nhưng học trò của mình là người Nam, mình nói giọng miền Trung các em không hiểu được. Đã nhiều học sinh mạnh dạn nói với cô: “Con không hiểu cô nói gì cả”. Có em còn thẳng thắn: “Sao tiếng cô khó nghe thế! Tụi con chẳng hiểu gì!”.
Thời gian đầu mình cũng không pha tiếng với suy nghĩ “có sao dùng vậy, tiếng mẹ đẻ của mình có gì đáng xấu hổ”, nhưng nhìn hiệu quả tiết dạy, đặc biệt là môn chính tả do cô đọc chép, học sinh viết sai lỗi rất nhiều, hay tiết giảng văn cô say sưa giảng trên bục, trò cứ ngơ ngơ như “bò đội nón”. Tiết Toán trò làm bài sai khi bị cô giáo hỏi, nhiều em đưa lý do: “Cô giảng con không hiểu gì cả”. Thế là lên lớp dạy học trò hay tiếp xúc với đồng nghiệp người miền Nam mình phải pha giọng cho mọi người hiểu. Gặp đồng hương hay về với gia đình, mình vẫn tự hào khi sử dụng giọng nói quê hương”.
Người bạn đồng nghiệp thừa nhận, từ khi tập pha giọng thì hiệu quả từng tiết dạy đã tiến triển rõ ràng. Học sinh hào hứng hơn khi nghe cô nói, chất lượng học tập của các em vì thế cũng được nâng lên.
Cùng quan điểm với tôi, pha giọng không có gì là xấu, nhiều người bạn chia sẻ: “Đi tiếp xúc làm ăn với đối tác, nếu họ là đồng hương với mình cứ vô tư sử dụng tiếng mẹ đẻ, còn đối tác người miền Nam mình cũng phải pha giọng bởi nếu cứ giữ đúng giọng nói chuẩn khác miền của mình đôi khi người khác không hiểu và khó cho việc giao lưu, hợp tác”.
Pha giọng để tạo thuận lợi cho công việc không có gì đáng buồn, giọng nói đôi khi chỉ là phương tiện để truyền đạt thông tin, để mọi người hiểu nhau hơn. Thay đổi cách sống hay chối bỏ cội nguồn mới là điều không nên làm và mới cần phải lên án.
Độc giả Phan Tuyết