Xung quanh kiến nghị của nhóm phi công Vietnam Airlines về việc, thông tư 41 và 21 của Bộ GTVT quy định “nhân viên hàng không trình độ cao” muốn thôi việc phải báo trước 120 ngày, trong khi bộ luật Lao động quy định “người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước ít nhất 45 ngày”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Bộ xây dựng thông tư 41 căn cứ luật Hàng không và các luật khác. Việc này cũng đã được lấy ý kiến các bộ ngành.
Thông tư 41 căn cứ theo luật Hàng không nói rõ: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của luật này”.
Trong khi, phi công là nghề đặc thù, quy định về hàng không, an toàn bay việc tuyển phi công mới cần nhiều thời gian hơn các ngành khác, nên quy định thời gian báo trước tối thiểu 120 ngày.
Theo Thứ trưởng Thọ, quy định như vậy là phù hợp.
Các hãng hàng không trong nước đang thu hút phi công bằng mức lương |
Nguyên Thứ trưởng LĐTB&XH Phạm Minh Huân, nguyên chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia kể, năm 2014 bản thân ông đã tham gia rất nhiều cuộc họp xây dựng các quy định về quản lý phi công.
Ban đầu Bộ GTVT đề nghị phi công muốn nghỉ việc phải báo trước ít nhất 180 ngày, sau khi bàn bạc mãi mới đi đến thống nhất giảm xuống còn 120 ngày.
Ông Huân giải thích, nếu báo trước 45 ngày thì thời gian quá ngắn, trong khi phi công là loại lao động kỹ thuật nên phải có thời gian dài hơn để hãng bố trí lao động thay thế, đảm bảo an toàn hoạt động bay.
Theo ông Đăng Quang Điều, nguyên Trưởng ban Chính sách, kinh tế xã hội và thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn Lao động VN), phi công là lao động đặc thù nên Chính phủ đưa ra quy định phù hợp hơn là Bộ GTVT. Bởi, thông tư và nghị định phải tuân thủ luật lao động.
Ông Phạm Minh Huân nhìn nhận, bộ luật Lao động và luật Hàng không đang có độ vênh nhau. Điều này cần được xem xét trong lần sửa đổi bộ luật Lao động.
“Khi sửa thì phải dựa theo bộ luật gốc là luật Lao động và phải có quy định đối với lao động đặc thù nghỉ tối thiểu là bao nhiêu ngày. Sửa luật dựa vào thực tế nhưng cũng phải tôn trọng quyền của người lao động”, ông Huân nói.
Vì sao lương phi công Vietnam Airlines thấp?
Ông Huân nhận định, Vietnam Airlines phải bỏ tiền để đào tạo phi công nên họ cần thời gian để thu hồi vốn, không thể ngay lập tức trả lương cao như các hãng khác. Trong khi đó, các hãng hàng không ra sau không bỏ tiền đào tạo phi công, đương nhiên phải trả lương cao mới thu hút được phi công từ hãng khác sang.
Theo Thứ trưởng Thọ, lương cao hay thấp là dựa vào hợp đồng ký kết giữa phi công với hãng. Vietnam Airlines phải bỏ chi phí đào tạo nên lương phi công của Vietnam Airlines và các hãng cũng có quy định đặc thù hơn.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, hợp đồng giữa Vietnam Airlines và phi công là hợp đồng dân sự. Do vậy, các bên đã ký kết thì phải thực hiện. Trường hợp nếu tranh chấp không giải quyết được bằng hòa giải thì đưa ra tòa. Điều này không có gì phải bàn cãi.
Ngoài ra, Vietnam Airlines còn thực hiện một số nhiệm vụ chính trị, như các chuyến bay chuyên cơ, bay về vùng sâu, vùng xa mà các hãng hàng không giá rẻ không thực hiện.
Để đảm bảo an toàn hàng không, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không nắm bắt tình hình, có giải pháp ổn định tinh thần, tư tưởng cho toàn bộ phi công.
“Chúng tôi sẽ lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cán bộ nhân viên ngành hàng không để xem xét lại quy định, chỉnh sửa nếu có bất cập”, ông Thọ nói.
Thứ trưởng Thọ cho rằng, có sự cạnh tranh về lương phi công thời gian qua là do thị trường lao động phi công cầu đang vượt cung. Để thu hút phi công các hãng đã đưa ra chính sách tiền lương để cạnh tranh. Điều này đang gây thiệt hại cho các hãng hàng không nội địa.
Tác giả: Vũ Điệp
Nguồn tin: Báo VietNamNet