Ông cho biết nhà chức trách Malaysia và các lực lượng đồng cấp quốc tế chỉ “xác định rằng máy bay thực hiện liên lạc cuối cùng với vệ tinh tại một trong hai hành lang hàng không.”
Hai hành lang bay tiềm năng này được vạch ra dựa trên các tính toán chi tiết có sử dụng vị trí cuối cùng của máy bay mất tích, tốc độ và hoạt động tiêu thụ nhiên liệu tương ứng, qua đó cho phép nhà chức trách xác định nơi chuyến bay MH 370 được nhìn thấy lần cuối và nơi nó cạn nhiên liệu.
Các đội điều tra sử dụng một loạt tín hiệu được gửi đi mỗi giờ từ máy bay tới vệ tinh Inmarsat nằm trên quỹ đạo địa tĩnh cách chiếc Boeing hơn 35.000 km, sau khi nó được radar quân đội phát hiện đang hoạt động trên Eo biển Malacca, hướng về phía Biển Andaman.
Các hướng bay tiềm năng, dựa trên những tín hiệu này, đã khiến các đội tìm kiếm mở rộng khu vực tìm kiếm ra một vùng rộng lớn hơn nhiều.
Kết quả là người ta vạch ra được hành lang phía Bắc và phía Nam, cho thấy những nơi chiếc Boeing 777-200 có thể đã đi qua, khoảng 7 tiếng rưỡi sau khi nó rời khỏi thủ đô Kuala Lumpur.
Trong bối cảnh khu vực tìm kiếm đã được mở rộng và các nguyên nhân tiềm năng khiến máy bay mất tích đã được thu hẹp xuống do hoạt động có chủ đích của ai đó trên máy bay, người ta cũng dần hiểu rõ hơn các nguyên nhân sâu xa của vụ việc.
Các nâng cấp gần đây cho vệ tinh Inmarsat khiến nó có thể nhận được dữ liệu chi tiết về vị trí, cao độ và tốc độ của các máy bay hoạt động ở phía dưới. Tuy nhiên chiếc Boeing 12 năm tuổi không có khả năng phát hiện các dữ liệu quan trọng này lên vệ tinh.
Sau khi chiếc Boeing 777-200 không phát thêm dữ liệu mới, do hệ thống báo cáo dữ liệu tự động của nó bị ngắt, thiết bị gửi tín hiệu đơn giản lên vệ tinh đã hoạt động. Tín hiệu từ máy bay gửi lên vệ tinh được so sánh giống như một cái bắt tay thông thường.
Sau khi nhận được tín hiệu, vệ tinh phản hồi trở lại máy bay, giống như việc hỏi máy bay có còn khả năng gửi và nhận tín hiệu hay không. Nhận được tín hiệu hỏi này, MH370 sẽ gửi một tín hiệu trả lời lại Inmarsat và vệ tinh sẽ chuyển tín hiệu trả lời đó trở lại trạm mặt đất.
Bởi góc độ và khoảng cách của chiếc Boeing 777 tới vệ tinh thay đổi khi nó bay vòng quanh Trái đất, mỗi tín hiệu ‘ping’ này sẽ giúp các quan chức Malaysia, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ, Cơ quan hàng không liên bang và Đơn vị điều tra tai nạn hàng không Anh quốc có đủ thông tin để tính toán tốc độ, cao độ và sự thay đổi đường bay của máy bay.
Lãnh đạo Malaysia nói rằng các hệ thống liên lạc của chiếc Boeing 777-200 đã bị kẻ nào đó trên máy bay tắt bằng tay. Giới chức Mỹ hiện đang điều tra xem một hệ thống liên lạc thứ ba nằm ở phía dưới máy bay có bị phá hay không.
Tuy nhiên với dữ liệu thu được, các nhà điều tra vẫn không thể xác định xem tín hiệu máy bay được gửi đi từ phía Bắc hay phía Nam địa điểm nó được nhìn thấy lần cuối trên radar. Điều này khiến người ta phải kết luận rằng máy bay đã gửi tín hiệu cuối trong các hành làng hàng không hoặc nằm ở phía Bắc, hoặc phía Nam.
Một quan chức tham gia điều tra cho biết rằng vệ tinh không thể giúp “dò ra vị trí của máy bay” nên người ta buộc phải tìm kiếm cả bên trái và bên phải vệ tinh. Hiện các quan chức Malaysia và giới chuyên gia đều nghiêng về khả năng máy bay đã chọn hành lang phía Nam, đi về hướng Ấn Độ dương. Nhưng họ cũng không xem nhẹ hành lang phía Bắc.
Vấn đề là hành lang phía Bắc kéo dài từ phía Bắc Thái Lan tới Kazakhstan chạy qua một số khu vực có bầu trời nằm trong sự quản lý chặt của quân đội, bao gồm vùng phía Tây Trung Quốc. Giống như nhận xét của một quan chức trong ngành hàng không, nhiều nước nằm trong hành lang phía Bắc này có thể đã “điều máy bay MiG lên ngăn chặn” nếu họ phát hiện các vật thể bay không xác định lang thang trong khu vực.
Theo TTXVN