Giáo dục

Vị chua sau những bài thi điểm 0 vào lớp 10

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại các tỉnh thành ghi nhận có hàng trăm bài thi môn Toán bị 0 điểm, trong khi đề thi luôn có những câu có thể nói là "dễ như cho".

Kỳ tuyển sinh lớp 10 ở TPHCM năm nay, có đến 49,62% thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Toán. Kết quả này được đánh giá là hợp lý với mức độ đề thi được cho là hay, khó và cả khả năng phân loại tốt.

Tuy nhiên, đáng chú ý là có đến 126 thí sinh bị điểm 0 môn Toán. Con số này nhẹ nhàng hơn so với năm ngoái là có đến 256 bài thi môn Toán.

Học sinh TPHCM trong kỳ thi vào lớp 10 vừa qua (Ảnh minh họa)

Ở Khánh Hòa, kết quả kỳ thi lớp 10 năm nay cũng gây hoang mang khi có đến 668 bài thi Toán bị điểm 0. Khi công bố kết quả, lãnh đạo Sở cũng phải thốt lên, đó là điều quá bất ngờ, không hiểu nổi. Nhất là trước kỳ thi, Sở có đề minh họa và đề tuyển sinh còn được đánh giá là "nhẹ" hơn đề minh họa.

Những bài thi lãnh điểm 0 nhưng lại là những bài thi biết nói. Nó có thể chỉ ra thực tế còn rất nhiều học sinh hàng ngày đến trường nhưng... không hề biết gì và các em không nhận được quan tâm trong việc dạy học từ giáo viên, từ trường.

Ngay sau khi công bố điểm thi vào lớp 10, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ, ông rất vui khi với đề thi Toán của TPHCM được đánh giá là khó, nhiều giáo viên đã rất lo lắng học sinh sẽ không đạt điểm cao nhưng thực tế có đến 228 học sinh đạt điểm 10 môn Toán.

Trái lại, điều ông Hiếu băn khoăn là thành phố cũng có đến 126 bài thi bị điểm 0 môn Toán.

Ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo, thông tin về việc thay đổi, đổi mới trong đề thi, sẽ liên tục vận dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên vẫn phải giữ những bài toán truyền thống rất căn bản của Toán như tam thức bậc 2, phương trình, biểu thức toán...

"Những câu này có thể nói là gần như cho không nhưng tôi cũng không hiểu tại sao lại có cả trăm bài Toán bị điểm 0", Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cũng ngỡ ngàng.

Theo ông Hiếu, giáo viên phải xem lại, chính họ phải biết những dạng cơ bản này em học sinh nào cũng phải giải được. Các em không làm được thì đã mất hẳn căn bản, không biết gì.

Thầy N.L.M., một giáo viên ở TPHCM cho biết, hàng năm thầy rất ám ảnh với hàng trăm bài Toán bị điểm 0. Dù thầy biết, nhiều học sinh bị điểm 0 hay điểm cực thấp trong kỳ thi không phải là điều quá khó hiểu. Chẳng qua mọi người không muốn thừa nhận, không muốn nhìn thẳng rằng nhiều học sinh đến lớp không biết gì nhưng bằng cách này hay cách khác, thầy cô vẫn du di cho qua, điểm số trên lớp vẫn đạt.

Bảng thống kê điểm các môn trong kết quả chấm lớp 10 của TPHCM

Lẽ ra những học trò yếu kém là đối tượng cần được hỗ trợ nhất thì thực tế phần lớn giáo viên, nhà trường lại không thật sự quan tâm, giúp đỡ các em tiến bộ hơn, sao cho đạt được những kiến thức học tập cơ bản nhất. Ở trường học vẫn nặng tâm lý dồn sức cho nhóm cho học sinh giỏi, còn các em yếu thì... mặc kệ.

Theo thầy M. phía sau những bài thi điểm 0, phản ánh các em mất căn bản hoàn toàn chính là trách nhiệm của người thầy, của trường học. Người thầy đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với học trò.

Thầy cô hiểu ai hết các em không thể vào lớp 10 công lập nhưng một khi đã mất căn bản ở mức "không biết gì" thì con đường nào vào đời với các em cũng mất mù mịt.

Nó phản ánh bức tranh có vị chua trong giáo dục: nhiều học trò đang bị "bỏ rơi" ở ngay trong trường học.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP