Phóng sự - Ký sự

Tín dụng đen vùng biển Hà Tĩnh (Kỳ 2): “Khúc biến tấu” cung – cầu

Những bài học xương máu sau các vụ đổ bể; những vụ việc, bản án dở dang còn chưa có hồi kết vẫn đang làm nhức nhối không ít gia đình nạn nhân. Nhưng một sự thật đang tồn tại là: ngay ở đây, tín dụng đen vẫn còn “đất” sống với nhiều biến tấu khác nhau…

        >>  Tín dụng đen vùng biển Hà Tĩnh (kỳ 1): Những bài học xương máu

Vay tiền – dễ như trở bàn tay!

Tín dụng đen thực chất là hoạt động huy động vốn từ người này với lãi cao, sau đó cho người khác vay lại với lãi… cao hơn nữa. Hình thức tín dụng này “sống” được khi và chỉ khi có hai đầu “vòi” hút chặt vào người góp và người vay trong khi chủ hụi “ngồi mát ăn bát vàng” từ lãi suất chênh lệch. Đặc biệt, rất nhiều đối tượng cần tiền gấp, sẵn sàng vay “nóng” với lãi suất ngất ngưởng đã tìm đến những điểm vay như thế ở những địa phương vùng biển.

Tín dụng đen vùng biển (Bài 2): “Khúc biến tấu” cung - cầu
Không ít chủ thuyền trong số này vẫn phải cầu cứu đến “nậu cá” trước mỗi lần xuất cảng

Trong vai những người cần tiền gấp, chúng tôi đến “cầu cứu” một người bạn ở Thạch Kim (Lộc Hà) và quá trình xâm nhập đơn giản hơn tưởng tượng rất nhiều. Sau khi được “định vị” từ người bạn, tôi “rón rén” bước vào tiệm vàng gần đường ra cảng cá với 2 chiếc nhẫn 4 chỉ vàng. Trái với suy nghĩ sẽ bị ông chủ tiệm vặn vẹo hỏi chuyện, mọi thứ diễn ra hết sức bình thường như việc mua đi, bán lại một mặt hàng nào đó ở chợ. Sau khi kiểm tra hàng thế chấp, ông chủ tiệm trả giá 10 triệu đồng với lãi suất 1%/ngày, nếu tôi đồng ý, tiền “tươi” sẽ được giao sau khi viết giấy biên nhận. Lấy lý do vừa nhận tin nhắn đã chuyển được tiền, tôi xin rút lui trong vẻ mặt khó hiểu của ông chủ tiệm dễ tính.

Xe chúng tôi vòng vèo hết các đoạn đường hẹp như phố cổ của xã Thạch Kim và được biết thêm rằng, các tiệm vàng trong xã đều cho vay “nóng” với lãi suất 1-4%/1 triệu/ngày nếu có vật cầm cố. Ngoài ra, một số gia đình có điều kiện cũng cho vay theo hình thức này. Dừng xe trước một quầy bán hàng tạp hóa gần UBND xã, cũng với 4 chỉ vàng thế chấp, nhưng khác với thái độ ông chủ tiệm vàng trước đó, chị chủ nhà khá cẩn thận hỏi ngay: “Người ở mô mà là lạ hè? Ai chỉ chỗ cho mà đến đây?”. Cũng kiểm tra hàng, tuy không có vẻ “nhà nghề” như ông chủ tiệm vàng nọ nhưng 4 chỉ vàng của tôi cũng được định giá đúng 10 triệu đồng với lãi suất 1 nghìn/triệu/ngày với câu nói mát mẻ: “Chị giúp em là chính thôi, nếu vay vài ngày thì trả cho chị thêm ít chục em hấy!”. Qua tìm hiểu, tôi biết, kiểu vay này nếu là người thân quen trong làng thì không cần đến tài sản thế chấp, thủ tục còn đơn giản hơn nhiều.

“Khúc biến tấu” của tín dụng đen

Bằng nhiều hình thức hoạt động, tín dụng đen dễ dàng là ngân hàng thu nhỏ lý tưởng, hút nguồn vốn nhàn rỗi cũng như xuất tiền cho vay với lãi suất cao. Bên cạnh kiểu huy động vốn thông thường như các vụ vỡ tín dụng đã nói ở trên, góp hụi chợ (lon, bêu, phường…), nậu cá, tiệm cầm đồ và gần đây nhất là tham gia bán hàng đa cấp đã làm cho bức tranh tín dụng không chính thống ở đây càng thêm đa sắc.

Hụi chợ (hội tiết kiệm) là một hình thức huy động vốn theo kiểu quan hệ vay mượn tài sản (tiền) trước rồi trả sau, giữa một nhóm người trên cơ sở niềm tin. Chơi hụi khá phổ biến trong đời sống người dân và được coi là hình thức tín dụng truyền thống ở nhiều địa phương. Khi chơi hụi, tất cả những người tham gia sẽ tập hợp thành một “dây hụi”, mỗi thành viên là một “hụi viên”, người đứng ra tổ chức, điều hành, quản lý và thu tiền gọi là “chủ hụi”.

Chị Trần Thị Phương (Thạch Kim) cho biết: “Tôi làm nghề buôn bán ở nhiều chợ nên góp nhiều dây hụi, ví dụ một dây hụi có 6 người, mỗi người góp 100 nghìn/ngày, trong 6 tháng thì có 18 triệu đồng. Thay vì đúng hạn mới lấy được tiền, chủ hụi thường tổ chức bốc thăm để “giật” tiền trước, mỗi tháng 1 người lấy 18 triệu và bốc thăm cho hết 6 người lại tiếp tục đợt thứ 2. Ngoài ra, mỗi lần được “giật” tiền cũng phải “thưởng” cho chủ hụi ít nhiều, coi như công giữ tiền”.

Nếu nhìn về phương diện tích cực, tín dụng bằng hình thức này khá hay, tạo điều kiện để các cá nhân có thể có được một số tiền lớn vay từ những người cùng tham gia, tuy nhiên, chỉ cần một “hội viên” ngừng chơi thì dây hụi này sẽ ngay lập tức có vấn đề. Đó là chưa nói đến việc tiền huy động của cả dây hụi có thể được một chủ hụi khác “cao tay” hơn vay và chiếm đoạt một cách đơn giản mà vật thế chấp chỉ là những tờ giấy ký tay, những cuốn sổ hụi rối rắm những con số…

Một hình thức tín dụng chỉ thực hiện được ở vùng biển là “nậu cá” (cho ngư dân vay tiền đi biển) đã tồn tại từ rất lâu và đến nay vẫn là lựa chọn của nhiều ngư dân. Chủ “nậu cá” cho vay tiền mặt nhưng không lấy lại bằng tiền mà bằng hiện vật (sản phẩm từ chuyến đi biển – trừ trường hợp chuyến đi biển ấy thất bát thì mới trả bằng tiền) với giá rẻ hơn giá thị trường. Thông thường, mỗi chuyến ra khơi, ngư dân phải chi phí rất nhiều cho các khoản dầu đèn, ngư lưới cụ, thực phẩm… và việc bấm bụng để “nậu cá” bắt chẹt giá là điều không thể tránh khỏi khi chấp nhận vay tiền bằng hình thức này.

Trở lại với câu chuyện chủ đường dây tín dụng Trần Thị Nguyệt đã đổ bể ở xã Cẩm Nhượng (đã nêu ở bài viết trước), bà Trần Thị Hà (nạn nhân của bà Nguyệt) là một chủ hụi gom tiền của tiểu thương ở chợ, còn bà Nguyệt lại là một nậu cá có tiếng cho các chủ tàu thuyền khắp trong, ngoài tỉnh vay để thu sản phẩm.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, hiện nay, tại một số xã thuộc huyện Lộc Hà, trong đó có xã vùng biển đang manh nha xuất hiện hình thức bán hàng đa cấp có nhiều dấu hiệu không rõ ràng. Theo đó, công ty bán hàng đa cấp có chi nhánh ở TP Hà Tĩnh đang kinh doanh bằng hình thức giới thiệu người dân mua hàng với 2 mã hàng 8,7 triệu đồng và 9,8 triệu đồng. Sau khi đồng ý mua, phía công ty sẽ cung cấp một đơn đặt hàng và có thể lấy hàng về hoặc không, sau 1 năm, người mua mã hàng 9,8 triệu đồng sẽ được nhận 12 triệu (vừa được sản phẩm nếu lấy, vừa được 2.2 triệu tiền lời/năm), đồng thời, nếu mua nhiều mã hàng, hoặc giới thiệu được nhiều người cùng chơi, khách hàng sẽ được hưởng tiền hoa hồng theo bậc (trong khi những vấn đề liên quan đến lợi nhuận không được thực hiện bằng văn bản. Nếu nhìn vấn đề từ bản chất câu chuyện, có thể hiểu đây là hoạt động huy động vốn có lãi suất cao. Kiểu tung con mồi mới này rất có thể thu hút sự nhẹ dạ của nhiều người dân và qua đó cho thấy tín dụng đen vẫn đang len lỏi tìm “đất” sống với những biến tấu khó lường.

Ông Lưu Quang Phú (ngư dân Thạch Kim)

Trước đây, hoạt động vay vốn còn nhiều khó khăn nên “nậu cá” rất nhiều nhưng từ khi có nhiều nguồn vay hơn thì số lượng “nậu cá” giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cần 5, 10 triệu phục vụ cho chuyến đi, tôi vẫn vay được từ “nậu”. Sau chuyến đi biển, những người vay từ “nậu” không được bán sản phẩm cho ai khác ngoài “nậu” mình vay với giá thấp hơn giá thị trường 2-5 giá.

Ông Lê Xuân Yêm (ngư dân xóm Tam Hải – Kỳ Ninh)

Mấy năm trước, tôi chung vốn với 4 anh em đóng con tàu 130 CV và trang bị bộ lưới vây để đánh bắt xa bờ. Lúc đó, Quỹ tín dụng nhân dân xã mới ra đời, số vốn còn nhỏ, trung bình mỗi hộ chỉ được vay 5-10 triệu đồng; vay ngân hàng thì thủ tục khá phức tạp nên chúng tôi cũng ngại. Vì vậy, chúng tôi quyết định đi vay ở một số chủ tiệm vàng gần 200 triệu đồng (trong tổng số vốn đầu tư 390 triệu đồng) với lãi suất lên tới 4%/ngày. Lãi suất quá cao cộng với việc làm ăn không may mắn đã khiến dự án của chúng tôi thua lỗ nặng. Năm 2013, chúng tôi đã bán lại tàu và đồ nghề đánh bắt với số tiền 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng

Ở Cẩm Nhượng vẫn đang tồn tại các nhóm huy động tiết kiệm nhưng số lượng hiện nay còn không lớn. Các nhóm tiết kiệm chỉ hoạt động nhỏ lẻ, nguy cơ không cao. Ngoài vụ Nguyễn Thị Sáng đã có nạn nhân kiện ra tòa, còn lại trường hợp Trần Thị Nguyệt, các bên đang tự thương lượng giải quyết với nhau (!?)

Thành Chung – Vũ Dũng/baohatinh.vn

(Còn nữa)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP