Cuối năm 2007, đang là Ủy viên Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc (TGĐ) TCty Xây dựng Sông Hồng, ông Trịnh Xuân Thanh được đặc cách về Tổng Cty Dầu khí VN (PVN), giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên HĐTV kiêm TGĐ TCty Xây lắp dầu khí VN (PVC) – đơn vị xây lắp duy nhất thuộc PVN. Tại đây, nhờ mối quan hệ thân tín với một lãnh đạo cấp cao ngành dầu khí, PVC dưới sự dẫn dắt của ông Thanh lần lượt được chỉ định thầu nhiều công trình quan trọng trong ngành. Từ tháng 2.2009, ông Trịnh Xuân Thanh được chỉ định làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV PVC, rồi 1 năm sau giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV. Tuy nhiên, dù được ưu ái làm tổng thầu (không qua đấu thầu) nhiều công trình có vốn lớn, cỡ hàng nghìn tỉ đồng/công trình, kể cả những công trình PVC chẳng có tí kinh nghiệm tổng thầu nào như nhiệt điện, nhiên liệu sinh học, xơ sợi… do năng lực yếu và quá tải nên hầu hết các công trình lớn nhỏ đều được PVC pass lại cho các nhà thầu phụ, làm cai đầu dài.
Chính vì vậy, thời kỳ ông Thanh lãnh đạo PVC nhiều công trình, dự án do PVC làm tổng thầu đã để lại một khoản thua lỗ nặng nề mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra đã xác định lên tới 3.298,27 tỉ đồng, thậm chí có thời điểm gần như mất hết vốn nhà nước. Nhiều cá nhân, đơn vị trực thuộc PVC thời kỳ đó làm ăn thua lỗ, có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đã bị khởi tố hình sự như vụ dự án Nam Đàn Plaza hay Cty nhiên liệu sinh học Phú Thọ.
Cuối năm 2013, với khoản lỗ khổng lồ ở PVC, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị lãnh đạo PVN kiểm điểm, ra kết luận không hoàn thành nhiệm vụ và bị cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Cty PVC. Song một phép màu nhiệm đã giúp ông Trịnh Xuân Thanh khi đó không biết “đi đâu, về đâu” lại được Bộ Công Thương đưa về làm Phó Văn phòng bộ, phụ trách Văn phòng đại diện miền Trung của Bộ Công Thương tại Đà Nẵng bằng một quyết định bổ nhiệm. Rồi lần lượt sau đó được lãnh đạo Bộ Công Thương, cụ thể là Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm lên các chức vụ: Phó Chánh Văn phòng phụ trách văn phòng Bộ Công Thương, Vụ trưởng, Trưởng ban Đổi mới sắp xếp doanh nghiệp…và được Bộ Công Thương làm quy trình theo diện cán bộ luân chuyển về làm Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Từ đó, ông Thanh được giới thiệu ứng cử và trúng cử Đại biểu Quốc hội và có nhiều triển vọng leo lên các vị trí cao hơn, nếu sự việc ông này sử dụng biển xe công gắn vào xe cá nhân không bị phát hiện, gây bức xúc dư luận.
Ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: T.L |
Ông Vũ Huy Hoàng phải chịu trách nhiệm vì dung túng, bao che
Ông Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Kết luận 146-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI. Nhưng việc ông Thanh vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu. Đặc biệt, liên quan đến quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu: “Tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Tổng Cty PVC. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương và đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015”. Như vậy là trách nhiệm trong việc buông lỏng, bao che cho sai phạm của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương và đích danh Bí thư Ban Cán sự – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã rõ.
Theo điều tra của phóng viên Báo Lao Động, trong giai đoạn ông Hoàng làm Bí thư Đảng ủy – Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Thanh cũng chỉ là một ví dụ điển hình của việc bổ nhiệm sai nguyên tắc. Hàng loạt trường hợp cán bộ cấp vụ, cấp cục, tổng cục được ông Hoàng bổ nhiệm hoặc chỉ đạo cấp dưới làm quy trình bổ nhiệm nhưng hoàn toàn sai nguyên tắc, không nhận được sự tâm phục, khẩu phục của cán bộ cấp dưới.
Hồng Quân