Formosa Hà Tĩnh. |
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép và phôi thép tại Hà Tĩnh ước đạt 179,31 triệu USD, tăng 93,76% so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu đầu năm tại Hà Tĩnh tăng cao, nhất là mặt hàng thép và phôi thép, nguyên nhân chủ yếu do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa đã giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và tăng giá thành thép và phôi thép ra thị trường.
Cụ thể, vào giữa tháng 2 Formosa Hà Tĩnh đã tăng giá thép cuộn cán nóng HRC tại thị trường trong nước lên thêm 60 USD/tấn (tương đương 1,4 triệu đồng/tấn). Hiện giá bán mới của loại thép HRC SAE1006 đang ở mức 694 USD/tấn. Trong khi đó, mặt hàng HRC SS400 được bán với giá cao hơn 5 USD/tấn.
Theo đó, mức giá bán mới sẽ được áp dụng cho các đơn hàng trong tháng 4/2023.
Trước động thái Formosa Hà Tĩnh tăng giá thép, các doanh nghiệp chuyên sản xuất tôn mạ, ống thép trong nước cho rằng, giá bán mới của Formosa là quá cao so với mặt bằng chung của thị trường. Mặc dù các nhà cán lại sẽ hơi khó chấp nhận mức giá mới, nhưng các doanh nghiệp này vẫn cần nguyên liệu HRC để sản xuất.
Về nguyên nhân Formosa điều chỉnh giá thép, do giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng. Tác động của việc đồng USD mạnh lên đối với giá nguyên liệu nhập khẩu được nhận định nhiều khả năng vẫn còn kéo dài đến quý III/2023.
Doanh nghiệp này cho rằng trong thời gian tới, giá thép có khả năng tiếp tục tăng. Do chịu ảnh hưởng bởi giá tăng từ Trung Quốc, các nhà máy thép châu Á khác có thể sẽ tăng giá theo.
Sau thông tin Formosa tăng giá bán thép HRC, một số nhà máy Trung Quốc đã tăng giá mặt hàng này tại thị trường Việt Nam. Hiện loại HRC SAE1006 HRC dày 2 mm của Trung Quốc đang được bán ở mức 690 USD/tấn, bằng với mức giá mới của Formosa.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), giá thép cuộn cán nóng (HRC) châu Á tăng giữa bối cảnh các đơn đặt hàng của Trung Quốc ổn định, xuất phát từ việc đồng Nhân dân tệ tiếp tục tăng giá so với đồng USD, trong khi tâm lý thị trường vẫn tích cực sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới.
Một lãnh đạo Hà Tĩnh chia sẻ, năm 2023 với việc Trung Quốc mở cửa trở lại và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các thị trường mới trên thế giới, ngành thép sẽ có nhiều cơ hội phục hồi. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế có thể hỗ trợ nhu cầu thép nội địa.
Tác giả: Trương Hoa
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư