Hàng chục ha nuôi tôm thẻ chân trắng lấy giống từ công ty Thông Thuận của HTX Hải Phú vừa chết, vừa không lớn (ảnh: T.Hoa) |
Nghi chất lượng giống kém
Trước đó, Báo điện tử Infonet đã thông tin về việc hàng loạt hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng tại 4 huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh lấy giống từ Cty CP thủy sản Thông Thuận (tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thất bại sau một vụ tôm "nuôi không lớn".
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Mại (xã Hộ Độ, huyện Thạch Hà) cho biết: Ông nuôi tôm thẻ chân trắng lấy giống của Thông Thuận, thả trên diện tích 1,2ha, sau 90 ngày chăm sóc nhưng tôm còi cọc, nhỏ xíu, năng suất đạt 200con/kg, thông thường chỉ cần 80 con/kg. Ông nghi vấn do từ nguồn giống.
Còn hộ ông Nguyễn Văn Doãn (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) lo sợ vừa mất công, mất sức, mất tiền nên khi nuôi tôm không lớn, ông chọn phương án xả hết hồ tôm trước thời hạn thu hoạch để cứu lòng hồ. Thiệt hại, sau vụ tôm thẻ chân trắng lấy từ Thông Thuận khiến gia đình ông thua lỗ hàng trăm triệu đồng.
Chi cục thủy sản Hà Tĩnh nghi vấn là do giống dẫn đến tôm thẻ chân trắng nuôi mãi không lớn (ảnh: T.Hoa) |
Dù phía Thông Thuận bác bỏ tôm không lớn không thể đổi lỗi tại giống, nhưng người dân cho rằng, nếu không phải giống tại sao công ty lại hứa hỗ trợ 100% nguồn giống cho người dân sau thiệt hại vụ tôm. “Có việc công ty hứa đền bù 100% nguồn giống cũng như một phần kinh phí về khâu chăm sóc” – ông Nguyễn Văn Doãn khẳng định.
Ngay sau sự việc xảy ra, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã gửi văn bản số 203/TS-NTTS gửi Vụ nuôi trồng thủy sản về việc “hỗ trợ, xác định nguyên nhân tôm giống thả nuôi chậm phát triển”.
Trong đó, nêu rõ: Vụ nuôi tôm Xuân Hè năm 2017 trên địa bàn Hà Tĩnh tại một số cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng có hiện tượng tôm chậm lớn, phát triển không đều, đặc biệt tôm giống của công ty cổ phần thủy sản Thông Thuận là đơn vị sản xuất giống trên địa bàn (nguyên nhân do nghi chất lượng giống kém vì cùng điều kiện nuôi nhưng giống của một số đơn vị khác vẫn phát triển bình thường).
Bộ NN&PTNT yêu cầu kiểm tra lại hồ sơ sản xuất của Công ty Thông Thuận (ảnh: T.Hoa) |
“Để xác định nguyên nhân vì sao tôm chậm lớn là ngoài khả năng của Chi cục thủy sản là cơ quan chuyên môn quản lý về nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Vì vậy, Chi cục thủy sản kính đề nghị Vụ Nuôi trồng thủy sản hỗ trợ địa phương để xác định nguyên nhân tôm chậm lớn, phát triển không đều trong thời gian qua để kịp thời khuyến cáo cho người chăn nuôi” - văn bản nêu rõ.
Bộ NN&PTNT cũng có văn bản số 2188/TCTS-NTTS trả lời về việc “Kiểm tra chất lượng giống tôm thẻ chân trắng và cơ sở chăn nuôi” gửi Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, Bộ đề nghị kiểm tra hồ sơ sản xuất của Công ty Thông Thuận, thống kê tôm giống của Thông Thuận sản xuất, cung cấp cho những người nuôi (địa chỉ, số lượng, sản xuất từ nguồn tôm mẹ nào) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá lại hiện trạng nuôi tôm thẻ chân trắng của các hộ nuôi sử dụng tôm giống của Công ty Thông Thuận trên địa bàn tỉnh.
"Chúng tôi mất niềm tin với đơn vị cung cấp giống"
Tại các xã Kỳ Hải, Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Khang, Kỳ Xuân có 331hộ/378ha nuôi tôm, trong đó hàng chục hộ lấy giống từ phía Công ty cổ phẩn thủy sản Thông Thuận, dù tôm không chịu lớn nhưng phía công ty chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hải Phú (thuộc xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh) cho biết: Vụ tôm Xuân hè 2017 HTX lấy giống từ Thông Thuận, ông nhận về 1,1 triệu con giống tôm thẻ chân trắng thả trên diện tích 25,5ha. Tuy nhiên, mới chỉ nuôi được 30 ngày thì tôm đồng loạt chết, đến 40 ngày sau thì chết trắng hồ, còn lại 2 hồ thì tôm có dấu hiệu chậm lớn.
HTX Hải Phú bức xúc và mất niềm tin về nguồn cung ứng giống từ Thông Thuận (ảnh: T.Hoa) |
Qua vụ tôm Xuân Hè, HTX Hải Phú thiệt hại gần 200 triệu đồng (bao gồm tiền giống, tiền công, tiền điện, thức ăn…). “Quả thực, sau vụ nuôi tôm này tôi đã mất lòng tin đơn vị cung ứng giống Thông Thuận” – ông Hà bức xúc.
Ông Hà cũng cho biết, “Dù tôm của HTX chết, chậm lớn nhưng đến nay, phía công ty vẫn chưa có ý kiến hay hỗ trợ về chính sách nào?”.
Theo ông Lê Văn Trọng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Kỳ Anh, vụ tôm Xuân Hè phía huyện có nhiều hộ lấy giống từ Thông Thuận, CP, Nam Miền Trung… nhưng chỉ có giống tôm thẻ chân trắng của Thông Thuận là có hiện tượng tôm không lớn. Chưa thể khẳng định nguyên nhân do giống hay các yếu tố khác, nhưng thiệt hại của người nuôi tôm là có thật. Để tạo niềm tin cho người dân, duy trì thị trường nguồn giống của công ty tại địa bàn, huyện đề nghị công ty có chính sách hỗ trợ phù hợp cho bàn con, như giảm giá giống hay hỗ trợ về nguồn thức ăn…
Trả lời PV Báo Infonet chiều 11/9, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Phía công ty đã gửi giống ra Vụ nuôi trồng thủy sản để truy tìm nguyên nhân, nhưng đang phải chờ kết quả. Thực tế, để xét nghiệm được giống tôm có dấu hiệu bất thường không quả thực là khó. Riêng với tỉnh là nằm ngoài khả năng, giờ chờ kết quả từ Vụ nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, với góc độ người quản lý nhà nước, thực tế nhiều với người nuôi tôm, tôi vẫn nhận định rằng là do nguồn giống.
Tác giả: Trương Hoa
Nguồn tin: Báo Infonet