Theo báo cáo mới đây của hãng dịch vụ nghiên cứu tài chính UBS, công nghệ cần thiết để vận hành máy bay không người lái có thể ra mắt vào năm 2025. Những tiến bộ khoa học vượt bậc từ năm 2030 có thể giúp máy bay trực thăng, chuyên cơ riêng và cuối cùng là máy bay thương mại hoạt động mà không cần có phi công. Nhờ đó, ngành hàng không có thể tiết kiệm được 35 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, công nghệ mới này nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với thách thức. UBS đã thực hiện một cuộc khảo sát ý kiến của 8.000 người. Trong đó, 54% người được hỏi không đồng ý, chỉ 17% người từ Mỹ, Anh, Pháp và Australia sẵn sàng đi máy bay không người lái.
Ngoài ra, các hiệp hội phi công cũng có thể phản đối sự thay đổi này. Bởi vì, luật hàng không ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định phải có "bốn mắt" trong buồng lái.
Theo đó, mỗi chuyến bay đều có hai phi công điều khiển. Nếu một trong hai người cần nghỉ ngơi, một thành viên khác của phi hành đoàn sẽ phải ngồi thay vị trí của phi công này.
Ngành hàng không có thể tiết kiệm 35 tỷ USD mỗi năm nhờ máy bay không người lái. |
Hiện tại, các chuyến bay thương mại hạ cánh nhờ sự hỗ trợ của máy tính, phi công hầu như chỉ phải điều khiển một vài phút trong quá trình này. Tuy nhiên, các máy bay không tự bay hoàn toàn khi ở chế độ tự lái. Phi công phải liên tục theo dõi, điều chỉnh hệ thống dẫn đường, liên lạc với kiểm soát không lưu và chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo của chuyến bay...
Các chuyên gia tại UBS nhận định quá trình chuyển đổi sang máy bay không người lái sẽ mất nhiều năm nữa. Các máy bay chở hàng có thể là những phi cơ đầu tiên được áp dụng công nghệ mới, cuối cùng là máy bay thương mại. Số lượng phi công trên mỗi chuyến bay cũng có thể được cắt giảm dần trong thời gian thực hiện chuyển đổi này.
Thay đổi này sẽ giúp ngành hàng không tiết kiệm được một số tiền khổng lồ. Các hãng hàng không thường sử dụng 10 phi công cho mỗi máy bay. Nếu con số này được giảm, chi phi đào tạo, tiền lương và các chi phí khác cũng sẽ giảm. Đồng thời, các hãng hàng không cũng tránh khỏi nỗi lo thiếu hụt phi công trong tương lai.
Theo một dự báo hàng năm của Boeing công bố tháng trước, các hãng bay chở hàng và thương mại trên thế giới dự kiến sẽ mua thêm 41.000 máy bay từ năm 2017 đến năm 2036. Nghĩa là họ sẽ cần phải tìm và huấn luyện 637.000 phi công mới.
Các hãng hàng không đang phát triển nhanh tại Trung Đông và Trung Quốc đang trả lương hậu hĩnh để thu hút thêm phi công. Trong khi đó, lương phi công tại Mỹ cũng đang tăng.
UBS cho rằng việc chuyển sang máy bay không người lái sẽ tăng lợi nhuận của ngành hàng không. Ngoài ra, chi phí tiết kiệm được sẽ chuyển sang cho hành khách, giá vé có thể rẻ hơn 11% tại Mỹ.
Tác giả: Anh Tú (theo CNN)
Nguồn tin: Báo VnExpress