Du lịch

Từ ký ức dòng họ ở Hà Tĩnh tới Di sản thế giới

Năm 2018, “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được ghi danh là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau 3 năm, công trình này tiếp tục được lập hồ sơ đề cử là Di sản tư liệu thế giới.

Tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản về việc đề cử “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là Di sản tư liệu thế giới.

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới về việc đề cử “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là Di sản tư liệu thế giới.

Công trình văn hóa này thuộc dòng họ Nguyễn Huy, xã Trường Lộc (Can Lộc) - là tập bản đồ ghi chép lại hành trình đi sứ Trung Hoa năm 1765 - 1768 của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.

“Sứ trình đồ” sớm nhất

Theo Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, “Hoàng Hoa sứ trình đồ” thuộc về dòng họ Nguyễn Huy, được sao chép lại từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.

Công trình được vẽ bằng 3 loại màu với nội dung chính: Bản đồ về hành trình đi sứ từ biên giới Việt - Trung qua các châu, phủ, dịch trạm tới điểm cuối là huyện Tân Thành, Bắc Kinh. Ghi chú về quá trình đi sứ: Thời gian và địa điểm qua các nơi dừng nghỉ theo lộ trình thủy bộ chiều đi và chiều về, ngày lưu trú và các hoạt động của đoàn sứ bộ; chiều dài của mỗi dịch trạm, toàn bộ đường thủy bộ đi sứ.

Cấu trúc, thời gian xây các cửa cung của Yên Kinh cùng các ghi chép tỉ mỉ về địa hình sông núi, phong cảnh, con người và nghi lễ ngoại giao khi qua các địa phương.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Thanh Tùng (Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), trong số những công trình “trứ thuật” của Nguyễn Huy Oánh thì “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là công trình quan trọng nhất.

Đồng thời, cũng là một “sứ trình đồ” sớm nhất hiện còn, mở đầu cho hàng loạt cuốn “sứ trình đồ” sau này như: “Hoàng Hoa đồ phả” (Ngô Thì Nhậm, đời Tây Sơn), “Sứ trình quát yếu biên” (Lý Văn Phức, năm 1841), “Như Thanh đồ” (Phạm Văn Trữ, năm 1882), “Yên sứ trình đồ” (Nguyễn Khắc Hoạt, năm 1876)...

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” gồm 7 phần: “Hoàng Hoa dịch lộ đồ thuyết” (Thuyết minh về bản đồ đường đi và trạm dịch trên đường đi sứ) có chép chữ “hiệu tập” cho thấy công của Nguyễn Huy Oánh ở đây là “hiệu chỉnh”, “biên tập” tức căn cứ trên cái đã có mà gia công biên tập, sửa chữa.

Phần 2 “Lưỡng kinh trình lộ ca” (Bài ca về hành trình từ Nam Kinh đến Bắc Kinh), Phần 3 “Sứ trình bị khảo” (Khảo luận đầy đủ về hành trình đi sứ). Phần 4 “Quốc tự thần kinh tiến hành lục lộ” (Đường bộ từ kinh đô lên đường). Phần 5 Đồ bản: Từ trấn Nam Quan đến Bắc Kinh. Phần 7 Kinh thành (Bắc Kinh), ghi chép về thành Bắc Kinh, Trung Quốc.

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” thể hiện tài năng của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh trên tất cả các lĩnh vực lịch sử, địa lý, chính trị, ngoại giao và thơ ca. Trong đó, phần “Lưỡng kinh trình lộ ca” tuy không phải là phần chính nhưng lại đậm dấu ấn cá nhân.

Phần này gồm 26 câu thơ thất ngôn chữ Hán, viết khái quát về chặng mà sứ bộ đã đi qua - thể hiện nhãn quan chính trị, tài năng thơ ca, sự tinh tế và nhạy bén trong cảm nhận về thiên nhiên, con người, thời cuộc.

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” là công trình quý hiếm có vẽ bản đồ đi sứ.

Trình đồ duy nhất vẽ bản đồ

Năm 2018, hồ sơ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được bảo vệ thành công tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 8 Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tổ chức tại Hàn Quốc. Đại biểu các nước đánh giá công trình hiếm quý về quan hệ ngoại giao, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc và được thông qua với số phiếu 17/17 phiếu.


Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) đỗ Giải nguyên năm 1732 kỳ thi Hương tại Trường thi Nghệ An. Năm Mậu Thìn (1748), ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (chỉ có một mình ông đỗ Đệ nhất giáp và được xếp ở hàng ba, tức Thám hoa). Sau khi thi đỗ, ông được bổ dụng làm Thị giảng trong phủ chúa Trịnh Doanh, kiêm chức Hàn lâm viện thị chế.

Năm 1750, Nguyễn Huy Oánh làm Hiệp đồng Nghệ An, rồi Đông Các hiệu thư, Thượng bảo tự khanh. Năm 1757, ông được thăng làm Đông Các đại học sĩ. Năm 1759 làm Tri binh phiên, Nội giảng, Tư nghiệp (hiệu phó) Quốc Tử Giám. Năm 1761, ông được ban tam phẩm để tiếp sứ nhà Thanh, năm 1765 làm Chánh sứ đi sứ Trung Quốc.

Năm 1782, Nguyễn Huy Oánh là Thượng thư bộ Công. Mặc dù ở đỉnh cao danh vọng nhưng năm 1783, ông đã viết bài “Từ Tham tụng khải” xin được từ quyền Tham tụng (là quyền điều hành chính sự). Về quê, ông lập ra Thư viện Phúc Giang và mở trường tư.

Ghi nhận tài năng, tâm huyết của Nguyễn Huy Oánh với sự nghiệp giáo dục nước nhà, triều đình đã phong cho ông là “Uyên phổ hoằng dụ đại vương” và sắc phong có ghi trang trọng: “Nối nguồn thơm từ Khổng Tử, rạng dòng tốt bởi núi Ni, lấy văn trồng người mở kế trăm năm”.

Năm 1824, triều Nguyễn đã truy phong cho ông, ghi nhận “Phúc Giang thư viện uyên bác chi thần”. Như vậy, Phúc Giang là thư viện duy nhất trong cả nước có thờ thần (vị thần chủ về học vấn Nguyễn Huy Oánh).

Giáo sư – Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ là người có công khi đưa “Hoàng Hoa sứ trình đồ” vượt lên khuôn khổ ký ức của một dòng họ, hòa nhập với văn hóa thế giới. Theo ông, cuốn sách được Nguyễn Huy Oánh biên soạn từ năm 1766 - 1767 nhưng bị thất lạc 120 năm.

Về sau, người cháu 5 đời của Nguyễn Huy Oánh là Nguyễn Huy Triển (1852 - 1909) đã cất công tìm kiếm. Sau 20 năm, Nguyễn Huy Triển mới tìm được bản gốc và tự tay sao chép lại.

Có thể nói, trên thế giới và cả ở Việt Nam, sách ghi lại quá trình đi sứ rất nhiều nhưng chủ yếu là thơ văn chứ không có bản đồ. Cho đến nay thì “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là cuốn duy nhất có bản đồ đã được phát hiện. Đó cũng chính là điểm đặc biệt để lập hồ sơ đề cử là Di sản tư liệu thế giới.

Tác giả: Trần Hòa

Nguồn tin: Báo GD&TĐ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP