Chiến lược cây xanh đô thị
“Quy hoạch hệ thống cây xanh đường phố và cải tạo các điểm cây xanh công cộng hiện có” được triển khai ở thời điểm thành phố đang trên lộ trình xây dựng đô thị loại III đã thu hút sự quan tâm đầu tư đối với việc xây dựng không gian cây xanh đô thị. “Quy hoạch đã giúp thành phố từng bước triển khai ý tưởng tổ chức hệ thống cây xanh theo hướng đô thị hiện đại, đồng thời, làm nên những mảng màu riêng cho từng tuyến phố” – Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hà Tĩnh – Trần Đức Thiên cho biết.
Triển khai việc cải tạo hệ thống cây xanh hiện có, thành phố đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tổ chức rà soát lại, từng bước loại bỏ một số cây không thuộc quy hoạch đô thị trên những tuyến phố chính (như keo lá tràm, dừa) và tổ chức xen cấy, bổ sung các loại phù hợp. Cùng đó, giao Công ty Quản lý công trình đô thị (đơn vị thực hiện) tổng hợp, lựa chọn và gắn biển để thường xuyên theo dõi, quản lý, chăm sóc. Đến thời điểm này, trên 22 tuyến phố chính của thành phố đã có 4.239 cây xanh được gắn biển, không chỉ giúp ngành chức năng làm tốt công tác quản lý, chăm sóc mà còn góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân bảo vệ màu xanh thành phố trẻ.
Đường Phan Đình Phùng là một trong những tuyến phố của TP Hà Tĩnh có nhiều cây xanh nhất. |
Quy hoạch và các kế hoạch, dự án xây dựng hệ thống cây xanh ra đời trong giai đoạn thành phố đang trên lộ trình xây dựng hạ tầng đô thị đã tạo sự chủ động, thuận lợi cho việc bố trí ở những tuyến đường mới theo đúng tiêu chí chuẩn đô thị. Đường Hàm Nghi được trồng các loại cây: sao đen, sấu và dải phân cách bố trí cây cỏ xẻ, chuỗi ngọc, cô tòng, cỏ lá tre…; đường Xô viết Nghệ Tĩnh trồng vàng anh, sao đen và dải phân cách bố trí cây cô tòng, vạn tuế, cau vua, cỏ nhung…
Xã hội hóa nguồn lực
Lộ trình thực hiện việc phát triển hệ thống cây xanh nói riêng và từng bước nâng cấp đô thị mặc dù đã đạt được một số kết quả nhưng còn không ít khó khăn. Đối với tiêu chí cây xanh đô thị, TP Hà Tĩnh hiện nay vẫn còn nợ chuẩn của đô thị loại III và việc đạt chuẩn còn một khoảng cách khá xa. Theo thống kê, tổng diện tích cây xanh thành phố hiện đạt 12,3 ha với 4.321 cây, gồm 48 loại. Tỷ lệ cây xanh chia cho đầu người của thành phố hiện đạt mức 1,5 m2/người, trong khi đó, chuẩn đô thị loại III là 2 m2/người và loại II là 2,3 m2/người. Bên cạnh đó, nhìn chung, cây xanh đường phố phần lớn còn lộn xộn về chủng loại và hình thức; mới chỉ đáp ứng được yêu cầu về cải tạo môi trường sống chứ chưa có nhiều điểm tạo được không gian văn hóa mang giá trị tinh thần cho người dân.
Theo Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh – Lê Quang Đức, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí phát triển hệ thống cây xanh rất lớn trong khi nguồn ngân sách dành cho công tác này còn hạn chế. Việc phát triển, chăm sóc, bảo vệ cây xanh ở những tuyến phố đã hình thành khá lâu gặp khó khăn do trước đây chưa quy hoạch khoảng trống nên cây không đủ diện tích đất để sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, hệ thống đường điện chằng chịt vắt qua các tán cây mới trưởng thành đã hạn chế tốc độ phát triển cũng như các ý tưởng xây dựng không gian cây xanh đô thị.
Bài toán về nguồn lực cho phát triển hệ thống cây xanh mới đang được TP Hà Tĩnh tích cực tìm lời giải từ đầu năm 2015. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy về việc xã hội hóa nguồn lực trồng cây xanh, đầu năm nay, UBND thành phố đã chỉ đạo, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn góp nguồn lực và giao đoàn thanh niên tổ chức khâu nối, tiếp nhận, tổ chức trồng trên các tuyến đường theo chỉ đạo của ngành chuyên môn. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều cơ quan, đơn vị. Nhiều địa phương như xã Thạch Trung, Thạch Yên đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Theo tổng hợp của Phòng Quản lý đô thị thành phố, đầu năm đến nay, thành phố đã trồng mới 8.929/6.400 cây theo kế hoạch. “Việc xã hội hóa trồng cây xanh cho thành phố không chỉ huy động được nguồn lực của cả cộng đồng mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Cùng với việc tăng cường sự đầu tư của ngân sách nhà nước, thì đây chính là hướng thu hút nguồn lực hiệu quả bền vững đối với nhiệm vụ phát triển hệ thống cây xanh thành phố trong thời gian tới” – Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố nhấn mạnh.
Mai Thủy / Báo Hà Tĩnh