Trong nước

Tuyên chiến với “ma men” công sở

Từ nhiều năm qua, một số tỉnh, thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng cán bộ bê tha, nhậu nhẹt trong giờ làm việc. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không thuyên giảm.

Mới đây nhất, một Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã bị kỷ luật vì… nhiều lần say sưa, lơ là nhiệm vụ. Có lẽ, đã đến lúc cần đưa thêm những chế tài, giải pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tình trạng “ma men” chốn công sở…


Chủ tịch xã chết vì… rượu


Nhớ lại chuyện này, ông Lương Văn Bường – Phó ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Khoảng giữa năm 2011, lúc đó tôi đang giữ chức Chủ tịch UBND huyện vùng cao biên giới Mường Lát, đã chứng kiến cảnh một đồng chí Chủ tịch UBND xã chết vì rượu. Đó là đồng chí Lương Chí P – Chủ tịch UBND xã Tam Chung.


Hôm ấy, ông P đi mời đám cưới cho con trai. Vì là Chủ tịch UBND xã, nên ông cũng có nhiều mối quan hệ và bạn bè nên uống khá nhiều rượu. Trên đường ông P về nhà, khi đi qua cầu treo bản Lát, do say quá không làm chủ được nên trượt cả xe lẫn người xuống sông Mã và tử vong”.


Đó là chuyện cách đây hơn 2 năm. Còn thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có nhiều biện pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của cán bộ công chức, viên chức.


Trong năm 2012, Sở Nội vụ Hà Tĩnh kiểm tra việc thực hiện chỉ thị tại 127 đơn vị ở các sở, ban ngành, huyện, xã. Qua đó đã phát hiện 17 cá nhân (thuộc 7 đơn vị) và 4 tập thể vi phạm. Trong đó, UBND xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) trong ngày 23.3.2012, cán bộ, công chức bỏ công sở đi ăn giỗ tại nhà chủ tịch UBND xã.

Tuy nhiên việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng đi làm muộn, về sớm hơn thời gian quy định. Đặc biệt, một số cán bộ, công chức còn làm việc riêng trong giờ làm việc, uống rượu bia trước khi đến cơ quan… Trước tình trạng đó, ngày 15.4, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 875 – QĐ/TU yêu cầu cán bộ, đảng viên không được uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa ngày làm việc, kể cả tiếp khách buổi trưa.


Nhận thấy vấn nạn nhậu nhẹt ảnh hưởng lớn đến công việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã nhanh chóng ra chỉ thị cấm cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang không đi quán ăn sáng, uống cà phê; không sử dụng rượu bia trong giờ hành chính, buổi trưa trong các ngày làm việc…


Về chỉ thị này, bà Phan Thị Tố Hoa – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh chia sẻ: Thực trạng nhiều cán bộ, công chức viên chức của tỉnh vi phạm các quy định như đi muộn, về sớm phần lớn là do uống rượu bia hoặc ngồi quán cà phê. Không ít cán bộ cơ sở uống rượu bia suốt ngày, dẫn đến hành vi ứng xử và phát ngôn thiếu văn hóa.


Bữa trưa công sở không rượu bia


Theo ông Lê Minh Trung – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, UBND thành phố Cao Lãnh vừa yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Cao Lãnh trong việc quản lý viên chức để xảy ra tình trạng uống rượu và đánh nhau trong giờ làm việc tại trụ sở.


Được biết trước đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Cao Lãnh đã tổ chức họp kiểm điểm và thống nhất kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với viên chức Trần Ngọc Thuận vì đã uống rượu và đánh đồng nghiệp. “Tỉnh Đồng Tháp đã cấm cán bộ, công chức uống rượu bia vào buổi trưa các ngày làm việc. Vụ ông Trần Ngọc Thuận nhậu say ở nơi làm việc, sau đó lại đánh đồng nghiệp cần phải xử lý nghiêm. Trường hợp ông Thuận nhậu buổi trưa và “bị lộ” là do đánh nhau, nếu không cũng khó phát hiện” – ông Trung nói.


Nữ Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (NGHỆ AN): “Tiếp khách cũng là công việc” (?!)

Bà Cụt Thị Nguyệt – người vừa bị kiểm điểm về mặt Đảng do uống rượu say – chia sẻ: “Tôi cũng chẳng ham gì bia rượu, uống vào nhiều chỉ có thêm bệnh tật. Nhưng ở vị trí này, tiếp khách cũng là công việc. Trong cuộc vui có thể uống vài chén rượu…”.


Còn với Thanh Hóa, sau khi Tỉnh ủy ban hành Quyết định 875, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành chức năng, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn yêu cầu chấn chỉnh cán bộ công chức, viên chức đi làm muộn, về sớm, uống rượu, bia trước khi đến cơ quan.


Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị người dân nếu phát hiện trường hợp vi phạm, thì cung cấp thông tin theo số điện thoại đường dây nóng (0912395039 và 0913293953) hoặc gửi thư điện tử ([email protected]) để Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo quy định. Theo lãnh đạo tỉnh này, sau khi có các “động tác” nói trên, dù chưa có thống kê chính thức nhưng tình trạng cán bộ, công chức nhậu nhẹt trong giờ làm việc đã giảm hẳn…


Trở lại câu chuyện của tỉnh Hà Tĩnh, như đã đề cập, nhận thấy những ảnh hưởng xấu từ ma men gây ra, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, chỉ thị yêu cầu cán bộ “nói không với rượu bia” trong các ngày làm việc. Năm 2011, Tỉnh ủy Hà Tĩnh sơ kết về việc này cho thấy tại các cơ quan từ tỉnh đến huyện, xã đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể bữa ăn trưa ở các cơ quan nhà nước, hội nghị, tổng kết trên bàn ăn đã vắng bóng rượu, bia. Trong năm 2011, một phó chủ tịch thuộc huyện Hương Sơn bị phê bình do uống rượu sau khi đi chỉ đạo chống bão lụt về.


Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Cù Huy Cẩm- Trưởng phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết: Đến nay, tại các cơ quan đơn vị từ các sở, ban ngành xuống huyện, xã đều có thông báo số đường dây nóng để nhân dân phát giác cán bộ vi phạm.


Hàng tháng, tổ công tác kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ luật kỷ cương hành chính, trong 4 tháng đầu năm 2013, đoàn đã kiểm tra tại 6 đơn vị sở, ngành và 7 huyện thị, 31 xã thị trấn. Qua đợt kiểm tra cho thấy ở một số đơn vị cấp xã cán bộ vẫn chưa thực hiện nghiêm, như ở UBND xã Tùng Lộc (Can Lộc) lúc 14 giờ ngày 28.2, chỉ có 3 cán bộ đến trụ sở làm việc, còn tại trụ sở thị trấn Thạch Hà (Thạch Hà) lúc 13 giờ 45 ngày 8.3, chỉ có 2 công chức đến làm việc…


Dân Việt

  Từ khóa: tuyên chiến , Công sở , Cán bộ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP