Thế nhưng khác với những năm trước, năm nay do nắng hạn kéo dài dòng Ngàn Trươi đang phải ngày đêm thầm khóc, bởi lẽ nhiều khúc sông nước đã cạn kiệt, khiến cho cây cối héo hắt, cuộc sống, sinh hoạt của cư dân ven bờ bị xáo trộn theo thời gian.
Theo sử sách ghi lại sông Ngàn Trươi hay còn có tên gọi khác là Nậm Trươi. Dòng sông này bắt nguồn từ rào Ngang, rào Bần ở biên giới Việt- Lào, chảy qua bãi Cà Tỏ, thác Làng, qua bản Kim Quang xã Hương Quang rồi chảy về xã Hương Điền và xuôi dòng về miền hạ lưu sáp nhập với sông Ngàn sâu chảy ra biển lớn. Với chiều dài hàng chục Km dù phải trải qua bao phong ba, bão táp, những trận gió Lào hầm hập nhưng dòng sông vẫn gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày đêm âm thầm mang dòng nước mát và chắt chiu những hạt phù sa màu mỡ tưới cho đồng ruộng. Vì vậy những bãi lúa, triền ngô miền hạ lưu ngày thêm nặng hạt, những vườn đồi, trang trại ven sông càng trù phú, tốt tươi hơn. Đó là những gì tôi đã từng chứng kiến còn theo lời kể của nhiều bậc cao niên trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thì dòng sông Ngàn Trươi là huyết mạch giao thông đường thuỷ hết sức quan trọng để chuyên chở người, vũ khí lên tận An toàn khu Vụ Quang. Có thể khẳng định dấu ấn lịch sử sâu sắc nhất đó là trong phong trào Cần Vương kháng Pháp vào cuối thế kỷ XIX do chí sỹ yêu nước Phan Đình Phùng lãnh đạo với trận đánh “Sa nang úng thuỷ” trên sông Ngàn trươi từng làm bạt vía, kinh hồn bè lũ thực dân xâm lược. Hết chở che cho quân và dân ta chống Pháp, sông Ngàn trươi còn phải gồng mình gánh chịu bao mưa bom, bão đạn cày xới của đế quốc Mỹ khi đường Hồ Chí Minh con đường độc đạo chi viện cho tiền tuyến miền Nam cũng phải vắt qua dòng sông này.
Bến sông xã Hương Thọ cạn trơ đáy
Hôm nay lịch sử đã sang trang, trên quê hương Vũ Quang cũng đang từng ngày, từng giờ đổi mới và chỉ duy nhất là dòng Sông Ngàn Trươi bên lở bên bồi vẫn ngày đêm lặng lẽ xuôi dòng. Tôi còn nhớ như in trải qua bao mùa mưa lũ dòng sông phải oằn mình gánh chịu những trận mưa xối xả, khiến dòng nước đỏ ngầu, bờ sông sạt lở, nhiều cây cối, nhà cửa ven sông đã không ít lần bị cuốn trôi theo dòng nước bạc. Mùa mưa lũ đau thương, dữ dội là thế còn trong mấy tháng nay do phải ngày đêm đối mặt với những trận gió Lào hầm hập, nắng nóng như thiêu, như đốt khiến dòng sông Ngàn Trươi nhiều chỗ cạn trơ đáy. Khi chúng tôi có mặt tại dốc Dẻ nơi có con đường độc đạo men theo bờ suối vào Thành luỹ Cụ Phan cũng là lúc tôi cảm thấy ngỡ ngàng nhất. Vì cách đây chưa lâu hễ cất bước đến đây là chúng ta đã cảm nhận một không gian hết sức trong lành, được thưởng thức một bản nhạc rừng với tiếng chim hót líu lo hoà lẫn tiếng suối reo nơi đại ngàn đầy nắng gió.
Còn thời gian gần đây những ngọn suối kia đã phải phơi trần dưới nắng hạn. Đặc biệt hơn vực Vền nơi được nhiều người biết đến với độ sâu hun hút thì hôm nay mực nước cũng đã vơi đi. Sông cạn khiến những hòn đá cuội đủ màu sắc cứ trơ trọi, nằm vật vờ. Nhiều chỗ mới cách đây chưa lâu dòng nước xanh trong vắt, từng đàn cá mát, cá đục căng tròn, tôm càng xanh, càng đỏ cứ bơi lội tung tăng níu chân du khách thập phương hết chụp ảnh rồi đến quay phim hoặc ngâm mình trong làn nước mát. Tuy nhiên giờ đây vẻ đẹp đó đã không còn nữa, bởi hiếm lắm dọc triền khe, lạch núi chỉ còn đôi ba vũng nước nhưng lại không đủ độ sâu để mọi người cùng thưởng ngoạn. Còn cây cối nơi chính khu rừng già thì chỉ có những cây cổ thụ còn giữ được màu xanh, số còn lại do nhiều ngày khát nước nên không lấy gì làm tốt tươi và thậm chí nhiều loài còn nhuốm đỏ. Đến với thượng nguồn Ngàn trươi chúng ta không thể không ghé thăm bản Kim Quang nơi có Miếu thờ Chí sỹ yêu nước Phan Đình Phùng cùng nghĩa quân Cao Thắng, nơi có gần 100 hộ dân gốc Lào Thơơn cùng ngừơi bản xứ đang ngày đêm đoàn kết, gắn bó nơi vùng biên. Tuy nhiên khác với những năm trước hôm nay được chứng kiến, cuộc sống, sinh hoạt trong những ngày hè của bà con bản Kim Quang mới thấm thía hết nỗi cơ cực. Vì một lẽ nước sông Ngàn trươi đang dần cạn kiệt, nước giếng thì chỉ lác đác vài hộ dân chắt chiu lắm mới đủ dùng cho sinh hoạt. Thiếu nước khiến cho hơn 10 ha lúa hè thu của nhân dân Kim Quang phải đối mặt với tình trạng nứt nẻ, cây lúa vàng vọt, héo úa. Ruộng đông là vậy, còn tại những mảnh vườn cũng không lấy gì khấm khá hơn, bởi cả mấy tháng trời không có giọt mưa nên cây trồng trở nên vàng rộm. Những vườn bưởi Phúc Trạch, vườn cam, chanh, vườn chè xanh mướt một thời đến nay đã héo hắt. Nhưng có lẽ khổ sở hơn là những đứa trẻ nơi bản xứ mãi tụm năm, tụm bảy chơi các trò dân gian nên mặt mũi, áo quần lấm lem bùn đất. May mắn hơn quanh bản chỉ có những lùm tre, lùm nứa, những cây sung già ven suối còn giữ được màu xanh.
Nước sông Ngàn trươi cạn dần khiến nhiều ngư dân chỉ biết ngồi tán gẫu
Rảo bước dọc quanh bản tôi gặp ông Nguyễn Văn Sơn người đã gắn bó lâu năm trên mảnh đất này và được ông cho biết: Chưa năm nào hạn hán lại xẩy ra nghiêm trọng như năm nay, nước sông ngày một cạn kiệt, nước sinh hoạt hết sức thiếu thốn khiến cuộc sống của người dân có phần xáo trộn. Bởi theo ông Sơn đã hàng chục năm gắn bó với nghiệp chèo thuyền nhưng thời gian gần đây khi cây cầu Công Trình vững chãi nối từ xã Hương Quang về bản Kim Quang hoàn thành cũng là lúc ông không còn phải thức khuya, dậy sớm đưa khách sang sông. Nhưng với ánh mắt xa xăm, tần ngần trong chốc lát ông Sơn khẳng định mà bây giờ nếu không có cầu thì thuyền của ông cũng đã nằm phơi trên triền cát trắng vì nước ở đây chỗ sâu lắm chỉ lội đến mắt cá chân, chỗ cạn thì trẻ con trong làng có thể dùng làm sân đá bóng, hay tha hồ đùa dỡn.
Rời bản Kim Quang chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với bến sông xóm Kiều xã Hương Điền. Bến sông vẫn trầm mặc, thế nhưng điều đặc biệt là nếu như trước đây khi nước nước sông dâng cao tiếng gọi đò í ới cất lên từ xóm nhỏ tạo nên một không gian rất riêng thì hôm nay đã hoàn toàn đổi khác. Nước sông đã cạn tận đáy, mọi người cứ thế tự do qua sông mà không gặp bất cứ một trở ngại nào. Một hình ảnh rất ấn tượng tại bến sông đó là con thuyền từng đưa đón khách qua sông nhưng giờ đây lại nằm mấp mé bên lạch nước. Chèo gác mái, thuyền nằm chõng chơ, trong bức tranh ảm đảm đó, tôi thầm nghĩ nếu nắng nóng kéo dài thêm ít ngày nữa thì lạch nước kia sẽ không còn và rồi con thuyền nhỏ kia sẽ về đâu tìm nơi trú ngụ. Đem câu chuyện nước sông phơi cạn, tôi gặp Ông Trần Khắc Tý- Bí thư Đảng uỷ xã Hương Điền và được ông cho biết: Dù sông Ngàn trươi đã bao lần dội sống, mùa mưa lũ nước khiến cuộc sống sinh hoạt của nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhưng bù lại những ngày thường làn nước sông trong vắt đã tạo nhiều thuận lợi cho nhân dân lao động, sản xuất, chủ động nguồn nước tưới tiêu và đặc biệt hơn là phát triển nghề nuôi cá lòng trên sông. Nhưng đến giờ phút này thì nước sông đã gần như không còn, khiến cuộc sống của nhân dân có nhiều xáo trộn. Ông Tý khẳng định quy luật của tạo hoá, tự nhiên nhưng có lẽ nước sông cạn một nguyên nhân không kém phần quan trọng là chính bàn tay con người tác động bất lợi đến thiên nhiên khiến độ che phủ của rừng giảm sút, mực nước ngầm hạ thấp nên dòng sông phơi đáy âu cũng là điều dễ hiểu.
Dọc triền sông Ngàn trươi được chứng kiến cảnh nước sông cạn kiệt, người dân thì thấp thỏm lo âu nhưng có lẽ lo lắng nhất vẫn là những người hàng ngày chỉ biết bám víu dòng sông để mưu sinh với mớ tôm, con cá. Trên con thuyền nhỏ đang cắm mũi, chịu sào chị Nguyễn Thị Lài một cư dân quê ở xã Sơn Giang huyện Hương Sơn thẩn thờ cho biết: Đã gần 10 năm chị sang gắn bó với sông Ngàn trươi để làm nghề chài lưới, tuy nhiên năm nay là năm đại hạn nhất. Nước sông tại khu vực đầu mối công trình Hồ chứa nước Ngàn trươi gần như đã cạn và chỉ cách đây ít ngày do nước quá nóng khiến nhiều tôm cá không sống nổi phải chết dạt vào bờ. Trẻ em, người lớn thì có mò mẫm ra bến sông rồi cũng lũ lượt kéo nhau và tuyệt nhiên về không ai mặn mà đắm mình với dòng nước cạn. Với chị Lài lãi từ mẻ cá, con tôm thì chưa nói nhưng điều khiến chị buồn nhất là nếu nắng hạn kéo dài, nước sông cạn kiệt rồi mai đây gia đình chị và nhiều cư dân khác sẽ lấy đâu ra nguồn sống. Nước sông cạn dần theo thời gian, cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân ven sông đang bị xáo trộn một cách nghiêm trọng. Gian nan, vất vả là thế nhưng đây đó dọc bến sông ở Thị trấn Vũ Quang, xã Hương Thọ hàng ngày từng chiếc vòi rồng, từng tốp xe công nông vẫn hối hả đua nhau đi lấy cát. Với cảnh tượng này, tôi thầm nghĩ giá như những triền cát trắng ven sông kia được giữ nguyên, những tán cây rừng phòng hộ đầu nguồn được bảo vệ tốt thì chắc hẳn những trận lũ dữ, hiện tượng sạt lở bờ sông sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất hay đặc biệt hơn là dòng sông Ngàn trươi không còn phải đối mặt với khô hạn.
Mùa nắng hạn kéo dài sắp sửa qua đi và mùa mưa lũ cũng đang kề cận. Không biết rồi đây khi những tác động bất lợi của con người khiến cho trái đất nóng dần lên thì dòng nước mát từ thượng nguồn Ngàn Trươi xuôi về miền hạ lưu có còn giữ được vẻ đẹp trong lành vốn có nữa hay không. Đặc biệt hơn khi công trình đầu mối Hồ chứa nước Ngàn trươi chặn dòng thì lúc đó dòng sông với bao trầm tích có còn ôm trọn, chở che cho làng bản. Những câu hỏi đó sẽ còn bỏ ngõ nếu chúng ta chưa ý thức hết tầm quan trọng của dòng sông đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày hay thậm chí còn thờ ơ để dòng sông trôi vào dĩ vãng.
Văn Chương
Baohatinh