Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ThS.BS Phí Duy Tiến, phó giám đốc bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh như nước bọt, ghèn mắt, nước mắt… do dùng chung khăn mặt với người bệnh hoặc tay người nào đó có dính dịch tiết đau mắt đỏ đụng vào mắt người khác; qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi; qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (tay nắm cửa, điện thoại, khăn…); qua nước bị nhiễm khuẩn (ví dụ nước hồ bơi)…
Bởi lây theo đường hô hấp, nên việc một người đau mắt đỏ lây cho cả nhà là rất phổ biến. Do đó, nếu gia đình phải dùng chung một bồn tắm thì nay có người mắc bệnh mỗi người nên tự tắm trực tiếp ở vòi nước với chậu, xô riêng, không dùng bồn tắm chung nữa. Nếu cách ly người bệnh được thì càng tốt. Để tránh lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua tay, qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống… nên cho người bệnh được ăn riêng, uống ly riêng, ngủ riêng. Nên dùng khăn mặt riêng và giặt bằng xà phòng trực tiếp dưới vòi nước (không dùng lavabo hay chậu), phơi khăn ngoài nắng, giữ vệ sinh môi trường trong lành. Những đồ vật như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, điều khiển tivi, quạt… là những vật dễ lây truyền bệnh, vì vậy sau khi chạm vào phải rửa tay bằng xà phòng, tránh đưa tay lên dụi mắt, sờ vào mũi, miệng. Đặc biệt, không dùng chung một lọ thuốc nhỏ mắt cho cả nhà. Rửa tay với xà phòng sát khuẩn là một biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu.
Những người đang bị đau mắt đỏ không nên đến chỗ đông người mà ở nhà nghỉ ngơi để tránh lây lan và để có thời gian nhỏ thuốc. Nếu cần tiếp xúc với những người xung quanh, người bệnh nên đeo khẩu trang để hạn chế nước bọt bắn ra khi nói chuyện, khi ho…
H. Nhung
SGTT