Truyền thuyết về báu vật vua ban
Chúng tôi về làng Phú Hòa vào một chiều xuân, trong khi ghé thăm đền Trầm Lâm thờ Thánh Mẫu thì được một cụ ông tiết lộ: “Ngày mai đúng 6 giờ, dân làng làm lễ bàn giao báu vật giữa hai cố đạo”. Thông tin này làm chúng tôi rất háo hức, phấp phỏng chờ đợi. Sáng tinh mơ, căn nhà nhỏ của lão cố đạo Trần Văn Nhung đã rộn vang tiếng nói cười. Bà con láng giềng đến tụ tập chật kín cả góc sân để chứng kiến các báu vật của vua ban.
Sử sách ghi lại: Năm 1885, vua Hàm Nghi tiến quân ra huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Tại đây vua viết chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân đánh giặc Pháp. Thời gian này, nhà vua bị quân Pháp vây bắt nhiều lần, nhưng không thành.
Tương truyền, một đêm trong giấc ngủ, nhà vua được Thánh Mẫu báo mộng quân giặc sắp tới, nếu vua ở lại thì sát dân. Tỉnh mộng, nhà vua đã triệu họp quân thần làm lễ xuống đền tạ ơn thần và dâng nhiều báu vật để nhân dân thờ cúng Thánh Mẫu, gồm 2 con voi vàng (1 con nặng 27 đồng cân, 1 con nặng 17 đồng cân – mỗi đồng cân tương đương 1 chỉ vàng), 1 con voi đồng, 1 con nghê, 2 thanh bảo kiếm cùng 8 bộ áo mũ triều thần, hơn 40 sắc phong. Sau đó theo lời báo mộng, vua cùng quân thần rút lui vào vùng rừng núi ở Quảng Bình và thoát nạn. Hơn 100 năm qua, trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng người dân làng Phú Hòa vẫn truyền tay nhau giữ gìn các báu vật linh thiêng mà vua Hàm Nghi ban.
Một lòng một dạ giữ gìn báu vật
Theo quy định của làng thì người giữ báu vật là các cố đạo, cứ 2 năm làng lại bầu ra một cố đạo mới. Nhưng theo lời nguyên cố đạo Lê Khắc Tùng thì xin chuyển giao cố đạo mới không phải dễ, bởi cố đạo là người hội tụ nhiều yếu tố như: cốt cách phẩm chất cao đẹp, gia cảnh đoàn tụ, ruộng vườn quang đãng. Ngoài việc được dân làng tín nhiệm, ban lễ nghi dương trần đồng ý, còn phải được sự chứng giám của các vương thần qua lễ hạ keo xin phúc đáp cố đạo, nếu được thì mới rước sắc, còn không thì phải lưu cựu. Cho nên có cố đạo như cụ Nguyễn Văn Dơn giữ báu vật đến hàng chục năm trời. Dân làng quan niệm năm nào được chuyển giao cố đạo mới là năm đó làm ăn hòa thuận, ấm no, gặp nhiều may mắn.
Rước các báu vật về nhà cố đạo mới.
Cụ Lê Khắc Tùng không nhớ nổi đã có mấy chục đời cố đạo ở Phú Hòa, nhưng được làm cố đạo là niềm tự hào, trọng trách cao cả. Cụ Kim Quỳ vừa nhận chức cố đạo năm 2011 vui mừng cho biết: “Tôi đã linh cảm từ năm ngoái rồi, cây cối trong vườn tự nhiên tươi tốt, sức khỏe dồi dào, tôi cho con cháu đào ao thả cá, làm nương. Được giữ báu vật vua ban là trọng trách to lớn. Ngoài việc hương khói quanh năm, bản thân phải sống cho trọn với sự tin cậy của các vương thần”.
Cụ Quỳ kể: “Thời Pháp thuộc, con cháu trong nhà một cố đạo nọ trộm voi vàng đưa sang Lào đổi lấy 10 con trâu. Trên đường về, người đó bị trâu húc chết. Người con thứ phát điên, về nhà giết cả vợ lẫn con. Nghe tin dữ, một người dân nước Lào đã đem voi vàng sang trả lại. Bởi thế, những năm 1990, có nhiều tay trùm đồ cổ đến gạ đổi 2,5 tấn gạo để lấy cặp bảo kiếm nhưng đều bị dân làng đuổi đi. Đề phòng mất cắp, có cố đạo còn khoét rỗng cột nhà để cất giấu báu vật. Thời kỳ khó khăn, dù nhà rất nghèo, phải ăn mít xanh, củ chuối luộc thay cơm nhưng các cố đạo vẫn một lòng, một dạ kiên quyết không bán đổi các báu vật của làng. Qua nhiều biến cố lịch sử, các báu vật vẫn được dân làng Phú Hòa giữ gìn nguyên vẹn”.
Chúng tôi may mắn được chứng kiến lễ bàn giao báu vật giữa hai cố đạo. Trước ban thờ tiên linh, nguyên cố đạo Trần Nguyên Nhung khảng khái: “Chúng tôi đây một mái nhà tranh, một lòng thành nâng niu các báu vật của tiên triều để lại. Bảo vệ báu vật của vua là bảo vệ tín vật của cả giang sơn đất nước. Dân làng Phú Hòa tự hào và không quên ơn vua, ơn nước nhà”.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành chức năng, đền Trầm Lâm, đền Sơn Phòng Hàm Nghi đã được công nhận là quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia. Câu chuyện về nhân dân làng Phú Hòa dù nghèo nhưng vẫn một lòng, một dạ bảo vệ báu vật vua ban đã lan truyền khắp nơi, trở thành hình ảnh đẹp về tấm lòng với tiền nhân, với vốn văn hóa của dân tộc.
Duy Phong – Phạm Kiên
KTNT