Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Đạo luật trước đó đã được Quốc hội Mỹ thông qua chỉ với một phiếu chống, điều này được cho là sẽ gửi một thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc về nhân quyền bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp người Hồi giáo.
Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn một triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại ở khu vực Tân Cương. Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc các quan chức Trung Quốc đã bắt người Hồi giáo tra tấn, lạm dụng và cố gắng xóa bỏ văn hóa và tôn giáo của họ.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã phủ nhận sự ngược đãi và nói rằng các trại này cung cấp đào tạo nghề và cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan. Bắc Kinh cũng đã phản ứng với việc ông Trump ký Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, nói rằng điều này là "phỉ báng" tình hình nhân quyền ở Tân Cương và là một cuộc tấn công có chủ đích chống lại Trung Quốc.
"Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi phía Mỹ sửa chữa ngay những sai lầm của mình và ngừng việc sử dụng luật liên quan đến Tân Cương để gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của đất nước", Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu.
"Nếu không, Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đối phó và tất cả các hậu quả phát sinh từ đó phải được Mỹ gánh chịu hoàn toàn", Bộ Ngoại giao Trung Quốc bổ sung, mà không đưa ra chi tiết.
Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới đã cảm ơn Tổng thống Donald Trump vì đã ký luật, thêm vào đó, nó đã mang lại hy vọng cho những người Duy Ngô Nhĩ đang tuyệt vọng, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Ông Trump đã ký đạo luật khi Ngoại trưởng Mike Pompeo có một cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên kể từ năm ngoái với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Dương Khiết Trì.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đã lưu ý rằng một số yêu cầu của đạo luật có thể giới hạn thẩm quyền lập hiến của ông ta trong việc tiến hành ngoại giao nên ông sẽ coi chúng là tư vấn, không bắt buộc. Bên cạnh đó, đạo luật cũng kêu gọi các công ty Mỹ hoạt động tại Tân Cương có những biện pháp để đảm bảo họ không sử dụng nhân sự được cho là "lao động cưỡng ép".
Nhận sự hậu thuẫn của Trung Quốc để tái đắc cử?
Ông Trump đã không tổ chức một buổi lễ ký đạo luật, một động thái "lạ thường" xuất hiện khi các tờ báo quốc tế đồng loạt đăng các trích đoạn từ cuốn sách mới của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
Theo trích đoạn hồi ký của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị lãnh đạo Trung Quốc giúp đỡ để tái đắc cử chiếc ghế tổng thống năm 2020. Trích đoạn này cũng đã được các tờ báo lớn tại Mỹ như Washington Post, New York Times và Wall Street Journal đăng tải hôm 17/6.
Trong một cuộc gặp quan trọng với ông Tập hồi tháng 6 năm ngoái, ông Trump đã "chuyển nội dung đối thoại sang bầu cử tổng thống Mỹ một cách cừ khôi, ám chỉ khả năng kinh tế của Trung Quốc có thể tác động đến các chiến dịch tranh cử đang diễn ra và đề nghị ông Tập đảm bảo rằng ông sẽ giành chiến thắng", ông Bolton viết trong hồi ký.
Tổng thống Trump khi đó được cho là đã đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình mua thêm nông sản để hỗ trợ ông giành chiến thắng ở những bang phát triển nông nghiệp trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Không chỉ vậy, ông Bolton cũng viết rằng Tổng thống Donald Trump liên tục thể hiện việc sẵn sàng bỏ qua các hành vi lạm quyền của Trung Quốc. Ông Trump từng nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng "đó chính xác là điều phải làm", ám chỉ về vấn đề người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại đại lục.
Nhà Trắng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Ông Bolton là chính trị gia có tư tưởng cứng rắn từng làm việc trong chính quyền Trump từ tháng 4/2018. Nhưng Tổng thống Trump sa thải ông này vào tháng 9/2019, do bất đồng về các chính sách đối ngoại, nhất là về cách tiếp cận và giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tác giả: Thanh Trần
Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư