Pháp luật

Tử thi 3 người trong gia đình ở Thủ Đức có chất độc

Công an Phòng Kỹ thuật hình sự trực tiếp khám nghiệm hiện trường thông tin nhiều tình tiết bất ngờ về cái chết của ba người trong một gia đình ở Thủ Đức.

Hơn một tuần đã trôi qua nhưng vụ án ba người tử vong trong căn nhà ở Thủ Đức vẫn gây xôn xao dư luận. Căn nhà trong con hẻm nhỏ giờ đây tĩnh lặng, ba người trong căn nhà ấy đã vĩnh viễn chẳng trở về.

“Xài cục gạch lấy gì mà đầu tư tiền ảo!”

Thắt lòng trong tang lễ ba người tử vong trong nhà ở Thủ Đức. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Nhớ lại giây phút tang thương ấy, người nhà vẫn không khỏi thẫn thờ: “Hai mẹ con nó lúc đó vẫn nằm trong mùng, cạnh thằng bé còn có con gấu, giống như hai mẹ con nó đang ngủ…”.

Ngay trong ngày phát hiện sự việc (12-12), trên mạng xã hội đưa thông tin: “Gia đình 3 người treo cổ tự tử tại Sài Gòn vì sập sàn bitcoin”. Các trang mạng xã hội còn thêu dệt: “Tại hiện trường vụ án, cơ quan điều tra phát hiện một máy tính xách tay vẫn đang hoạt động. Trong máy tính xách tay có truy cập một số trang web giao dịch tiền ảo, trong đó có Nice Hash, một sàn giao dịch bitcoin lớn vừa bị hack cách đây ít ngày. Bước đầu cơ quan điều tra suy đoán nguyên nhân vụ việc có thể do đầu tư vào tiền ảo thua lỗ nên lâm vào bế tắc. Cả gia đình quyết định tự tử”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, người nhà phản bác ngay: “Trời, nó đi làm thợ, vợ nó bán súp cua. Hai vợ chồng nó xài điện thoại cục gạch, biết gì mà đầu tư tiền ảo. Người ta đồn bậy! Gia đình nó giờ vậy rồi mà cũng không được yên nữa”.

Chúng tôi đã mang câu chuyện này kể lại với lãnh đạo và cán bộ tham gia khám nghiệm hiện trường vụ án, mong có một câu trả lời rõ ràng để yên lòng người đã khuất và thân nhân của họ.

Đây là vụ tự tử

Nhớ lại vụ việc ngày hôm đó, một cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an TP.HCM) trực tiếp khám nghiệm hiện trường không khỏi ngậm ngùi: “Chúng tôi tới hiện trường khoảng 11 giờ 30 đến 2 giờ chiều thì xong. Hiện trường vụ án đặc biệt ở chỗ: Ba căn nhà của ba anh em chung trong một khuôn viên, cùng một lối ra vào".

Máy tính bảng cài mật khẩu không thể mở xem.

Qua giải phẫu, khám nghiệm tử thi xác định người chồng tự tử (treo cổ), chết do bị ngạt. Khi khám nghiệm, trên người không có dấu vết ngoại lực tác động, cơ thể sạch, không có vết thương.

Căn nhà bị khóa trong, hiện trường không có sự xô xát, không có người ngoài can thiệp tác động. Kết quả giải phẫu tử thi cho thấy có vết bầm tụ máu dưới vết hằn chứng tỏ không phải nạn nhân chết rồi mới bị treo lên.
Về vấn đề thông tin mạng xã hội đồn thổi, vị lãnh đạo và cán bộ khám nghiệm hiện trường khẳng định thông tin này là sai. “Máy tính bảng cài mật khẩu, đâu mở được xem bên trong có gì mà nói do sập sàn bitcoin rồi tự tử”.

Công an quận Thủ Đức cũng khẳng định chuyện gia đình này tham gia vào sàn bitcoin dẫn đến nợ nần, tự tử như một số thông tin trên mạng là bịa đặt.

“Giải phẫu tử thi người vợ và cậu con trai, ngoài chất độc có trong cơ thể còn có vết hằn do bị siết cổ. Khả năng thời điểm mẹ con bà L. uống thuốc chưa tử vong, ông L. có tác động dẫn đến cái chết thương tâm của hai người này. Vết hằn do treo cổ và siết cổ sẽ để lại những dấu vết khác nhau” - nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho hay.

Khả năng quẫn bách vì nợ nần

Cơ quan điều tra nhận định vụ ba người tử vong trong căn nhà này khả năng là do nợ nần, chưa có khả năng chi trả nên người chồng đã giết vợ con rồi tự tử. Nói về vấn đề này, lãnh đạo Đội khám nghiệm hiện trường Phòng Kỹ thuật hình sự cho biết không thể trả lời, kết quả chính thức phải đợi kết luận từ cơ quan điều tra.

Tuy nhiên trong công tác khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng có phát hiện giấy nợ hơn 10 triệu đồng trong túi người chồng.

“Khi túng quẫn, bế tắc người ta thường có suy nghĩ tiêu cực, tìm cái chết để giải thoát. Cách đây hơn hai năm, có một trường hợp thương tâm, người đàn ông nợ mấy trăm triệu đồng nên quyết định tự sát. Thực tế ông này có khoản tiền tiết kiệm để lại nhưng nếu lấy ra cũng không đủ trả nợ, rồi lo lắng vợ con mình sau này ai chăm, con cái làm sao tiếp tục đi học nên ông quyết định tự tử, viết thư lại cho vợ con nói về món tiền tiết kiệm, dặn dò…" - vị này kể.

Cách đây hơn một năm, cũng có trường hợp nạn nhân là người lao động nước ngoài, tự tử do áp lực công việc. "Công ty anh này có ý định đưa anh ta về nước. Sợ thất nghiệp, sợ bị bạn bè đánh giá nên anh quyết định nhảy lầu tự tử. Nhiều lý do lắm: áp lực, lo lắng, nợ nần, tình cảm… Người chết là hết nhưng những người ở lại, nỗi đau không bao giờ nguôi” - vị cán bộ trầm ngâm.

Tác giả: NGUYỄN TRÀ

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP