Thể thao

Văn Quyết và Công Phượng, ai hơn ai trong chiếc áo số 10?

Cùng khoác áo số 10 ở đội bóng mà mình đầu quân, cùng chơi ở vị trí giống nhau khi khoác áo đội tuyển, Văn Quyết và Công Phượng sẽ cạnh tranh suất đá chính trong đội hình tuyển Olympic Việt Nam trong những ngày tới đây.

Chiếc áo số 10 ở đa số các đội bóng, theo truyền thống, thường là linh hồn trên hàng tấn công của các đội bóng đấy. Vai trò của Văn Quyết và Công Phượng ở CLB cũng vậy: Luôn được đặt nhiều kỳ vọng, luôn được tập trung nhiều bóng và được ưu tiên đá các quả phạt đền, để giải quyết thế khó khăn cho toàn đội.

Nhưng khi cùng lên tuyển, thường chỉ 1 trong 2 nhận suất đá chính. Do vai trò khá giống nhau và chơi ở vị trí tương tự nhau, nên các HLV thường chỉ sử dụng hoặc Văn Quyết, hoặc Công Phượng trên hàng tiền đạo.

Có thời đội tuyển Việt Nam khiêng cưỡng dùng cả Văn Quyết lẫn Công Phượng cùng lúc, nhưng đấy cũng là thời điểm mà đội chơi không tốt, thành tích không như ý, do 2 cầu thủ nói trên đá quá gần nhau và dễ giẫm chân nhau khi đội tấn công.

Văn Quyết hiện đang có phong độ tốt (ảnh: Gia Hưng)

Trước thềm Asiad 2018 và có thể là cả ở AFF Cup năm nay, HLV Park Hang Seo sẽ phải giái quyết bài toán giữa Văn Quyết và Công Phượng.

Văn Quyết hiện có ưu thế hơn nhờ giàu kinh nghiệm hơn, ổn định hơn trong nhiều mùa giải liên tiếp, nhưng Công Phượng cũng có ưu thế của riêng Công Phượng, ở khả năng gây đột biến và đôi khi có thể bùng nổ bằng các pha ghi bàn ở tư thế khó.

Điểm mạnh của cả 2 là kỹ thuật, khả năng đi bóng thu hút hậu vệ, còn điểm yếu chung là khả năng hỗ trợ phòng ngự kém. Thành ra, nếu dùng cả hai người cùng lúc, sẽ phải hy sinh một cầu thủ thiên về phòng ngự, và đội tuyển Olympic Việt Nam sẽ giảm đi khả năng phòng ngự từ xa.

Văn Quyết đang ở đội tuổi đẹp nhất của đời cầu thủ (năm nay 27 tuổi), nên phong độ ổn định và sự nghiệp đang ở vào giai đoạn thăng hoa cũng là điều đương nhiên.

Sử dụng Văn Quyết, các HLV sẽ khỏi lo về chuyện phong độ của cầu thủ này thất thường, bởi Văn Quyết hiếm khi chơi dở trong màu áo ở cả CLB cho đến đội tuyển quốc gia.

HLV Park Hang Seo sẽ có những tính toán phù hợp về nhân sự cho đội tuyển Olympic Việt Nam (ảnh: Gia Hưng)

Đấy là điểm yếu của Công Phượng. Cách chơi của Công Phượng đôi lúc phụ thuộc vào tâm lý. Khi anh có phong độ cao, anh rất nguy hiểm, nhưng khi cầu thủ này… mất hứng, Công Phượng như người thừa trên sânn. So về mặt phong độ, Công Phượng lúc trồi lúc sụt rất khó đoán.

Trường hợp của Công Phượng và Văn Quyết tương tự như những gì từng xảy ra với 2 ngôi sao nổi tiếng Totti và Del Piero của đội tuyển Italia tại World Cup 2006.

So sánh về chuyên môn giữa 2 ngôi sao người Italia với 2 cầu thủ của bóng đá Việt Nam dĩ nhiên rất khập khiễng, nhưng tính chất lại giống nhau ở chỗ ngày đấy Totti và Del Piero chơi ở vị trí gần giống nhau, và HLV Lippi chỉ có thể dùng 1 trong 2 người ở từng trận đấu.

Ông Lippi khi đó sử dụng cầu thủ có phong độ ổn định hơn (ở thời điểm giải đấu diễn ra) là Totti trong đội hình chính thức, nhưng Del Piero mới người ghi bàn ấn định chiến thắng 2-0 cho Italia trước Đức ở bán kết World Cup 2006.

Tức là giữa Công Phượng và Văn Quyết, ai đá chính, ai dự bị cũng không thể nói người dự là người vô ích với đội tuyển Olympic Việt Nam.

Có thể người đá chính sẽ là người ổn định hơn, nhưng biết đâu người tạo ra đột biến lại là người bắt đầu từng trận đấu từ băng ghế dự bị, khi đối phương ít chú ý đến cầu thủ dạng này.

Cũng thành ra, nếu Công Phượng có dự bị cho Văn Quyết, cũng đừng vội bảo rằng Công Phượng sẽ không đóng góp gì cho đội bóng của HLV Park Hang Seo. Và ngược lại, bản thân Công Phượng cũng nên kiên nhẫn nếu không lấy được chỗ chính thức.

Mỗi HLV khi lựa chọn đội hình tham dự các giải đấu lớn, ông ta đều thấy điểm có ích nơi người được chọn, đồng biết thời điểm thích hợp để dùng cầu thủ được chọn đấy. Vấn đề là sử dụng nhân sự vào lúc nào và trước đối thủ như thế nào!

Tác giả: Kim Điền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP