Chăm sóc sức khỏe

Trạm y tế xã Cẩm Nhượng: Trạm y tế anh hùng

Giữa vùng bãi ngang huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh có một trạm y tế được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động…

Trạm y tế xã Cẩm Nhượng
Trạm y tế xã Cẩm Nhượng

Đó là trạm y tế xã Cẩm Nhượng, nhiều năm nay tận tụy chăm sóc sức khỏe cho 9.000 dân vùng xã biển nghèo với năng lực khám chữa bệnh tương đương một phòng khám đa khoa…

“Năm 1998, trạm xá xã Cẩm Nhượng được Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng 3. Năm 2000, trạm được trao danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đến năm 2003, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Năm 2004 trạm được xây khu hành chính kiên cố hai tầng và được đầu tư các trang thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh cho người dân

Giữa những ngày tháng 5 nóng hầm hập, khuôn viên trạm y tế xã Cẩm Nhượng vẫn mát rượi dưới những bóng cây. Mới hơn 7g sáng, đã có hơn 20 người ngồi chờ tới lượt được khám bệnh, phát thuốc. Từ con đường bêtông dẫn vào trạm, thỉnh thoảng những chiếc xe máy nặng mùi cá biển kẹp ba, hạ ga rồi đỗ xịch trong sân trạm. Người bệnh ôm theo chăn mền rồi dắt díu nhau bước vào 
bên trong.

“Lớn nhỏ gì 
cũng đến đây”

Trên băng ghế chờ, ông Nguyễn Văn Huấn (45 tuổi, thôn Trung Hải, xã Cẩm Nhượng) vừa nắn tay, bóp chân cho mẹ. Ông cho biết bà Hồng, mẹ ông, bị thấp khớp mấy năm nay, cứ thời tiết thay đổi thì chân sưng vù, đau nhức không đi lại được.

Mỗi khi mẹ lên cơn đau, nhà ông lại đưa bà lên đây nằm điều trị nhiều ngày. Ông Huấn đấm bóp xong, đôi chân bà Hồng mới khỏe được chút đỉnh. Bà Hồng cầm gậy bước “chấm phẩy” trên nền gạch hóng vào phòng khám chờ tới lượt mình.

Hỏi bà sao không lên huyện, lên tỉnh nằm thì bà lắc đầu. “Lên đó xa quá. Tôi già rồi nên ngại đi. Với lại bệnh này ở đây các chú ấy chữa được thì mình nằm cho gần nhà, con cháu qua lại cũng khỏe chứ đi xa tụi nó vất vả. Bệnh này đau kinh niên, trạm xá chữa được, bảo hiểm cũng thanh toán thì mình lên đây nằm chứ đi đâu” – bà Hồng nói.

Đứng cạnh hành lang, bà Đồng Thị Lan (ở xóm Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng) chăm chú theo dõi tấm bảng to ghi tên danh mục 175 loại thuốc tại trạm. Bà nói tấm bảng này mới lập nên bà đọc chứ các tấm bảng cũ ghi tên các loại thuốc tại vị trí này trước đây bà đều thuộc làu. “Hồi mô tới chừ nhà tôi bệnh, lớn nhỏ gì cũng đến đây cả.

Trung bình mỗi tháng cũng vài lần mua thuốc để chồng mang ra biển. Nói chung mấy cô chú ở đây đều rất nhã nhặn, cái gì chữa được là nói chữa được, cái gì không được nói bà con lên huyện sẽ tốt hơn nên ai cũng cảm thấy thoải mái, tin tưởng” – bà Lan cho biết.

Bên trong phòng khám, bác sĩ Nguyễn Xuân Từ – trạm trưởng trạm y tế xã Cẩm Nhượng – liên tục điền tên những người tới khám trong buổi sáng. Lật giở cuốn sổ y bạ, bác sĩ Từ đếm trong buổi sáng có hơn 35 người tới khám. Ông nói có những ngày số lượng bệnh nhân đến đây khám lên tới 
50-60 người.

Bác sĩ Từ cho biết hiện tại trạm đã được trang bị máy móc hiện đại như máy siêu âm, máy xét nghiệm nước tiểu, máy đo điện tim… Đây là những thiết bị mà không phải trạm y tế cấp xã, phường nào cũng có.

“Nhờ vậy chúng tôi có điều kiện khám và trị nhiều bệnh thông thường cũng như chẩn đoán chính xác nhiều bệnh hơn. Tổng cộng có hơn 8.600 thẻ bảo hiểm đăng ký khám chữa bệnh ở đây và năm nào số lượt người tới khám, điều trị cũng vượt chỉ tiêu. Điều tôi vui nhất là ở trạm chưa xảy ra trường hợp tai biến nào do sai sót y khoa” – bác sĩ Từ nói.

Trạm y tế anh hùng
Người đăng ký bảo hiểm khám chữa bệnh tại trạm y tế xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) rất đông nên phòng nội trú luôn kín người – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Anh hùng trên cát nóng

Cẩm Nhượng là một trong những xã nghèo nhất huyện Cẩm Xuyên. Địa hình giáp biển, người dân chủ yếu làm nông và bám biển mưu sinh nên cuộc sống còn khốn khó. Nhưng tại sao trên nền thu nhập không mấy khá giả lại có một cơ sở y tế cấp xã hiện đại bậc nhất tỉnh? Một tập thể nhỏ, họ đã làm gì để được phong anh hùng?

Y sĩ Nguyễn Thị Hồng (có 28 năm công tác tại đây, đồng thời làm trạm trưởng giai đoạn năm 2005-2010) giải thích: “Danh hiệu có trước, rồi nhờ vào danh hiệu mà trạm xá được đầu tư hiện đại. Nhưng để có danh hiệu là công sức của anh em bỏ ra”.

Bà Hồng ví von về kỳ tích mà những người làm công tác chăm sóc sức khỏe ở đây đạt được như chuyện bàn chân đi trên cát nóng. Ban đầu thì rát nhưng về lâu dài bàn chân ấy được tôi luyện chai sạm, cứng cáp.

Ngày bà Hồng mới về làm tại đây, Cẩm Nhượng còn nghèo xác xơ, nổi tiếng với hai “đặc sản” mà người làm y tế trong huyện hay nói là “vệ sinh thì kém mà sinh con thì tài”.

Ngày đó tỉ lệ tăng dân số chóng mặt đến nỗi những cán bộ phụ trách dân số rất ngại lên huyện họp vì sợ quở trách. Dân đi biển sinh đẻ không có kế hoạch nên chuyện mỗi nhà 7-9 đứa con là bình thường. Sinh con gái thì họ đòi sinh thêm con trai để phụ cha đi biển, mà sinh con trai thì họ nói “tam nam bất phú”. Dân số lúc bấy giờ có 5.000 người mà mỗi năm trung bình 370 trẻ ra đời.

Lúc bấy giờ, y sĩ trạm trưởng Nguyễn Trọng Dũng đề ra hai mục tiêu là “1 tăng – 1 giảm” (tăng tỉ lệ nhà vệ sinh và giảm tỉ lệ sinh con).

“Để thay đổi thói quen của bà con, lúc bấy giờ tôi phải đến từng nhà dân để vận động đình sản. Những buổi vận động giải thích trong làng thường kéo dài tới tận 12g đêm, bởi ban ngày những người đàn ông đều đi biển (họ là đối tượng quyết định đẻ hay không đẻ). Để họ “thấm” và nghe theo, thậm chí chúng tôi còn nấu cơm cho người dân ăn khi họp “xuyên trăng” – bà Hồng nhớ lại.

Nhờ trạm cần mẫn “kéo” miết, đến bây giờ mức sinh ở Cẩm Nhượng mỗi năm chỉ còn 120 cháu/9.000 dân. Thấy Cẩm Nhượng kéo được tỉ lệ sinh, lúc bấy giờ huyện Cẩm Xuyên mới kêu gọi tổ chức phi chính phủ cùng góp tay, góp tiền với cán bộ y tế ở đây vận động dân thay đổi thói quen vứt rác và phóng uế. Đến năm 2010, 100% người dân Cẩm Nhượng đã xây xong nhà vệ sinh và có nước máy sạch.

Nhưng để trở thành anh hùng đâu phải đơn giản chỉ có vậy! Đất chật người đông. Cẩm Nhượng lại gần khu du lịch Thiên Cầm, quanh vùng có nơi nuôi trồng thủy sản, làm muối nên việc xuất hiện các “ổ dịch” cũng thường xuyên. Ấy vậy mà từ khi thành công với “1 tăng – 1 giảm”, Cẩm Nhượng cũng khống chế không để xảy ra dịch nhiều năm liền.

Thói quen người dân làng biển chủ quan với sức khỏe, phần do điều kiện đánh bắt nên những pha xử lý cứu người bên lưỡi hái tử thần cũng thường xuyên diễn ra. Như lần cứu các ngư dân bị chân vịt cuốn đứt chân và ngộ độc cá nóc những năm 1990.

“Lúc ấy cả trạm phải quên ăn quên ngủ để cấp cứu ban đầu. Đôi khi để làm tốt công việc ở đây, nhân viên của trạm phải có chút máu liều” – bà Hồng nói.

Chữ “liều” mà bà Hồng dùng ở đây diễn tả một thời các y bác sĩ một lòng cứu người chứ không hề nghĩ đến khả năng tai biến hoặc người nhà có thể khởi kiện, vì trước khi cứu người họ không có thời gian để yêu cầu thân nhân người bị nạn làm cam kết.

Rồi những trường hợp đỡ đẻ đêm khuya quên cả thân mình của cán bộ y tế trạm như trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Yến, một người dân trong xã, bị băng huyết. Khi được chuyển lên trạm trong đêm thì đã ngất lịm. Bác sĩ Từ nhận được cuộc điện thoại đã phải chạy xe hơn 10km trong đêm rét căm từ nhà đến trạm để cứu người.

Ông Nguyễn Văn Hùng, phó chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, nói việc có những người làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu vừa có y đức vừa có chuyên môn như ở trạm Cẩm Nhượng là may mắn lớn của người dân vùng biển quê ông.

“Đất chật người đông nên tinh thần phục vụ của các cán bộ trạm nhiều năm qua như thể 24/24 giờ. Nhờ vậy mà từ một trạm y tế nghèo được trở thành một trong những trạm chuẩn quốc gia đầu tiên của cả nước. Tôi nhớ năm 2003 bộ trưởng Bộ Y tế về đây và nói rằng nếu ở đâu cũng làm tốt như trạm Cẩm Nhượng thì sẽ giảm rất nhiều gánh nặng cho tuyến trên” – ông Hùng đúc kết.

Chất lượng tương đương phòng khám

Theo BS Trần Huy Nghĩa – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cẩm Xuyên, năng lực khám chữa bệnh tại trạm xá xã Cẩm Nhượng hiện đã tương đương một phòng khám đa khoa.

Ông nhận định: “Cấp trạm thì cả tỉnh chỉ có duy nhất ở Cẩm Nhượng được phong Anh hùng Lao động. Đó là cả một quá trình phấn đấu của nhiều thế hệ cán bộ công tác ở đây. Từ việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cứu và điều trị lưu trú đều vượt trội hơn so với nhiều nơi.

Điều đáng mừng là sau khi được đầu tư các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, các thế hệ cán bộ ở đây đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu y tế của người dân. Khả năng quản lý địa bàn, thái độ phục vụ và việc thực hiện các mục tiêu y tế đều đạt trên mức chuẩn”.

TRƯỜNG TRUNG – VĂN ĐỊNH

BÀI MỚI ĐĂNG