Văn hoá Dân gian

Ví Giặm – tiếng hát tâm tình của người Nghệ Tĩnh

Vùng đất Nghệ Tĩnh với câu hò Ví, Giặm không biết từ bao giờ đã trở thành tiếng hát tâm tình của người dân lao động nơi đây…



“Trót say câu ví đò đưaCũng đành cà mặn, nhút chua một đời”.


Ai đã từng nghe dân ca Nghệ Tĩnh thì chắc hẳn đều có chung một ấn tượng, đó là ca từ rất bình dị, đậm chất tiếng nói địa phương nhưng lại thể hiện được cái nồng nàn, ấm áp, sâu lắng của “cá tính Nghệ Tĩnh”.




Ví, Giặm là hai thể hát dân gian đặc sắc trong kho tàng dân ca xứ Nghệ. Nếu như mỗi vùng miền đều có giọng nói, tiếng hát của riêng mình thì Ví Giặm Nghệ Tĩnh cũng vì thế mà trở thành tiếng hát tâm tình bao đời nay của người dân lao động nơi đây.


Người xứ Nghệ thường tự hào vì họ yêu hát dân ca, yêu từng câu hò điệu ví. Khi đi cày, khi cắt cỏ, chăn trâu, đi lấy củi trên non hay cả khi ghen tuông dỗi hờn, người ta cũng thường dùng câu hát để thay lời muốn nói. Vì thế mà câu hát ban đầu nghe thô sơ, mộc mạc. Về sau, do tác động của nhiều yếu tố khác nhau đã hình thành những điệu hát dân ca trữ tình.


Có thể nói, gần như vùng nào ở Nghệ Tĩnh cũng có hát Ví, làng nào cũng có người hát hay, ứng tác giỏi. Chẳng thế mà khi sưu tầm, nghiên cứu, người ta tìm được gần 20 làn điệu Ví mà chính sự phong phú, đa dạng về làng nghề đã làm cho Ví có được khá nhiều làn điệu như thế!


NSND Hồng Lựu – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ cho biết, người xứ Nghệ có Truyện Kiều, rồi lại có Ví, Giặm. Những giá trị văn hoá ấy đan quyện vào nhau và ngấm vào tâm trí mỗi người từ khi mới lọt lòng. Riêng bản thân chị, ngay từ nhỏ đã gắn bó lời ru tiếng hát của bà, của mẹ qua từng điệu ví, câu hò.


“Từ nhỏ mình đã theo chúng bạn cùng trang lứa học hát dân ca. Lớn lên một chút, khi đi dọc theo triền sông Lam mình thường được nghe các cô các chú hát. Thuyền chèo ngược thuyền chèo xuôi đều có hát Ví. Khi đi củi, đi cắt cỏ hay đi chăn trâu chăn bò, chúng mình thường hát đối đáp qua bên kia sông. Mặc dù có những lúc hát đối đáp giao duyên, cũng có lúc hát nghịch ngợm…nhưng tất cả cứ cho mình lớn dần lên, lớn dần lên…”.


Hát đối: Một chồng đôi vợ – Dân ca Nghệ Tĩnh


Không ai biết rõ dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ xuất hiện chính xác từ khi nào, nhưng có một thực tế là nó có mặt trong đời sống người dân lao động từ rất lâu đời.


Nếu như dân ca đồng bằng bắc Bộ gắn liền với văn hoá kinh Bắc thể hiện nét mềm mại, mượt mà, Nam Bộ có những điệu hò sông nước vang vọng thì Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lại có lúc ghập ghềnh, khắc khổ như đào sâu vào lòng người.


Bởi lẽ miền đất của gió Lào cát trắng quanh năm hết mùa hạ nắng cháy da, lại sang mùa đông buốt giá. Do vậy, tiếng hát của người Nghệ Tĩnh cũng tâm tình, thổn thức nhưng cũng đầy lạc quan sắt đá.


Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, dân ca, âm nhạc bắt nguồn từ con người, từ những vùng đất. Vùng đất khác nhau thì dân ca khác nhau. Ấn tượng của dân ca Nghệ Tĩnh là sâu lắng, nhiều lúc khắc khổ ghập ghềnh nhưng tình cảm lại lắng sâu, giàu chất trữ tình. Nếu nghe được những điệu hò lao động trong dân ca xứ Nghệ thì thấy được niềm lạc quan mạnh mẽ. Ví dụ trong “Hò kéo gỗ”, “Hò đẩy thuyền”…đều hiện lên tính cách con người xứ Nghệ: Tuy vất vả, cực nhọc nhưng lại đầy lạc quan.


Ở Nghệ Tĩnh, Ví, Giặm sống trong lòng nhân dân, trong phong trào văn nghệ quần chúng, trong trường học với các giờ học hát dân ca…. Không những thế, Ví Giặm còn đến với những người con xa xứ qua làn sóng phát thanh, truyền hình, qua đĩa hát- món quà của người thân nơi quê nhà gửi tặng.


Họ không chỉ được tiếp xúc với những làn điệu Ví Giặm nguyên gốc mà còn được nghe những bài ca đi cùng năm tháng như: “Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Ca dao em và tôi” của nhạc sĩ An Thuyên, “Khúc hát sông quê” của Nguyễn Trọng Tạo…Trong số các nhạc sĩ ấy, có thể có người không sinh ra và lớn lên ở vùng quê xứ Nghệ nhưng đã thụ hưởng thành công những làn điệu dân ca và đưa vào sáng tác âm nhạc.


Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả của “Xa khơi”, “Mơ quê” khẳng định: dân ca xứ Nghệ nói chung và Ví, Giặm nói riêng là những tiếng hát tâm tình, mang giá trị nhân văn sâu sắc mà ở đó những người nhạc sĩ như ông có thể kế thừa và sáng tạo trong sáng tác âm nhạc.


Nhạc sĩ vĩ đại người Nga Mikhail Glinka đã từng nói: “Con người ta trong bản chất là nghệ sĩ và nhân dân là những nhạc sĩ đầu tiên”. Điều ấy hoàn toàn đúng với dân ca Nghệ Tĩnh nói chung và Ví, Giặm nói riêng.


Liên hoan Dân ca Ví Giặm tổ chức tại thành phố Vinh- Nghệ An vào ngày 23/6 tới đây được coi là bước chuẩn bị để Lập hồ sơ trình Unesco công nhận là văn hoá phi vật thể. Nhưng trước khi có thể trở thành Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại thì Ví Giặm là tiếng hát tâm tình của người Nghệ Tĩnh./.

Phương Thúy/VOV-Trung tâm tin

VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP