Họ Nguyễn ở Đỉnh Lự là một trong những dòng họ lớn, có từ lâu đời. Gia phả họ Nguyễn ghi rằng, vào thời kỳ xảy ra chiến tranh Trịnh – Nguyễn, vào khoảng giữa thế kỷ XVI, ông Nguyễn Phúc Đối đến làng Thót Mót, đất Mỹ Ca, Đỉnh Lự để cư trú, làm ăn sinh sống và gây dựng nên cơ đồ cho dòng họ Nguyễn. Từ thủy Tổ Nguyễn Phúc Đối đến nay đã hơn 400 năm, họ Nguyễn đã phát triển đến đời thứ 14 với nhiều cửa, nhánh và nhiều chi, với hàng ngàn con cháu, chắt, sống, lao động ở quê nhà và sinh sống, làm việc khắp mọi miền đất nước và nhiều nơi ở nước ngoài.
Đại diện lãnh đạo huyện Lộc Hà tham quan tủ sách gia đình Cố Khang. |
Cố Khang là ông tổ một chi của họ Nguyễn nói trên. Cố vốn xuất thân nghèo khó, thất học, không biết chữ nhưng luôn tâm niệm “Nếu không được học hành thì không thể mở mang được trí khôn, không thể giúp ích cho gia đình và xã hội”. Vì vậy, dù sống trong hoàn cảnh xã hội phong kiến lạc hậu nhưng cố luôn lo lắng chuyện học hành cho con cháu. Các con đều được cố bỏ tiền mời thầy về nhà dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ rồi đi thi và trở thành những trí thức làng xã. Sau này, đến đời cháu, cố cũng cho đi học ở Quốc học Vinh, trường Khải Định ở Huế, trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng v.v… Nhờ sự khuyến học của cố mà các đời con cháu của chi cố Khang, nhiều người đỗ đạt, thành tài, có thể sánh với các nhà trí thức, văn hóa ở các vùng miền khác, giúp ích cho đất nước.
Ngay trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, gia đình cố Khang cũng đã tạo lập được một tủ sách với hàng trăm đầu sách và các loại báo chí để con cháu học tập, duy trì và phát huy trí tuệ. Trải qua nhiều giai đoạn của cuộc sống, tuy tủ sách gia đình không còn nhưng con cháu dòng họ Nguyễn chi cố Khang ở Đỉnh Lự vẫn giữ truyền thống chăm chỉ đọc sách. Nhờ đó, các tủ sách gia đình ngày một nhiều. Trên cơ sở đó, con cháu trong chi họ quyết định thành lập “Tủ sách dòng họ”. Anh Nguyễn Ngọc Hùng – một người cháu trong họ cho biết: “Hiện nay, tủ sách của chúng tôi đã tập hợp được gần 1.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực. Và, việc hôm nay chúng tôi tổ chức ra mắt tủ sách này nhằm mục đích tạo một nét đẹp văn hóa cho quê hương, đồng thời khuyến khích con cháu chăm chỉ đọc sách để trau dồi kiến thức”.
Tủ sách dòng họ của con cháu cố Khang tại Đỉnh Lự hoạt động với tiêu chí phục vụ không chỉ người trong họ tộc mà cho cả bà con lối xóm. Tủ sách cũng động viên, khuyến khích tinh thần đóng góp của con cháu nhằm nâng tổng số đầu sách ngày một nhiều hơn và nếu có thể thì sẽ phát triển thành một thư viện dòng họ. Nhân dịp này, Thư viện tỉnh cũng đã tặng tủ sách dòng họ chi cố Khang 29 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực với hy vọng văn hóa đọc sẽ phát triển hơn nữa ở vùng quê Tân Lộc.
Tủ sách hay thư viện dòng họ vốn là một nét đẹp văn hóa có truyền thống từ xưa ở Hà Tĩnh, nhằm giúp con người tiếp cận với những chân trời tri thức. Trong khi giới trẻ đang ngày một xa rời văn hóa đọc thì việc thành lập các tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ là việc làm ý nghĩa, thiết thực, cần được khuyến khích.
Tuệ Mẫn