Thế giới

Tổng thống Mỹ phải bỏ tiền túi mua quà tặng từ lãnh đạo nước ngoài

Theo quy định của Mỹ, những món quà do chính phủ nước ngoài tặng tổng thống sẽ không được coi là tài sản cá nhân của chủ nhân Nhà Trắng. Nếu muốn sở hữu chúng, nhà lãnh đạo Mỹ phải bỏ tiền túi để mua lại.

Cựu Tổng thống Obama nhận quà từ Quốc vương Ả rập Xê út tại Riyadh, Ả rập Xê út năm 2009 (Ảnh: AP)

Trong suốt nhiệm kỳ làm việc của mình, tổng thống Mỹ có thể được nhận những món quà giá trị từ lãnh đạo của các quốc gia khác hoặc từ một cá nhân hay tổ chức nào đó. Những món quà được tặng thể hiện sự tôn trọng và cũng để phản ánh mối quan hệ giữa tổng thống Mỹ và người tặng quà.

Tuy nhiên, đối với nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, việc nhận bất kỳ món quà nào không phải chuyện đơn giản và họ phần lớn không được giữ lại những món quà này. Hàng loạt quy định và luật pháp liên bang đã được đặt ra để kiểm soát việc tặng quà và nhận quà của tổng thống Mỹ.

Theo văn bản quy định về quà tặng dành cho tổng thống của Cục Khảo cứu Quốc hội Mỹ, những món quà do chính phủ nước ngoài tặng tổng thống Mỹ sẽ không được coi là tài sản cá nhân của nhà lãnh đạo Mỹ.

“Bất kỳ món quà bằng hiện vật nào có giá trị trên mức tối thiểu được tặng vì lý do ngoại giao hay phép lịch sự đều không được coi là tài sản cá nhân. Chúng được nhận thay mặt chính phủ Mỹ và là tài sản của nước Mỹ, cả trong trường hợp quà được tặng riêng cho tổng thống hay gia đình tổng thống, tất cả đều chịu sự quản lý của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia”, nội dung văn bản cho biết.

Theo quy định, bất kỳ món quà tặng nào dành cho tổng thống Mỹ cũng được lưu trữ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia khi tổng thống tại nhiệm. Sau khi tổng thống kết thúc nhiệm kỳ, toàn bộ số quà tặng sẽ được chuyển tới Thư viện Tổng thống. Thông thường các tổng thống Mỹ không muốn từ bỏ một số món quà đặc biệt, do vậy họ được phép mua lại theo giá thị trường.

Liên quan tới việc tặng quà cho tổng thống Mỹ, có hai câu hỏi được đặt ra là: Ai là người tặng quà và giá trị của món quà đó là bao nhiêu?

Nếu đối tượng tặng quà là một người có chức sắc ở nước ngoài, Hiến pháp Mỹ cấm tổng thống hay bất kỳ nhân viên liên bang nào nhận quà khi chưa có sự đồng ý của Quốc hội.

Quốc hội Mỹ thông thường cho phép tổng thống nhận quà với “giá trị tối thiểu” từ các chính phủ nước ngoài để giữ phép lịch sự. Theo một báo cáo của Cục Khảo cứu Quốc hội được công bố năm 2012, việc từ chối nhận quà có thể gây ra “tình huống khó xử”, thậm chí có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa các bên.

Quy định về “giá trị tối thiểu” của quà tặng cũng được thay đổi 3 năm một lần. Vào thời điểm năm 2014, “giá trị tối thiểu” theo quy định của Quốc hội Mỹ là không vượt quá 375 USD. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo nước ngoài thường có xu hướng tặng những món quà có giá trị cao hơn “giá trị tối thiểu”. Thậm chí một số món quà còn cao hơn rất nhiều lần.

Mua quà được tặng

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nhận quà từ người đồng cấp Phần Lan (Ảnh: AFP)

Theo danh sách quà tặng do giới chức nước ngoài tặng các thành viên trong chính quyền liên bang Mỹ hàng năm, Ả rập Xê út, quốc gia dầu mỏ giàu có, thường tặng những món đồ sang trọng và xa xỉ nhất. Năm 2014, Quốc vương Ả rập Xê út Abdullah bin Abdulaziz đã tặng cựu Tổng thống Barack Obama 6 món quà trị giá hơn 1,3 triệu USD. Số quà này bao gồm đồng hồ đeo tay bằng bạc và vàng dành cho nam trị giá 18.240 USD, đồng hồ đeo tay bằng vàng trắng dành cho nam trị giá 67.000 USD cùng bộ trang sức ngọc trai và kim cương dành cho đệ nhất phu nhân trị giá 570.000 USD.

Tuy nhiên, cả cựu Tổng thống Obama và gia đình ông đều không thể “bỏ túi” số quà này theo quy định của Hiến pháp. Họ chỉ có thể nhận chúng nếu sẵn sàng bỏ tiền để mua theo giá thị trường. Cách làm này để tránh bị coi là nhận hối lộ.

Nếu các món quà không được mua lại, chúng sẽ được coi là tài sản của quốc gia và được lưu trữ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia. Các tài liệu thống kê cho thấy cựu Tổng thống Obama không mua bất kỳ món quà nào mà ông được tặng. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng bỏ tiền túi để mua một vòng cổ ngọc trai đen có giá gần 1.000 USD. Đây là món quà do Cố vấn Quốc gia Myanmar Aung San Suu Kyi tặng bà Clinton khi bà còn công tác tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cựu Tổng thống Obama nhận quà từ cựu Thủ tướng Ireland Brian Cowen năm 2010 (Ảnh: Atlantic)

Một số món quà phải được Mật vụ Mỹ kiểm tra trước khi chúng được đưa tới cơ quan chính phủ phù hợp, chẳng hạn chai rượu cognac trị giá 615 USD do Thủ tướng Moldova tặng năm 2014. Người phát ngôn của Mật vụ Mỹ Robert Hoback cho biết một số món quà nhất định, bao gồm đồ ăn, thường được kiểm tra vì lý do an toàn. Sau khi kiểm tra xong, chúng sẽ được chuyển cho các nhân viên Nhà Trắng.

Hiến pháp cũng quy định các món quà có thể được dùng để làm từ thiện, chia sẻ với các văn phòng hoặc bị tiêu hủy. Một món quà lưu niệm đặc biệt mà tổng thống Mỹ có thể giữ lại cho riêng mình là giải thưởng Nobel. Cục Khảo cứu Quốc hội Mỹ cho rằng Nobel là giải thưởng do một quỹ tư nhân độc lập trao tặng, do vậy giải thưởng Nobel không bị coi là “quà tặng từ chính phủ nước ngoài”. Sau khi giành giải Nobel Hòa bình năm 2009, cựu Tổng thống Obama từng quyên tặng 1,4 triệu tiền thưởng cho 10 quỹ từ thiện.

Tổng thống Mỹ thông thường cũng được phép nhận các món quà từ công chúng Mỹ. Điều này nhằm tạo điều kiện để người dân Mỹ có thể thể hiện tình cảm với lãnh đạo đất nước. Ngoài các món quà bằng hiện vật, tổng thống Mỹ có thể nhận các quà tặng dưới dạng vé mời tham dự sự kiện, tiệc chiêu đãi, phiếu giảm giá... Nếu quà có giá trị cao hơn 350 USD, tổng thống Mỹ phải liệt kê trong bản kê khai tài chính để đảm bảo sự minh bạch.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP