Giáo dục

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM: 11 giảng viên có bằng tiến sĩ chưa được công nhận

Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa có Kết luận thanh tra số 12/KL-TTr về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của Trường Đại học (ĐH) Tài nguyên và Môi trường TPHCM. Kết luận cho thấy việc tổ chức, quản lý cũng như việc đảm bảo chất lượng của trường còn có những thiếu sót, sai phạm.

Giảng viên có bằng tiến sĩ chưa được công nhận, thiếu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm

Theo kết luận của thanh tra Bộ GD-ĐT, trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM chưa ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường cũng như chưa thành lập Hội đồng trường theo quy định tại Điều 16 của Luật Giáo dục Đại học và Điều 9 Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg. Đặc biệt, qua kiểm tra hồ sơ có 3 cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn đào tạo tiến sĩ theo quy định của Luật Giáo dục Đại học. Như trường hợp ông N.V. K., Trưởng bộ môn Trắc địa địa chính và công trình, ông T.Q.T., Trưởng bộ môn Kỹ thuật địa chất và bà B.T.T, Trưởng bộ môn Khí tượng.

Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM có nhiều thiếu sót, sai phạm

Tại thời điểm thanh tra, đội ngũ giảng viên cơ hữu có 248 người, trong đó có 2 Giáo sư, 11 Phó Giáo sư, 31 Tiến sĩ, 190 Thạc sĩ và 14 Đại học. Ngoài ra, ngành Kỹ thuật cấp thoát nước trình độ Đại học chưa bảo đảm số lượng giảng viên cơ hữu. Thanh tra Bộ GD-ĐT, kiểm tra 44 hồ sơ giảng viên cơ hữu của trường có trình độ Tiến sĩ trở lên thì có tới 11 giảng viên có bằng Tiến sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp từ năm 2008 đến nay chưa được công nhận văn bằng.

Đồng thời, có 39/44 hồ sơ giảng viên chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên dạy Đại học. Số sinh viên chính quy trên một giảng viên quy đổi Khối ngành III và Khối ngành V cao hơn quy định theo Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/2/2018.

Liên kết đào tạo trái quy định

Về liên kết đào tạo, trường được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo 5 chuyên ngành liên thông từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ Đại học. Theo đó, trường đang liên kết đào tạo trình độ Đại học hệ vừa học vừa làm với 3 đơn vị (tổng số 190 học viên) được Bộ GD-ĐT cấp phép là Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tân Bách Khoa (Tây Ninh), Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương và Trường ĐH An Giang.

Tuy nhiên, năm 2017, trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo 1 lớp liên thông từ trình độ trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ Đại học hình thức vừa làm vừa học ngành Quản lý đất đai, đặt lớp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) chưa xin phép Bộ GD-ĐT (số lượng học viên hiện đào tạo 14 người). Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu nhà trường phải rà soát thực tế, đề xuất việc xử lý đối với sinh viên lớp liên thông nói trên, báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 16/7/2018.

Ngoài ra, thanh tra Bộ cũng cho rằng về diện tích sàn xây dựng trực tiếp đào tạo, trường chưa đảm bảo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 quy định về chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục đại học. Hiện trường có 2 cơ sở đào tạo với tổng diện tích đất thuộc sở hữu hơn 6ha, nhưng đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện trường đang thuê địa điểm đào tạo của Trường Dự bị Đại học TP Hồ Chí Minh.

Tháng 11/2017, đoàn đánh giá ngoài đã thực hiện đánh giá tại trường. Kết quả cho thấy, trường chưa đạt yêu cầu kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (có 15/61 tiêu chí chưa đạt). Kiểm tra sổ phát bằng tốt nghiệp Đại học chính quy năm 2016-2017, đoàn thanh tra còn phát hiện, trường đã thực hiện theo đúng quy định, nhưng tại thời điểm thanh tra, trường lại chưa thực hiện việc công bố công khai thông tin về văn bằng.

Với hàng loạt thiếu sót, sai phạm nêu trên, Bộ GD-ĐT kiến nghị, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan.

Tác giả: Lan Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP