Phóng sự - Ký sự

“Tiền tỷ rơi xuống đầu nông dân”: (kỳ III) Chưa có đề án việc làm cho người dân

Cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bổng – Phó chủ tịch UBND Huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Chủ tịch Hội đồng bồi thường tái định cư và giải phóng mặt bằng Dự án Fomorsa Hà Tĩnh xung quanh việc ổn định đời sống và chuyển đổi nghề nghiệp, giải bài toán việc làm cho người dân bị thu hồi đất.

>> Tiền tỷ ‘rơi’ xuống đầu nông dân (ky II)


Ông Bổng nói: Cùng lúc, Khu kinh tế Cảng Vũng Áng có hơn 30 dự án, trong đó Khu Liên hiệp gang thép Cảng Sơn Dương của Fomorsa Đài Loan là dự án lớn nhất, tổng kinh phí đầu tư giai đoạn một là 9,7 triệu USD.


Hàng loạt dự án đổ về cùng lúc, dân các xã Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long… phải di dời toàn bộ lên vùng kinh tế mới và hàng nghìn hécta đất ruộng bị thu hồi. Giải quyết việc làm cho hàng nghìn người đang là bài toán khó.


Yêu cầu giải phóng mặt bằng quá nhanh


Tính đến thời điểm này, việc thu hồi đất và di dời dân vùng dự án khu công nghiệp Cảng Sơn Dương thực hiện đến đâu, thưa ông?


Ngày 6/7/2008 dự án bắt đầu khởi công và theo cam kết của Hà Tĩnh và Tập đoàn Fomorsa, đến cuối 12/2009 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng bao gồm cả đất ruộng và đất ở cho Ban quản lý dự án.


Tổng diện tích thu hồi của dự án là hơn 3.000 ha (gồm mặt nước hơn 1.000 ha, đất liền gần 2.000 ha). Trong đó, đất nông nghiệp gần 1.600ha còn lại là đất ở.


Tính đến thời điểm này, Hội đồng đền bù và giải phóng mặt bằng bàn giao được 1.600 ha chủ yếu đất nông nghiệp, đất ở đang kiểm kê để di dời. Tổng số hộ phải di dời giai đoạn một là 1.836 hộ.


Một số lãnh đạo xã cho rằng, yêu cầu giải tỏa mặt bằng nhanh chóng khiến họ không kịp trở tay?


Dự án yêu cầu giải phóng mặt bằng trong hơn một năm là nhanh trong khi việc đền bù và di dời dân gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, giải phóng mặt bằng trước, xây dựng khu tái định cư, giải quyết việc làm sau khiến dân lo lắng.


Tỉnh, huyện có kế hoạch nào về vùng kinh tế mới để dân sớm ổn định cuộc sống tại vùng kinh tế mới?


Tỉnh quyết định xây dựng vùng tái định cư thành khu đô thị với diện tích hơn 300 ha có đủ điện đường, trường trạm. Tập trung toàn bộ dân của năm xã trong vùng dự án về tại khu đô thị. Mỗi hộ dân sẽ được chia một lô 400 mét vuông, giá chỉ 72 nghìn đồng/ mét vuông trong khi giá đầu tư là 1,5 triệu đồng/ mét vuông. Nhưng dân vốn quen với ao chuồng, vườn tược khi về vùng đô thị mở cửa ra là đường phố, xe cộ, lại không có diện tích để trồng rau, nuôi lợn nên sẽ khó khăn.


Huyện đang đề nghị Tỉnh thu hồi đất ở một số lâm trường, nông trường giao cho dân làm kinh tế trang trại. Tuy nhiên, diện tích này cũng không đáng kể.



Hỗ trợ người hết tuổi lao động 15 kg gạo/tháng


Địa phương đã có đề án cụ thể hướng nghiệp, đào tạo, chuyển đổi cơ cấu việc làm cho người dân chưa?


Trước mắt, dân được hỗ trợ đào tạo nghề năm triệu đồng/người để mua thêm trang thiết bị hoặc hỗ trợ học nghề. Tỉnh chủ trương sáp nhập Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên của huyện Kỳ Anh thành trường Trung cấp nghề.


Trường sẽ đào tạo các chuyên ngành: luyện thép, nhiệt điện, hàn… sau khi tốt nghiệp, lao động sẽ quay ra phục vụ khu công nghiệp. Vừa rồi đã có doanh nghiệp thầu 400 ha xây dựng khu sinh thái, trồng rau. Ngoài việc Sở, Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội tập huấn cho dân làm nghề mây tre đan, trồng nấm… Chính thức thì địa phương chưa có đề án cụ thể nào giải quyết việc làm cho dân cả.


Các dự án không có chỉ tiêu đào tạo ngành, nghề cụ thể, liệu cứ đào tạo có dẫn đến thừa lao động?


Hiện tại mới chỉ có Nhà máy thép Vạn Lợi công suất 500 nghìn tấn/năm tuyển khoảng 300 chỉ tiêu. Cty đã tuyển con em các xã và yêu cầu đi học trung cấp các ngành hàn, xì, luyện thép… Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng đến vấn đề yêu cầu doanh nghiệp đặt hàng lao động địa phương nên không lo.


Dân kinh doanh trong tình trạng hai nhà một quán, thanh niên tụ tập, tệ nạn xã hội gia tăng. Ngay từ đầu, huyện có tính đến tình huống này?


Một số hộ dân sau khi nhận tiền đền bù đã tự chuyển hướng làm ăn như đi xuất khẩu lao động, buôn bán dịch vụ hàng quán nhỏ lẻ, mua máy móc dịch vụ vận tải… Tuy nhiên, nghề đó không bền vững.


Hiện có hơn 60 phần trăm người dân lao đao vì chưa có nghề. Còn việc thanh niên tụ tập ăn chơi thì trước đó, huyện đã yêu cầu các xóm, thôn, xã gửi cam kết không vi phạm nhưng không tránh khỏi.


Chúng tôi lo tệ nạn sinh ra nhiều, sợ người dân tiêu hết tiền không biết làm gì để sống lại trộm cắp… Nhưng giải bài toán việc làm trong thời điểm khu công nghiệp chưa đi vào hoạt động không dễ.


Huyện xác định giải phóng mặt bằng trước để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào càng nhiều càng tốt. Khu công nghiệp phát triển sẽ kéo đời sống người dân lên.

Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP