Sau khi được công nhận di sản văn hoá quốc gia vào năm 2012, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đang được Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét công nhận di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, trong kỳ họp từ ngày 24 – 28.11.2014 tại Paris. Nếu Ví, Giặm được UNESCO vinh danh là niềm tự hào của cả nước, đồng thời cũng đặt ra trọng trách bảo tồn, phát huy di sản. Trong bài này, chúng tôi xin gợi mở suy nghĩ, giới thiệu về sức sống kỳ diệu của thể hát ví, một trong hai loại hình của di sản.
Trí tuệ trong hát ví xuất phát từ tính chất hát đối đáp, đối thoại, thử thách về trình độ hiểu biết, trí thông minh, khả năng ứng xử và đối phó mau lẹ, tinh tế.
Những câu hát ví hàm chứa một kho tàng tri thức, kinh nghiệm dân gian phong phú về thời tiết, thiên nhiên, sản xuất, cuộc sống. Một nhà nho đã có vợ con đề huề đi hát phường vải, có ý “đèo bòng”, bị chị em “chất vấn”: “ấm thân hồ hởi chai lơ. Bàn hoàn chung chén nhắm chờ ai đây?”. Cái thú vị của câu hát là một chuỗi kết hợp “ấm, hồ, chai, bàn, chung, chén, nhắm” đều là những dụng cụ, động tác của một bữa tiệc.
Khi cô gái hỏi: “Đố anh chi sắc hơn dao. Chi sâu hơn bể, chi cao hơn trời”, chàng trai đáp: “Em ơi mắt sắc hơn dao. Bụng sâu hơn bể, trán cao hơn trời”, thể hiện quan niệm đề cao con người mang tính nhân văn sâu sắc.
“Đi ngang giữa bãi cát vàng. Con rồng đau bụng, hỏi chàng thuốc chi?”. Đã không có chứng “rồng đau bụng” thì các “vị thuốc” cũng phải “độc”: “Lông lươn, đuôi ếch, rễ cột nhà. Xương trùn (giun), mỡ mọi (muỗi), nước đái gà làm thang”.
Sinh ra từ quê hương trọng văn chương chữ nghĩa, nội dung hát ví mang tính chất bác học. Lối “bẻ chữ” được thể hiện trong nội dung đối đáp: “Nghiêng tai nói nhỏ với vua. Chàng mà đối được, thiếp mua làm chồng” – “Ông Thánh Khổng tử là ai. Trên thời chữ “nhĩ”, dưới bài chữ “vương”. Nguồn gốc câu đố xuất phát từ chữ “thánh” gồm phía trên chữ “nhĩ” và chữ “khẩu”, phía dưới chữ “vương”. Sau này, khi tiếng Pháp được giảng dạy ở Việt Nam, thì trong lời hát ví phường vải cũng có chữ Pháp. Ví dụ: “Sao rua gọi suốt ngày đêm. Lòng anh mến mãi dạ em mê hoài”, có sự xuất hiện của hai chữ Pháp là “jour” (rua) nghĩa là ban ngày và “aimer” (mê) nghĩa là yêu thương.
Bên cạnh tính trí tuệ, nội dung trữ tình của hát ví rất phong phú, thể hiện vẻ đẹp, chiều sâu tâm hồn của người dân qua các thời kỳ lịch sử. Tính chất trữ tình đằm thắm toát lên từ nhiều yếu tố: không gian, thời gian, cử chỉ, điệu bộ, âm điệu, ca từ…. Một ánh trăng, làn gió, tiếng xa quay, một ánh mắt, nét cười, tiếng “ơi”… đều góp phần tạo nên không khí trữ tình đam mê khó diễn tả. Ở phương diện lời ca, có thể thấy sự xuất hiện với tần số cao các từ ngữ hô gọi tha thiết, hướng đến sự giao cảm về tâm hồn: “ơi”, “hỡi”, “có hay”, “rứa chàng”, “rứa em”, “tính răng”, “ơ mình”, “xin thưa”… và các từ ngữ thể hiện tâm trạng, khát vọng “nhớ”, “thương”, “yêu”, “say”, “mê”, “mến”, “ngẩn ngơ”, “sầu”, “chờ”, “tìm”… Cách xưng hô cũng hết sức trìu mến: “khách tương phùng – tương tri”, “chàng – thiếp”, “anh – em”, “bạn – mình”, “đôi ta”, “người tình nhân”, “quân tử – thuyền quyên”… Khi chia tay bạn hát hỏi: “Ra về có nhớ em không. Hay là vui thú vườn hồng quên đi?”, chàng trai cất lời: “Ra về nhớ lắm em ơi. Nhớ duyên em nói, nhớ lời em thưa”. Đúng là rút ruột mà hát.
Trong hát ví phường vải, có một thế giới hình ảnh ví von so sánh đậm chất trữ tình. Đó là các hình ảnh “ong bướm”, “vườn hoa”, “Tần cung”, “hạc”, “phượng”, “rồng”, “mây”, “sen”, “liễu”, “Thúy Kiều – Kim Trọng”, “Vân Tiên – Nguyệt Nga”, “thiên thai”, “đào tiên”, “trăng bạc – gió vàng”… Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều hình ảnh so sánh gắn liền với “đôi ta”, hình ảnh nào cũng gợi hình, gợi cảm, chan chứa yêu thương: “Đôi ta như chỉ xe đôi. Khi săn, săn cả, khi lơi, lơi cùng”; “Đôi ta như rắn liu điu. Nước chảy mặc nước, ta dìu lấy nhau”; “Đôi ta như miếng trầu cau. Giấu thầy giấu mẹ đưa sau bóng đèn”; “Đôi ta như bấc với dầu; Khêu ra cho rạng kẻo sầu tương tư”; “ Đôi ta như cặp chim non; Khi vui ríu rít, khi buồn vẩn vơ”…
Hát ví phường vải là một sinh hoạt văn hóa, một loại hình nghệ thuật mà các đối tượng tham gia được “nhập vai”, được sống trong một thế giới của cái đẹp, của sự thăng hoa về cảm xúc, tâm hồn, được thỏa mãn nhu cầu tình cảm và thẩm mỹ; trong khi cuộc sống đời thường còn nhiều gian khổ, đắng cay. Điều này lí giải sức hấp dẫn, sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của hát ví nói riêng, dân ca Nghệ Tĩnh nói chung đối với người dân xứ sở sông Lam núi Hồng qua những thăng trầm lịch sử.
...
|
Trình diễn hát ví Nghệ Tĩnh tại Liên hoan dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh năm 2012 |
Hát ví Nghệ Tĩnh là một loại hình dân ca lao động, gắn liền với những công việc cụ thể của những người tham gia như ví phường củi, ví đò đưa, ví phường cấy, ví phường vải, ví phường nón…, thường thể hiện bằng hình thức đối đáp. Ví có nghĩa là so sánh, ví von, cũng có người giải thích là lối hát mà âm thanh ngân xa để cho những người ở xa cũng có thể nghe được (ví nghĩa là “vói” hay “với’). Người ta hát cho đỡ mệt, để giãi bày tâm tư, kết giao đôi lứa, tạo nên mối quan hệ tình cảm gắn bó giữa các cá nhân trong cộng đồng. Nhiều cuộc hát ví tiến hành bài bản, nhưng cũng có thể diễn ra rất tự nhiên, hồn nhiên ở bất cứ nơi nào trong cuộc sống đời thường. Khi cất lên tiếng hát, con người đã bước vào thế giới của nghệ thuật với những nét đẹp, sức hấp dẫn kỳ diệu, nổi bật nhất là tính chất trí tuệ và tính trữ tình đằm thắm.
Quang Đại