Một phần khu đất đã được giao cho Tập đoàn khách sạn Mường Thanh làm dự án – Ảnh: Nguyên Dũng |
Ngày 15.11.2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho Công ty cổ phần Đa Quốc Gia (Công ty ĐQG, trụ sở tại Hà Nội) thuê 126.535 m2 đất tại xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh với thời hạn 50 năm, sau đó được Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế Vũng Áng cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án 24h Non stop city (xây dựng siêu thị, văn phòng) với tổng vốn đầu tư hơn 138 tỉ đồng. Ngày 24.2.2009, BQL Khu kinh tế Vũng Áng cấp giấy chứng nhận điều chỉnh, đồng ý cho Công ty ĐQG điều chỉnh dự án, nâng tổng vốn đầu tư lên gần 700 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp này đang xây dựng kè móng, san lấp mặt bằng, trạm dừng xe và thời hạn đầu tư đang còn hiệu lực thì ngày 20.4.2011, BQL Khu kinh tế Vũng Áng lại ra quyết định thu hồi giấy phép đầu tư. 7 ngày sau, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi khu “đất vàng” đã cấp với lý do Công ty ĐQG vi phạm Luật Đất đai, căn cứ vào khoản 12, điều 38, Luật Đất đai 2003 vì không sử dụng trong thời hạn quy định.
Tuy nhiên, theo ông Võ Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty ĐQG, căn cứ này là không đúng vì sau khi nhận đất, công ty đã xây dựng một số hạng mục như san lấp mặt bằng, kè móng… Công văn số 601 ngày 23.6.2008 của Sở TN-MT Hà Tĩnh sau khi kiểm tra dự án cũng khẳng định công ty này chấp hành đúng thời gian qui định. “Chúng tôi khẳng định không có việc sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư”, ông Dũng nói.
Bồi thường mà không lập hội đồng định giá
Sau quyết định thu hồi đất, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho Sở Tài chính chủ trì việc xác định giá trị tài sản và chi phí khác mà Công ty ĐQG đã đầu tư trên khu đất này. Ngày 11.11.2013, dù UBND tỉnh Hà Tĩnh không thành lập hội đồng định giá theo quy định của điều 35, Nghị định 181/2004 của Chính phủ nhưng cơ quan này vẫn ra quyết định phê duyệt giá trị tài sản và các chi phí mà Công ty ĐQG đã đầu tư trên khu đất bị thu hồi.
Theo đó, UBND tỉnh bồi thường cho Công ty ĐQG tổng số tiền hơn 18,5 tỉ đồng. Theo ông Võ Trí Dũng, số tiền này quá ít ỏi, gây thiệt hại rất lớn cho công ty. Cũng theo ông Dũng, khu đất hiện đã giao cho hai doanh nghiệp khác là Tập đoàn khách sạn Mường Thanh và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn một cách “bất thường”, khiến các tài sản mà Công ty ĐQG đã đầu tư không còn nguyên hiện trạng. Ông Dũng cũng cho biết, đơn vị đã nhiều lần kêu oan nhưng chưa có kết quả và công ty này có thể sẽ phải khởi kiện UBND tỉnh Hà Tĩnh ra tòa.
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh, số tiền hơn 18,5 tỉ đồng mà UBND tỉnh bồi thường cho Công ty ĐQG sau khi thu hồi đất tại dự án này là chính xác, khách quan. Ông Bình cho rằng, hội đồng định giá (chỉ do Sở Tài chính thành lập) đã căn cứ những tài sản hữu hình (tức là tài sản trên đất), còn tài sản vô hình thì không xem xét vì đó không có trong các quy định để bồi thường.
Trong khi đó, ông Ngô Đình Vân, Phó trưởng BQL Khu kinh tế Vũng Áng (nay là BQL Khu kinh tế Hà Tĩnh) cho rằng, Công ty ĐQG thực hiện dự án chậm tiến độ, không thực hiện đúng cam kết ghi trong giấy chứng nhận đầu tư của dự án. Ông Vân cũng cho rằng, việc thu hồi và cấp khu đất kể trên cho Tập đoàn khách sạn Mường Thanh và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn là việc bình thường và “không có chuyện mờ ám, khuất tất”.
Nguyên Dũng – Khánh Hoan/ (Thanh Niên)